Về đối tượng và điều kiện cố phần hoá, ngoài đối tượng qui định trong Nghị định 187, Nghị định mới mở rộng đối tượng cổ phần hoá bao gồm: Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Công ty mẹ, Công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Điều kiện cổ phần hoá cũng được qui định rõ theo hướng doanh nghiệp phải còn vốn Nhà nước sau khi xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp. trường hợp sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì chuyển sang thực hiện việc bán hoặc giải thể, phá sản.
Về phương thức bán vốn cổ phần lần đầu, Nghị định 109 đưa ra các phương thức bán cổ phần như đấu giá, bảo lãnh phát hành, bán thoả thuận; đồng thời qui định các nguyên tắc cần tuân thủ đối với từng phương thức bán cổ phần để đảm bảo gắn với thị trường, tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Về đối tượng mua cổ phần, Nghị định mới đã xác định rõ hơn về tiêu chí đối với cổ đông chiến lược (trong nước cũng như ngoài nước). Theo đó, các cổ đông chiến lược phải cam kết đầu tư lâu dài, cam kết đầu tư công nghệ, hỗ trợ quản lý. Nghị định mới cũng xoá bỏ qui định nhà đầu tư chiến lược trong nước được giảm giá 20% để tạo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư trọng việc phát hành cổ phiếu lần đầu. Nghị định mới bổ sung qui định cho phép tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hoá đươc sử dụng nguồn quĩ hợp pháp để mua cổ phần theo giá ưu đãi như đối với người lao động trong doanh nghiệp, mức mua tối đa bằng 3% vốn điều lệ.
Đồng thời, Nghị định 109 cũng qui định rõ đối với thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp (trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp), các tổ chức tài chính trung gian, các cá nhân thực hiện tư vấn, định giá, đấu giá bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hoá không được tham gia đấu giá mua cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp đó.
Về xử lý tài chính của doanh nghiệp cổ phần hoá, Nghị định mới bổ sung thêm trách nhiệm của các Tập đoàn, Tổng công ty (Công ty mẹ) trong việc xử lý các tồn tại tài chính với tư cách là cơ quan chủ sở hữu vốn, cụ thể: Theo qui định của Nghị định 187, tài sản không cần dùng, nợ phải thu khó đòi loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, bàn giao về Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng; trách nhiệm xử lý những tài sản này thuộc về Tổng công ty, Tập đoàn.
Theo qui định tài Luật quản lý thuế có hiệu lực từ 01/07/2007, thì các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sở hữu không thuộc đối tượng được xoá nợ thuế (Điều 55 và Điều 65). Để phù hợp với qui định của Luật Quản lý thuế, Nghị định mới đã qui định: Doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi chuyển đổi; trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì công ty cổ phần sau này có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Nghị định mới qui định việc xử lý đối với tài sản đầu tư bằng nguồn Quĩ khen thưởng, Quĩ phúc lợi được công ty cổ phần tiếp tục sử dụng trong sản xuất kinh doanh doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm hoàn trả Quĩ khen thưởng, Quĩ phúc lợi để chia cho người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua cổ phần.
Đối với vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác (góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cố phần, góp vốn thành lập công ty TNHH và các hình thức đầu tư dài hạn khác) qui định chỉ chuyển giao cho DNNN nắm giữ 100% vốn khác làm đối tác, nếu không được thì doanh nghiệp cổ phần hoá phải tiếp tục kế thừa để tính vào giá trị doanh nghiệp.
Đối với khoản chênh lệch giảm giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được qui định rõ nguyên nhân. Nếu do nguyên nhân khách quan (do thiên tai, địch hoạ, do Nhà nước thay đổi chính sách, hoặc do biến động của thị trường quốc tế và các nguyên nhân bất khả kháng khác) thì sử dụng tiền thu tu từ bán cổ phần để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi bồi thường của bảo hiểm (nếu có). Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, cơ quan quyết định cổ phần hoá xem xét, điều chỉnh giảm qui mô, cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần. Nếu lỗ do việc không xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính theo qui định hiện hành của Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp thì phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan: doanh nghiệp, tổ chức tư vấn định giá và cơ quan quyết định cổ phần hoá để xử lý bồi thường vật chất. Nếu lỗ do điều hành sản xuất, kinh doanh thì cán bộ quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường toàn bộ tổn thất do chủ quan gây ra theo qui định hiện hành. Sau khi xử lý theo các qui định trên mà vẫn không đủ bù chênh lệch giảm thì công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa khoản lỗ này.
Về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, Nghị định mới đã bổ sung các qui định nhằm hoàn thiện phương pháp định giá, trong đó qui định đối với việc xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu (các tổ chức ngân hàng, tài chính thường dùng) được sử dụng kết quả kiểm toán để làm thông số tính giá trị doanh nghiệp, song cần phải kiểm kê, đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất theo Luật đât đai.
Tuy nhiên, để tránh khả năng gây thất thoát cho nhà nước trong hoạt động định giá, Nghị định đã qui định việc xác định giá trị doanh nghiệp có thể áp dụng bằng nhiều phương pháp, giá trị doanh nghiệp được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp được xác định theo phương pháp tài sản. Nghị định mới bổ sung thêm những doanh nghiệp cổ phần hoá phải thực hiện thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp ngoài những doanh nghiệp không có tổng trị giá tài sản theo sổ kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên còn bao gồm cả doanh nghiệp có giá trị vốn Nhà nước theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên hoặc có vị trí địa lý thuận lợi. Trường hợp có từ 2 tổ chức tư vấn định giá đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn định giá trở lên thì phải tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo qui định hiện hành.
