Kiến thức Tuyển dụng Giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong doanh nghiệp

Giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong doanh nghiệp

6
Chi phí đầu vào gia tăng, khiến một số doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thu hẹp sản xuất, dẫn đến dôi dư lao động, buộc phải giảm bớt nhân công.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc truyền thông và thương hiệu Navigos Group, những tháng cuối năm nay, nhu cầu nhân lực sẽ chững lại hoặc chỉ tăng cục bộ ở một số ngành nghề, trong khi nhiều doanh nghiệp giảm nhu cầu tuyển dụng.
Nếu như các doanh nghiệp quy mô lớn ở các khu công nghiệp và khu chế xuất không tuyển được lao động hoặc đau đầu trước tình trạng công nhân bỏ việc hàng loạt cùng nguy cơ đình công thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại phải cắt giảm lao động.

Các lĩnh vực đều cắt giảm nhân sự
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Hiệp hội hầu như không dám đầu tư thêm để mở rộng sản xuất. Do vậy, các doanh nghiệp này không có nhu cầu tuyển mới lao động. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, từ đầu năm đến nay, lượng lao động tại các doanh nghiệp trong Hiệp hội giảm khoảng 15-30% so với cuối năm 2007.
Tính đến hết tháng 6, sản lượng ô tô của Tổng công ty Công nghiệp ôtô (Vinamotor) đạt 1.400 chiếc, giảm 600 chiếc so với 6 tháng đầu năm 2005. Như vậy, sản lượng ô tô giảm đương nhiên, kéo theo vấn đề thiếu việc làm, dư thừa lao động. Vinamotor buộc phải giảm bớt lao động. Một số đơn vị thành viên của tổng công ty này như: Nhà máy Ôtô 1-5, Nhà máy Ôtô 3-2 đã tạm dừng ký hợp đồng với lao động thời vụ (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng).
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu, thời gian qua giao dịch trên thị trường bất động sản giảm đến 80%. Đầu ra không có, sức mua thị trường giảm mạnh, giá bất động sản đã giảm xuống 20-30%. Biến động của thị trường đã tác động tức thời đến nguồn nhân lực.
Một công ty bất động sản ở quận 7, Tp.HCM, trong một tháng đã cho nghỉ việc cả chục nhân sự, bao gồm cả bộ phận kinh doanh, nhân viên hành chính và phiên dịch. Để cắt giảm nhân sự, một số công ty chứng khoán, bảo hiểm thực hiện đẩy doanh số lên cao, nhân viên nào không đạt được định mức, công ty sẽ cho nghỉ việc.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNguồn cung lao động tăng mạnh
Việc các doanh nghiệp sa thải lao động vì hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn đã khiến nguồn “cung” lao động tăng mạnh trong quý 2 vừa qua. Theo bà Winnie Lam, Giám đốc tư vấn nhân sự Công ty Navigos Group, chính nguồn cung trong quý 2/2008 tăng cao hơn nhu cầu tuyển dụng mới cho thấy khoảng cách cung- cầu lao động có vẻ như xích lại gần nhau hơn.
Báo cáo thông số nhân lực trực tuyến của Vietnamworks.com cũng cho thấy, trong hai quý 1 và 2/2008, nhu cầu tuyển dụng lao động trên mạng trực tuyến đã chững lại. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn thiếu nhân lực trung và cao cấp.
Cụ thể là nhu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm không thuộc cấp quản lý chiếm 66,7%, giảm 0,8% so với quý trước, nhưng vẫn chiếm ưu thế. Cơ hội nghề nghiệp đối với người tìm việc ở cấp độ trưởng nhóm, giám sát chiếm 9,3%, tăng 0,6% so với quý 1/2008. Xu hướng này vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu của Navigos Group, nếu doanh nghiệp nào thực hiện điều chỉnh tăng lương đều phải tính toán phương án cắt giảm lao động.
Nhiều nhà tuyển dụng bắt đầu dành thêm thời gian để xác định đúng ứng viên cần tuyển, hơn là dễ dàng chấp nhận những người chỉ đạt 70% yêu cầu, để lấp vào chỗ thiếu như thời gian qua. Cắt giảm nhân sự ở một số khâu và một số ngành nghề có thể là liều thuốc cần thiết, bởi một số ngành đã phát triển quá nóng trong năm vừa qua.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, với tình hình khó khăn như hiện nay, tỷ lệ lao động thất nghiệp có thể sẽ tăng nhẹ.
Nhưng với góc độ là một nhà nghiên cứu, ông Diệp khẳng định, đặc điểm của thị trường lao động trong nước cho thấy, nếu mất việc làm, người lao động sẽ chuyển về lao động trong khu vực nông nghiệp. Như vậy, họ không thất nghiệp hoàn toàn, mà thời gian sử dụng lao động ít đi, năng suất lao động giảm, tiền công lao động cũng ít hơn.
Hiện Chính phủ đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ người nghèo bằng biện pháp trợ cấp. Đây là giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo cho cuộc sống của người nghèo không bị xáo trộn. Tới đây, Chính phủ sẽ tiến hành nâng chuẩn nghèo lên, để những hộ cận nghèo được nhận các hỗ trợ và ưu đãi.

Theo Asset

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không