Liên tục gần đây, các tổ chức quốc tế như Oxfam, World Economic Forum hay Credit Suisse đã lại lên tiếng cảnh báo về thực trạng chênh lệch giàu nghèo. Theo các tổ chức này, tổng của cải sở hữu bởi nửa dưới dân số trên thế giới, xét theo thu nhập, đã bị giảm tới 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm trở lại đây.
Gần 40 năm, lương CEO tăng 1000%, lương người lao động tăng 10%
Nhắc đến sự bất bình đẳng trên thế giới, phải nhắc đến sự chênh lệch về mức sống giữa 2 tầng lớp cơ bản là những người lao động và những người chủ sử dụng lao động – các vị CEO các công ty.
Ở cả những nước giàu hay những nước đang phát triển và nước nghèo, có một thực tế là lợi ích cho mỗi người lao động từ tổng thu nhập quốc gia và từ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế đang ngày càng ít đi.
(Thu nhập lao động giảm ở cả nước giàu và nước nghèo)
Trong khi đó, tầng lớp chủ – những người sử dụng lao động – lại có khối tài sản ngày càng tăng phi mã. Tốc độ tăng trưởng tài sản của những vị CEO này thậm chí còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế.
Ngay trong năm khủng hoảng 2009, CEO từ những công ty hàng đầu nước Mỹ vẫn nhận mức lương tăng tới 54,3%, trong khi lương của người lao động gần như vẫn đi ngang. Còn ở Ấn Độ, CEO ở những công ty công nghệ hàng đầu nhận mưc lương cao gấp 416 lần lương của người lao động bình thường.
Trong nhiều năm, tất cả những chỉ số cơ bản được ghi nhận đều đã tăng mạnh, duy chỉ có mức lương của người lao động là vẫn ì ạch. Từ năm 1978 – 2014, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 503,4%, lương các vị CEO đã tăng tới 997,2%, tuy nhiên lương người lao động chỉ tăng 10,9%.
Trở thành “khách hàng”, những nhà tài phiệt thậm chí chỉ trả mức thuế thấp hơn cả người bình thường. Một ví dụ điển hình như nhà đầu tư Warren Buffett, khi ông này từng nói rằng chỉ phải trả một mức thuế suất thấp hơn cả những nhân viên trong văn phòng của mình.
Kết quả toàn cầu hóa: nghèo đói giảm ít và bất bình đẳng thì còn nguyên
Những người ủng hộ toàn cầu hóa thường viện dẫn việc số người nghèo đã được giảm bớt, để lập luận rằng bất bình đẳng không thực sự là vấn đề đáng lo ngại và theo đó, toàn cầu hóa vẫn đang mang đến những tiến triển to lớn cho thế giới.
Tuy nhiên, với Oxfam – tổ chức được thành lập với sứ mệnh chống lại sự nghèo đói – lại không hoàn toàn tán đồng ý kiến này, khi chỉ ra rằng bất bình đẳng vẫn đang tồn tại thông qua những nghiên cứu của mình.
Cụ thể, theo Oxfam, kể từ khi bước sang thế kỷ 21, những thống kê chỉ ra rằng nhóm những người nghèo khổ nhất trên thế giới chỉ nhận được 1% trong sự tăng lên của của cải toàn thế giới. Trong khi đó, có đến gần một nửa sự tăng lên của cải đó thuộc về top 1% những người giàu nhất.
Về thu nhập, các nghiên cứu cũng chỉ ra tiền lương trung bình của top 10% những người nghèo khổ nhất trên thế giới chỉ tăng lên hằng năm một lượng ít hơn 3 USD trong thời kỳ 25 năm vừa qua của toàn cầu hóa. Như vậy, tiền lương hàng ngày của những người này chỉ tăng ít hơn 1 cent trong từng ấy năm.
Oxfam cũng cho rằng nếu như sự bất bình đẳng giữa các quốc gia không gia tăng trong thời gian vừa qua thì sẽ có tới 200 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Con số này có thể tăng lên đến 700 triệu người nếu như những người nghèo được hưởng lợi từ phát triển kinh tế nhiều hơn những người giàu.
Một ước tính gần đây cho cũng biết rằng tài sản của những cá nhân giàu có đã lên đến 7,6 triệu triệu USD, nhiều hơn tổng GDP của cả Đức và Vương quốc Anh cộng lại. Những người chiến thắng trong cuộc toàn cầu hóa toàn thế giới chỉ là những người trong top đỉnh 1%.
Theo Trí Thức Trẻ