Việc phương châm “Hãy làm việc chăm chỉ và tử tế với mọi người” ngày càng trở nên phổ biến là điều không có gì khó hiểu. Nó không chỉ ngắn và dễ nhớ, mà còn nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của những giá trị thường bị bỏ quên, như sự siêng năng và lòng tốt. Dựa theo phương châm đó, đây là 8 lời khuyên cho những ai muốn trở thành một người chủ được hết thảy nhân viên tôn trọng.
1. Đừng cố gắng trở thành một “dân chơi đẳng cấp”
Ranh giới giữa một ông chủ và nhân viên là rất quan trọng vì đôi khi thực tế rất khó cân bằng giữa hai bên. Có rất nhiều cách để thể hiện mình, vì thế đừng vội thể hiện chất lãnh đạo trong những bộ trang phục lịch thiệp, có chỗ đậu xe riêng hoặc những bữa ăn trưa sang trọng. Thay vào đó, hãy tạo ra sự khác biệt bằng cách là người vào văn phòng đầu tiên và ra về sau cùng, đồng thời hãy thể hiện sự nhiệt tình không ngừng nghỉ với sự nghiệp chung.
Cùng lúc đó, hãy cẩn thận với việc gần gũi nhân viên thông qua những buổi tán gẫu hoặc cùng nhau dùng bữa trưa. Hãy để những mối quan hệ đó phát triển tự nhiên và đừng lo lắng về việc liệu họ có đang xem bạn như bạn bè không, vì đó đâu phải là công việc của bạn.
2. Hãy nhớ rằng nhân viên không phải là gia đình của bạn
Bạn và nhân viên của mình là đồng đội, thậm chí là bạn bè thân thiết nhưng không phải là một gia đình. Mỗi công ty đều có một thứ gọi là nền văn hóa doanh nghiệp, nhưng đừng vội gắn nó với những nghĩa vụ thường đi kèm hai tiếng “gia đình”.
Đối với nhân viên, đừng nên thực thi quá nhiều phương châm hoặc quy tắc cứng nhắc. Văn hóa doanh nghiệp và chiến lược nhân sự là rất quan trọng. Việc xây dựng được một nền văn hóa doanh nghiệp có thể mang nhiều giá trị tốt và ngăn chặn tiêu cực, nhưng việc cố áp đặt quá nhiều giá trị văn hóa có thể mang lại tác dụng ngược.
3. Can đảm chấp nhận những lời chỉ trích
Đây có thể là quy tắc khó thực hiện nhất trong tất cả. Thực tế có nhiều ông chủ “tích cực” xây dựng một môi trường tự do nêu ý kiến, nhưng sau đó lại đâm ra cay cú trước những gì đi ngược lại suy nghĩ của họ.
Đôi khi các nhân viên quá nhút nhát để dám đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, những lúc như vậy hãy cho họ phương hướng bày tỏ, rồi bạn hãy thực tâm thể hiện sự trung thực của mình và cam kết giải quyết.
4. Đừng tự biến mình thành mục tiêu
Là một nhà lãnh đạo, bạn có quyền quyết định mức độ người khác quan sát mình. Chỉ nên xuất hiện vừa đủ để cho mọi người thấy những khía cạnh đáng mến của bạn và đôi khi nên vắng mặt, tránh để họ nhìn thấy bất cứ điều gì không hay.
Bất cứ khi nào có thể, hãy trao đổi với nhân viên của mình những tin tức tốt, các chính sách phát triển thú vị,… hay trả lời một vài câu hỏi đã được chọn lọc trước.
Không chỉ nên chú ý đến sự hiện diện, bạn còn nên quan tâm tới giọng điệu tương tác của mình. Ngay cả khi bạn đang buồn cười, đừng để bị cám dỗ trở thành một ông chủ vui tính. Hãy nhớ một điều – nếu đó là một câu đùa đúng chỗ, nó có thể sẽ xúc phạm một ai đó, còn nếu không đúng chỗ thì nó sẽ xúc phạm tất cả mọi người.
5. Xem đối thủ cạnh tranh là động lực
Nếu bạn đã từng trải qua những trận cãi vã “ầm ầm” trong hội trường hay cảm thấy bất mãn nói chung thì hãy chuyển hướng sự chú ý đến một bên thứ 3 phía ngoài. Đây có thể là một cách tuyệt vời để hòa giải căng thẳng.
Hãy dành cả tháng để nói về một đối thủ cạnh tranh và làm thế nào để mỗi nhân viên của bạn có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty mình bằng cách vực dậy bản năng và khát khao chiến thắng.
Nếu bạn có một sản phẩm sắp ra mắt, hãy tập trung nhấn mạnh deadline và tạo ra một câu chuyện thôi thúc các nhân viên thể hiện. Đây là một trong những kỹ thuật động viên hiệu quả, vì thực tế các đội nhóm thường hoạt động hiệu quả hơn khi họ tập trung giành chiến thắng trước một lực lượng bên ngoài.
Mọi người thường có xu hướng xem cuộc sống của mình là một cốt truyện đơn giản, nơi họ nằm trong nhóm anh hùng đối đầu với nhân vật phản diện. Hãy cung cấp cho họ các nhân vật phản diện đúng chỗ và bạn sẽ sớm có cơ hội trở thành anh hùng.
6. Ban phát những đặc quyền miễn phí
Mọi người thường thích quà và những ai tặng quà cho họ, do đó hãy tận dụng cơ hội để cho đi niềm vui và sự hào phóng. Hãy cho nhân viên của bạn một thứ gì đó mà họ sẽ nhớ mãi. Bạn có thể trả tiền những bữa ăn, đồ ăn nhẹ hay thức uống cho nhân viên của mình, hoặc là hơn thế nữa.
Cũng đừng lo lắng về việc chiều chuộng nhân viên của mình, vì kết quả vô giá sẽ là kích thích tâm lý gắn bó và lòng trung thành.
7. Biết cách nhờ vả nhân viên
Mọi người đều muốn cảm thấy có giá trị. Hãy tiếp cận nhân viên của bạn thật tự nhiên và yêu cầu họ hoàn thành nhanh chóng một vài việc nhỏ gì đó trong khả năng thực hiện của họ, miễn sao đừng khiến họ cảm thấy điều đó quá nhỏ nhặt.
Bạn có thể làm điều này với các nhân viên ở những vị trí bạn thực sự am hiểu, chẳng hạn như nhờ nhân viên IT giúp bạn tìm kiếm phần mềm nhận dạng giọng nói hiệu quả nhất. Hãy chắc chắn rằng những yêu cầu của bạn không tốn quá nhiều thời gian, để có gì các nhân viên còn có thể phản ánh rằng yêu cầu có khó khăn ngoài dự kiến.
8. Sẵn sàng xin lỗi vì sai lầm của mình
Nhận lỗi là một phẩm chất đáng khen, nhưng quan trọng hơn cả là giá trị thu được từ một lời xin lỗi công khai và chân thành. Lời xin lỗi rất có giá trị và thể hiện được sự đồng cảm, đạo đức và cả trách nhiệm của công ty.
Tự bản thân một ông chủ nên nhận lỗi trước những sự cố vừa phải, không quá lớn cũng không quá nhỏ nhặt.
Theo Entrepreneur/NCĐT