Kiến thức Tin tức - Sự kiện Giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo...

Giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ

1920
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh 4 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ năm học 2016 – 2017.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ

Quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), cha mẹ trẻ trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ. Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ .

Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích trong cơ sở GDMN.

Thường xuyên kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục những yếu tố gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường/lớp mầm non.

Nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ

Chỉ đạo các cơ sở GDMN quản lý chất lượng bữa ăn ở những nơi tổ chức ăn bán trú, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ. Xây dựng chế độ ăn cân đối, đa dạng, hợp lý, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị theo quy định.

Các địa phương chịu trách nhiệm việc trang bị phần mềm quản lý dinh dưỡng để hỗ trợ công tác xây dựng thực đơn và tính khẩu phần ăn cho trẻ theo quy định, đảm bảo cơ cấu dinh dưỡng phù hợp với nhóm tuổi và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Đối với những địa phương điều kiện kinh tế khó khăn, mức đóng góp tiền ăn cho trẻ tại trường không đủ để đảm bảo cho một bữa ăn đa dạng, đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị về các chất dinh dưỡng, khi xây dựng thực đơn cho trẻ cần lưu ý đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu là đủ năng lượng, cân đối giữa các chất sinh năng lượng.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm và thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tại các cơ sở GDMN.

Tăng tỷ lệ nhóm, lớp học 2 buổi/ngày có bán trú ít nhất 1,5%. Tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tại trường, lớp mầm non, trong đó trẻ 5 tuổi tăng ít nhất 2%. Đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng.

Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi đều dưới 10% và giảm so với đầu năm học; khống chế tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì.

Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT- BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học. Sổ sức khỏe và biểu đồ tăng trưởng của trẻ thực hiện theo năm học 2015-2016.

Phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho trẻ em trong các cơ sở GDMN và tham mưu triển khai thực hiện chương trình sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nang cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non

Tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN. Đảm bảo hầu hết các nhóm, lớp thực hiện Chương trình GDMN tổ chức học 2 buổi/ngày. Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở GDMN thực hiện Chương trình GDMN theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình GDMN ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT (sau khi tập huấn cốt cán cấp trung ương).

Phát triển Chương trình GDMN gắn với điều kiện thực tiễn vùng miền. Tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục trong thực hiện Chương trình GDMN;

Chú trọng giáo dục phát triển hành vi, thói quen tốt cho trẻ; Giáo dục kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi. Tăng cường áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ vào việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ; chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo theo phương châm “học bằng chơi, chơi mà học” phù hợp với lứa tuổi.

Tăng cường xây dựng môi trường giao tiếp, môi trường chữ viết trong các cơ sơ giáo dục mầm non, tạo điều kiện để trẻ phát triển ngôn ngữ ở mọi nơi mọi lúc, phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, đặc biệt là khả năng tự tin, sử dụng ngôn ngữ mạch lạc, biểu cảm.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi theo quy định tại Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT, đảm bảo đúng mục đích hỗ trợ thực hiện Chương trình GDMN, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1.

Triển khai nhân rộng chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”. Quan tâm đầu tư và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện chuyên đề. Triển khai thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Xây dựng và triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Tăng cường phổ biến kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Thực hiện thí điểm các trung tâm tư vấn chăm sóc, giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng tại 04 tỉnh: Lào Cai, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Đắc Lắk.

Triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực thực hành chuyên môn cho giáo viên mầm non thực hiện điểm tại 07 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa.

Triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 2805/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đối với việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh, các địa phương thí điểm tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm triển khai thực hiện; chuẩn bị Hội thảo toàn quốc đánh giá 03 năm thực hiện thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.

Phối hợp với Trung tâm hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập tại các địa phương để hỗ trợ can thiệp trẻ khuyết tật và hỗ trợ chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật tại các trường mầm non. Chuẩn bị điều kiện và tổ chức thực hiện hoạt động thử nghiệm bộ công cụ Bảng hỏi theo dõi sự phát triển của trẻ ASQ.3 tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Điện Biên, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Kon Tum, Ninh Thuận và Đồng Tháp.

Kiểm định chất lượng giáo dục mầm non và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

Các Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng trường mầm non; tăng cường bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ đánh giá ngoài; đảm bảo 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá và có ít nhất 40% số trường được đánh giá ngoài đạt tiêu chuẩn từ cấp độ 1 trở lên. Trong quá trình tự đánh giá cần tránh hình thức, máy móc, nhất là việc thu thập minh chứng, lưu trữ hồ sơ, đặc biệt chú ý chống bệnh thành tích.

Phát triển số lượng và nâng cao chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu trong năm học, mỗi tỉnh, thành phố tăng ít nhất 1%, toàn quốc có ít nhất 36% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Theo Giáo dục và Thời đại

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không