Về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, Nghị định 109 đưa ra nguyên tắc xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường và rtách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trong việc qui định và công bố giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị của doanh nghiệp trong trường hợp được giao đất. Ngoài ra, đối với trường hợp doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần thì tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Giá thuê đất được lấy theo giá tại thời điểm định giá.
Về cơ chế bán cổ phần lần đầu, Nghị định mới qui định tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương thức thoả thuận và các nhà đầu tư thường theo phương pháp đấu giá không thấp hợp 25% vốn điều lệ, trong đó cổ phần bán đấu giá cho các nhà đầu tư thông thường không thấp hơn 50% số cổ phần nêu trên. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp qui mô lớn, mức bán ra công chúng do cơ quan quyết định phương án cổ phần hoá xác định.
Về phương thức lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương thức bán, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược, Nghị định mới đã qui định cụ thể phương thức bán thoả thuận trực tiếp. Đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước (bao gồm cả các ngân hàng thương mại Nhà nước) nếu nhất thiết phải chọn nhà đầu tư chiến lược thì cơ quan quyết định cổ phần hoá báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức đấu thầu riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược. Giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân.
Mặt khác, để giảm thiểu sự lợi dụng trong việc đấu giá, dự thảo qui định nếu nhà đầu tư từ chối mua trên 30% số lượng cổ phiếu bán ra thì tổ chức đấu giá tiếp phần từ chối đó; không áp dụng cơ chế chọn thầu cho những nhà đầu tư trả giá thấp hơn như trước.
Để tăng cường công khai minh bạch trong quá trình bán cổ phần lần đầu, nghị định mới bổ sung thêm qui định về công bố thông tin, về thực hiện phát hành ra công chúng để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá đồng thời niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán thì phương án cổ phần hoá có thể qui định khối lượng cổ phần đặt mua tối đa, tối thiểu đối với phần bán ra công chúng trong phương án phát hành cổ phần lần đầu để doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá có đủ điều kiện niêm yết. Quy định mức đặt mua tối đa, tối thiểu trong phương án phát hành cổ phần lần đầu không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Về quản lý, xử dụng số tiền thu được từ bán cổ phần, Nghị định 109 đã cho phép doanh nghiệp sử dụng tiền thu từ cổ phần hoá để giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư khi cổ phần hoá (kể cả người lao động nghỉ việc theo Luật lao động cũng như người lao động thuộc đối tượng áp dụng chính sách dôi dư do sắp xếp lại DNNN theo qui định của Chính phủ).
Nghị định lần này đã qui định thành lập các Quĩ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, đặc biệt là Quĩ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước để tiếp nhận tiền thu từ cổ phần hoá còn lại sau khi trừ đi chi phí cổ phần hoá doanh nghiệp sắp xếp lao động dôi dư. Cụ thể:
– Quĩ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty (đối với doanh nghiệp do tập đoàn, Tổng công ty làm chủ sở hữu) sử dụng để: hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu; giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư và xử lý các vấn đề tài chính theo quy định của pháp luật; bổ sung vốn điều lệ theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền, phần còn lại được đầu tư phát triển doanh nghiệp theo qui định của pháp luật.
– Tập trung nguồn thu từ cổ phần hoá các doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ, UBND các tỉnh, thành phố; toàn bộ Tổng công ty Nhà nước; toàn bộ Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ được tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con và công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước sư dụng để: hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu; giải quyế chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề về tài chính theo qui định của pháp luật; bổ sung vốn điều lệ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước hoặc đầu tư vào các dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
– Thủ tướng chính phue xem xét, quyết định điều hoà nguồn Quỹ trên giữa các Tập đoàn, Tổng công ty (gồm cả Quỹ tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước) để phục vụ cho việc đầu tư phát triển của đất nước trong từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Về quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, Nghị định mới bỏ cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá, bãi bỏ việc hỗ trợ các công ty cổ phần trong việc xử lý lao động dôi dư sau khi đã chuyển thành công ty cổ phần. người lao động trong doanh nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng cơ chế mua cổ phần ưu đãi giảm giá 40% so với giá đấu thành công bình quân như trước đây, nhưng quyền mua cổ phần sẽ được Nhà nước đảm bảo tối đa theo số năm làm việc trong khu vực Nhà nước (100 cổ phần cho mỗi năm làm việc). tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hoá cũng được mua cổ phần theo giá ưu đãi như người lao động trong doanh nghiệp.
Về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan liên quan, Nghị định bổ sung qui định về trách nhiệm của tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong việc tham gia vào quá trình cổ phần hoá đối với những doanh nghiệp cổ phần hoá thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC như: Thành phần Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp có đại diện của SCIC; phối hợp với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hoá; lựa chọn người đại diện phần vốn Nhà nước góp tại công ty cổ phần.
Nghị định 109 qui định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan trong việc cổ phần hóa, đẩy mạnh phân cấp đồng thời bổ xung qui định về xử lý vi phạm và qui định về giải quyết khiếu nai, tố cáo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá đối với các Tập đoàn, các Tổng công ty đặc biệt (theo phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21/8/2006 của Chính phủ), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng (như Ngân hàng thương mại Nhà nước), viễn thông… Hội đồng quản trị các Tập đoàn, các Tổng công ty được uỷ quyền quyết định phương án cổ phần hoá, công bố giá trị doanh nghiệp đối với các công ty trực thuộc.
Với những nội dung đổi mới cơ bản nêu trên của Nghị định số 109/2007/NĐ-CP, quá trình cổ phần hoá theo cơ chế mới này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra.■
Theo Tài chính doanh nghiệp