Kiến thức Tài chính kế toán Dự thảo mới không cho phép thành viên HTX góp vốn quá...

Dự thảo mới không cho phép thành viên HTX góp vốn quá 20% vốn điều lệ

248
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamSáng 31/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội về dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi).

Dự thảo Luật quy định, vốn góp tối đa của thành viên không vượt quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã. Đa phần đại biểu quốc hội đồng tình với ý kiến này, song vẫn còn một số ý kiến đề nghị, không nên quy định mức vốn góp tối đa để phát huy khả năng huy động vốn, quan trọng là bình đẳng không phụ thuộc vốn góp, đây chính là sự khác biệt của hợp tác xã và thể hiện mục tiêu hợp tác xã phục vụ thành viên.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) cũng đồng tình với quy định dự thảo và cho rằng, việc quy định mức vốn góp tối đa nhằm đề cao nguyên tắc hợp tác xã phục vụ thành viên không phụ thuộc vốn góp, tránh trường hợp thành viên có mức vốn góp cao sẽ được chia nhiều lợi nhuận và tạo điều kiện thu hút được thêm nhiều thành viên tham gia vào hợp tác xã. Đồng thời, tham khảo Luật hợp tác xã của một số nước đều quy định giới hạn mức vốn góp tối đa của thành viên.

Về tài sản và xử lý tài sản khi giải thể của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dự thảo luật quy định, tài sản không chia, dù có biến động về thành viên thì tài sản đó vẫn cần được coi là tài sản chung của cộng đồng thành viên. Trường hợp hợp tác xã giải thể thì căn cứ bản chất nguồn hình thành tài sản để quyết định phương án xử lý. Cũng có ý kiến đề nghị, cầnquy định tài sản không chia chỉ bao gồm phần được Nhà nước hỗ trợ. Trường hợp hợp tác xã giải thể thì chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý phục vụ việc phát triển cộng đồng.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đồng ý với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng việc duy trì tài sản không chia là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại liên tục của hợp tác xã, là sự gắn kết các thành viên của hợp tác xã, ngăn ngừa các hành vi mua bán, chuyển nhượng hợp tác xã. Tài sản không chia được hình thành từ nhiều nguồn, như nguồn Nhà nước hỗ trợ, được tặng và công sức đóng góp của thành viên. Việc quy định xử lý tài sản không chia khi giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần phải xác định nguồn hình thành tài sản để quyết định phương án chuyển giao. Đối với tài sản hình thành từ nguồn gốc Nhà nước hỗ trợ thì chuyển giao chính quyền địa phương quản lý, sử dụng cho phát triển vì lợi ích cộng đồng, đối với tài sản từ các nguồn khác thì do Điều lệ hoặc đại hội thành viên quyết định thống nhất lựa chọn phương án xử lý.

Về quy định hợp tác xã được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty, đa phần ý kiến đồng tình với dự thảo, cho phép hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty.Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị, cần giao Chính phủ quy định chặt chẽ các tiêu chí để xác định việc thành lập công ty phù hợp với mục tiêu hỗ trợ cho việc tiêu thụ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên hợp tác xã, phục vụ hoạt động của hợp tác xã, đề phòng việc thành lập công ty nhằm lợi dụng danh nghĩa hợp tác xã để hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước, hình thành sở hữu chéo, trái với mục đích thành lập và bản chất hoạt động của hợp tác xã.

Riêng về chính sách ưu đãi trong HTX chưa giành được sự thống nhất cao khi dự thảo quy định, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Trong khi đó, đa phần ý kiến lại cho rằng, hợp tác xã là một thành phần kinh tế, một tập hợp nhóm những người yếu thế liên kết lại, hợp tác với nhau cùng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nên đề nghị nghiên cứu, bổ sung một chương quy định đặc thù của từng loại hình hợp tác xã, từ đó quy định chính sách ưu đãi khung mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chính sách cụ thể. Đồng thời, nên bổ sung chính sách thuế khuyến khích những doanh nghiệp liên kết, hợp tác kinh doanh lâu dài với hợp tác xã.

Theo Báo đầu tư

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không