Kiến thức Đãi ngộ Bộ phận nào trong ngân hàng lương cao nhất

Bộ phận nào trong ngân hàng lương cao nhất

1371
Lương cao nhất tất nhiên thuộc về lãnh đạo. Các chuyên gia tham gia cố vấn cho ban lãnh đạo cũng là những người được thưởng thù lao “khủng”, phổ biến vài chục triệu đồng/tháng.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Lương ngân hàng cao, đó là điều không cần bàn cãi. Thống kê cho thấy, trong quý đầu năm nay, bình quân cán bộ nhân viên Vietcombank và VietinBank đều có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

Các ngân hàng như Techcombank, Quân đội, BIDV, VIB trả lương cho nhân viên từ 17 – 19 triệu đồng/tháng, còn làm tại ngân hàng ACB, Sacombank, Eximbank cũng được trên 14 triệu đồng/tháng…

Bởi vì thu nhập tính bình quân nên người này lương cao, người kia lương thấp là chuyện đương nhiên. Nhưng ai là người lương cao, ai lương thấp, làm ở bộ phận nào để có thu nhập “đỉnh” nhất, phòng ban nào có thưởng to nhất thì không phải ai cũng biết.

Lương cao nhất

Lương cao nhất tất nhiên thuộc về lãnh đạo, đó là Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Khảo sát của người viết tại hơn chục ngân hàng cho thấy, thù lao trả cho các thành viên trong hai ban lớn nhất trong mỗi ngân hàng thường là trên dưới 100 triệu đồng/người/tháng.

Các chuyên gia tham gia cố vấn cho các lãnh đạo ngân hàng cũng là những người được thưởng thù lao “khủng”, phổ biến vài chục triệu đồng/tháng. Có ngân hàng thuê chuyên gia nước ngoài còn chi trả cả tỷ đồng mỗi năm.

Ở cấp thấp hơn, giám đốc chi nhánh cũng có mức lương khá cao song phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh của chi nhánh đóng góp vào ngân hàng.

Còn nhân viên thì sao?

Tại Hội sở ngân hàng, khảo sát cho thấy, nhân viên làm ở bộ phận kinh doanh luôn có lương cao nhất. Trong nhóm này, những người thuộc bộ phận kinh doanh vốn, ngoại hối lại có thu nhập đáng mơ ước hơn cả.

So với các bộ phận khác thì lương của những người làm kinh doanh vốn và ngoại hối thường cao gấp rưỡi, gấp đôi và thậm chí hơn thế. Ngoài lương, họ còn có thưởng theo doanh số và lợi nhuận hàng quý, hàng năm.

Lý do khiến người làm bộ phận này có thu nhập cao trước hết là bởi họ là những người rất giỏi, không chỉ có trình độ ngoại ngữ tốt mà còn được đào tạo bài bản về chuyên môn.

Tiếp đến, bộ phận này luôn đem lại lợi nhuận cho ngân hàng, bên cạnh mảng tín dụng, nên được các ngân hàng rất đầu tư, quan tâm.

Và thứ ba, người làm bộ phận này phải chịu trách nhiệm và áp lực công việc cao do họ mang vốn của ngân hàng đi kinh doanh (chẳng hạn rủi ro biến động tỷ giá, ngoại tệ, giá vàng), nên nhiều ngân hàng thường trích phần trăm để khuyến khích họ mang về lợi nhuận.

Một bộ phận nữa cũng trả lương cao hàng đầu cho người lao động ở ngân hàng đó là quan hệ khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Ngoài lương ra thì các thành viên này còn được thưởng theo doanh số bởi đây là bộ phận quyết định kết quả kinh doanh của cả phòng giao dịch/chi nhánh.

Lương thấp nhất

Lương của cán bộ ngân hàng thấp nhất trong hội sở thường thuộc về cán bộ ở bộ phận hỗ trợ (chẳng hạn kế toán, hành chính, vận hành), hay bộ phận quản lý rủi ro, kiểm tra kiểm soát nội bộ, truyền thông. Nhưng thấp nhất đó là vị trí …bảo vệ và lao công, khoảng 3-5 triệu đồng/tháng.

Còn ở chi nhánh thì bộ phận hỗ trợ như là kế toán, kho quỹ, giao dịch quầy, hỗ trợ tín dụng hay bảo vệ là những người lĩnh lương ít hơn cả.

Dù hội sở hay chi nhánh thì thông thường các bộ phận này cũng chỉ được hưởng mức lương cứng theo thỏa thuận với ngân hàng và các chế độ chung khác. Thu nhập của nhóm nhân sự tại các vị trí này không cao nên đòi hỏi về nghiệp vụ, trình độ, kinh nghiệm cũng không quá khắt khe như các bộ phận khác.

Còn thưởng thì sao?

Trước đây, nhiều ngân hàng thưởng cho toàn bộ nhân viên. Nhưng hiện nay lợi nhuận khó khăn, nhất là khi ngân hàng phải dành phần lớn lợi nhuận làm ra để dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu, trong khi đó nhân sự gia tăng mạnh, nên phần thưởng cho nhân viên thường chỉ thuộc về những người làm kinh doanh.

Nói là thưởng nhưng bản chất của các khoản tiền thưởng này là lương kinh doanh mà ngân hàng giữ lại. Thông thường phần lương của bộ phận này sẽ chia làm hai, trong đó khoảng 60-70% chi trả hàng tháng và phần còn lại ngân hàng sẽ giữ. Qua một quý hoặc hai quý, một năm, phòng giao dịch/chi nhánh sẽ hạch toán, những ai hoàn thành sẽ được chi trả đủ phần còn lại.

Với những người làm kinh doanh tốt, doanh số cao thì ngoài phần lương kinh doanh nhận lại, họ sẽ có hoa hồng và phần thưởng đáng kể. Mức thưởng của các ngân hàng hiện nay không phụ thuộc vào quy mô mà phụ thuộc vào chính sách khuyến khích của mỗi nhà băng.

Có thưởng thì sẽ có phạt. Người làm kinh doanh không tốt, không hoàn thành chỉ tiêu thì sẽ bị ngân hàng giữ lại phần lương kinh doanh, thậm chí nếu liên tục không hoàn thành chỉ tiêu còn bị sa thải. Vì thế, làm công việc kinh doanh ở ngân hàng có cơ hội thu nhập cao, có thưởng lớn, nhưng cũng có nguy cơ mất việc lớn hơn các bộ phận khác.

Theo Trí thức trẻ/CafeF

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không