Kiến thức Tuyển dụng Cơ chế chính sách đã phù hợp để sử dụng lao động...

Cơ chế chính sách đã phù hợp để sử dụng lao động quốc tế?

8

Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN… Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn bao giờ hết. Theo đó, thị trường lao động sẽ sôi động hơn, nhu cầu sử dụng lao động tăng lên, doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng quốc tế. Nhưng liệu các chính sách và cơ chế đã sẵn sàng để đón nhận xu thế này?

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Cơ chế công nhận lao động rõ ràng

Với “Cam kết mở cửa cho 8 ngành nghề lao động” của AEC, người lao động có trình độ cao sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia trong khối nếu họ có chứng chỉ hành nghề và được thừa nhận trong khối ASEAN. Trình độ lao động giữa các quốc gia tất yếu có chênh lệch, nên cần phải có được sự “thừa nhận” nếu muốn làm việc ở quốc gia thành viên AEC khác.

Chắc chắn rồi đây các quốc gia sẽ có cơ chế công nhận lao động rõ ràng, về năng lực, trình độ của người lao động khi làm việc tại quốc gia mình để tránh tình trạng người lao động nước ngoài có chất lượng tốt nhưng không được “thừa nhận” theo cơ chế. Đây là cơ hội cho các quốc gia muốn nâng cao tính cạnh tranh về chất lượng lao động của khối DN tư nhân.

Các chính sách pháp luật điều chỉnh cũng phải thay đổi để phù hợp. Bởi trong thời đại số, người lao động dù ngồi ở nơi đâu cũng có thể làm việc hầu như trên toàn cầu.

Họ có quyền chọn nơi làm việc, nơi để đóng thuế thu nhập, và quan trọng hơn là nơi họ sẽ cống hiến năng lực. Chính sách vì thế cần linh hoạt và thông thoáng để tạo điều kiện cho lao động nước ngoài có chất lượng, đồng thời không làm chảy máu chất xám trong nước.

DN cũng vậy, việc chiêu mộ nhân tài cũng bắt đầu từ chính sách tuyển dụng và cơ chế. Các vấn đề về đóng thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm, các thủ tục hành chính liên quan không nên là rào cản hay khó khăn, để họ được làm việc với năng suất cao nhất.

Người chủ DN cần có chiến lược phù hợp để nâng cao tính cạnh tranh vào thời điểm hội nhập này, tất cả phải bắt nguồn từ chính sách nội bộ DN trước khi đón chờ sự thay đổi chính sách của Chính phủ.

Giản lược các thủ tục hành chính

Việc tự do di chuyển lao động trong AEC nói chung yêu cầu phải cải cách chính sách và có sự đồng bộ thủ tục ở cả cấp quốc gia và khu vực.

Theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài thì lao động nước ngoài chỉ được làm việc tại Việt Nam khi có visa lao động. Thời gian cấp visa nên được rút ngắn và cần tạo cơ chế cho các lao động có chuyên môn cao có thể xin cấp visa lao động ngay tại Việt Nam với chi phí thấp.

Gần đây, thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã “nới lỏng” hơn. Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định lao động nước ngoài có thể làm việc ở Việt Nam với các chức danh như chuyên gia, quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật. Dù thời hạn sử dụng giấy phép bị hạn chế (2 năm), nhưng có thể gia hạn tùy vào nhu cầu công việc. Tuy nhiên, các quy định về visa lao động nên nới rộng thời gian và linh hoạt thủ tục hơn nữa để thu hút lao động lành nghề, có chuyên môn kỹ thuật cao.

Tự do liên kết lao động

Những tiêu chuẩn được đề cập trong TPP cũng chính là các tiêu chuẩn lao động được nêu tại Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam đã đáp ứng được đa số các tiêu chuẩn này. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề ở chính sách về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, hay về xóa bỏ lao động bắt buộc. Người nước ngoài thuộc đối tượng không kết nạp vào tổ chức công đoàn, như vậy sẽ không đảm bảo quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động trong TPP.

Theo quy định chung, Việt Nam và các nước thành viên phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở. Điều này có nghĩa tổ chức của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động với danh nghĩa “công đoàn độc lập”. Nhưng hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có một tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động được công nhận, đó là công đoàn.

Chuẩn lao động theo TPP mang lại tính toàn cầu và công bằng cho các quốc gia thành viên trong quản trị lao động tại DN, DN cần thay đổi để phù hợp. Ở góc độ nhà làm luật, Nhà nước cần mở rộng cơ chế này để hướng đến việc sử dụng nhân lực lao động nước ngoài trong khối ngành kinh tế tư nhân. Từ đó nâng cao tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong giai đoạn mới.

Tóm lại, nếu Nhà nước sẵn sàng gỡ bỏ dần các rào cản pháp lý để mở rộng thị trường cho lao động nước ngoài, DN cần tranh thủ. Bản thân DN cũng phải sẵn sàng cho cơ hội thoát khỏi thị trường nội địa, cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu bằng một lực lượng lao động mới – lực lượng lao động có chất lượng quốc tế.

Theo LS. NGUYỄN VĂN LỘC – Chủ tịch LP Group

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không