Hệ thống văn bản pháp luật về kế toán đối với DN
Luật Kế toán ban hành năm 2003, đã góp phần nâng cao tính pháp lý của hệ thống văn bản pháp luật về kế toán và đảm bảo sự quản lý thống nhất về kế toán. Luật Kế toán quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán và hoạt động nghề nghiệp kế toán.
Năm 2004, 2005 và 2006, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện căn bản hệ thống khuôn khổ pháp luật về kế toán cho phù hợp với Luật Kế toán 2003 và thông lệ quốc tế. Hàng loạt văn bản hướng dẫn thực thi Luật Kế toán bao gồm các nghị định, chuẩn mực, chế độ kế toán và các thông tư hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực kế toán (CMKT) để đảm bảo tính thực thi của Luật Kế toán. Nội dung các văn bản hướng dẫn hiện hành và cơ bản đã phù hợp với hoạt động của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, cho phép các đơn vị kế toán được quyền thuê các tổ chức, cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm kế toán, làm kế toán trưởng. Để đáp ứng nhu cầu dịch vụ kế toán phát triển lành mạnh, các văn bản liên quan đến hoạt động nghề nghiệp kế toán đã được ban hành đầy đủ và đồng bộ, bao gồm quy chế thi và cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, quy định về đăng ký và quản lý hành nghề kế toán, quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động kế toán của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hệ thống CMKT Việt Nam là nội dung quan trọng trong hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, bắt đầu được nghiên cứu, xây dựng và công bố từ năm 2000 trên cơ sở hệ thống CMKT quốc tế (IAS) và chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của Việt Nam. Việc ban hành hệ thống CMKT đã góp phần quan trọng trong việc hướng các hoạt động kế toán của doanh nghiệp (DN) từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và được quốc tế thừa nhận. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành được 26 CMKT, bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động của mọi loại hình DN, ba thông tư hướng dẫn thực hiện các CNKT đã ban hành, một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam trên cơ sở bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC).
Việc ban hành hệ thống CMKT Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp một phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, tăng cường tính minh bạch của thông tin tài chính và tạo dựng môi trường kinh doanh phù hợp với khu vực và quốc tế, duy trì niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Từ nay đến năm 2010, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành mới và cập nhật, sửa đổi, bổ sung 26 CMKT đã ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường tính minh bạch của thông tin tài chính và đảm bảo hệ thống kế toán Việt Nam luôn phù hợp với thông lệ mới nhất của kế toán quốc tế, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Để CMKT đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã ban hành chế độ kế toán DN theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC. Trên cơ sở Chế độ kế toán DN, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục hướng dẫn chế độ kế toán cho các lĩnh vực đặc thù và cho phù hợp với từng loại hình DN như chế độ kế toán áp dụng cho DN bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư chứng khoán, các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chế độ kế toán cho các DN nhỏ và vừa, cơ sở ngoài công lập, hướng dẫn kế toán bổ sung những nghiệp vụ kinh tế đặc thu cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán
Cùng với công cuộc đổi mới và hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp luật về kế toán, việc phát triển hoạt động kiểm toán độc lập (KTĐL) là điều kiện cần thiết để đảm bảo tính tuân thủ đối với các quy định về kế toán, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các BCTC, làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Hiện nay, văn bản pháp quy cao nhất quy định về KTĐL mới chỉ dừng ở mức Nghị định của Chính phủ (Nghị định 105/2004/NĐ-CP về KTĐL, Nghị định 133/2005/NĐ- CP sửa đổi một số điều của Nghị định 105). Hiện nay, Luật KTĐL đã được đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội, dự kiến trình Quốc hội ban hành vào năm 2010, nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về KTĐL.
Nghị định 105/2004/NĐ-CP quy định về kiểm toán viên, DN kiểm toán, giá trị của kết quả kiểm toán, các trường hợp kiểm toán bắt buộc, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và DN kiểm toán, các quy định khác liên quan đến hoạt động KTĐL nhằm thống nhất quản lý hoạt động KTĐL bảo vệ lợi ích của cộng đồng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đảm bảo cung cấp thông tin kinh tế, tài chính trung thực, hợp lý, công khai, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước, DN và cá nhân.
Việt Nam đã ban hành được 38 chuẩn mực trên cơ sở các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA), trong đó có Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán Việt Nam được xây dựng phù hợp với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của IFAC ban hành.
Nghị định 105/2004/NĐ-CP về KTĐL và Thông tư số 64/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP hiện yêu cầu bắt buộc kiểm toán BCTC đối với những DN, tổ chức sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước (các DN nhà nước) hoặc do tính chất và quy mô hoạt động có ảnh hưởng rộng rãi đến công chúng bắt buộc phải kiểm toán theo luật định.
Phát triển dịch vụ kế toán và kiểm toán
Với chủ trương phát triển, hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ kế toán và kiểm toán, cho đến tháng 7/2008, đã có 145 công ty kiểm toán đăng ký hành nghề, trong đó có 04 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, 130 công ty TNHH, 11 công ty hợp danh. Trong khuôn khổ cam kết với WTO, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực dịch vụ này.
Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán theo uỷ quyền của Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật và chất lượng dịch vụ kiểm toán của các DN kiểm toán. Mỗi năm, hội nghề nghiệp tiến hành kiểm tra từ 20-30 DN kiểm toán. Báo cáo kết quả kiểm tra đều nêu rõ ưu điểm, tồn tại cần chấn chỉnh để các công ty kiểm toán khắc phục, sửa chữa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, đảm bảo sự tin cậy của các thông tin được kiểm toán.
Phát triển hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán
Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của tổ chức nghề nghiệp góp phần quản lý hoạt động kế toán, kiểm toán và đang thúc đẩy sự phát triển của tổ chức nghề nghiệp theo hướng chuyên nghiệp. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) được thành lập từ năm 1994. Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) được thành lập năm 2005, là một Hội thành viên tích cực và quan trọng của VAA.
Một số công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán do Bộ Tài chính Việt Nam thực hiện từ trước đến nay đã từng bước được chuyển giao cho hội nghề nghiệp như đăng ký và quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho người hành nghề; nghiên cứu, cập nhật, soạn thảo để trình Bộ Tài chính ban hành các chuẩn mực kiểm toán (VSA) (công việc này Bộ Tài chính đã giao cho VACPA triển khai thực hiện). Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. VAA hiện là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), thành viên Liên đoàn Kế toán ASEAN (AFA).
Có thể nói, dịch vụ kế toán, kiểm toán đã trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoạt động độc lập và được xã hội hoá và chính thức được công nhận trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Hoạt động của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán được đổi mới, phong phú và đa dạng. Thị trường kế toán, kiểm toán sôi động hơn và hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán trở nên phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng khi Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán vừa được ký kết giữa 10 nước ASEAN.
Theo Tạp chí Kế toán.