Chia sẻ tại buổi đối thoại với doanh nghiệp về Luật Lao động 2012 diễn ra ngày 2/6, Thứ trưởng Phạm Minh Huân bày tỏ bức xúc về sự vô cảm của nhiều cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết chế độ cho người lao động.
“Tôi biết có những kẽ hở giữa bảo hiểm và ngành lao động mà nếu 2 cơ quan không phối hợp tốt thì doanh nghiệp sẽ rất khổ. Có trường hợp người lao động bị tai nạn mà nộp hồ sơ suốt một năm rưỡi không giải quyết chế độ cho họ. Tôi rất buồn vì sự vô cảm đó. Chính các anh em thừa nhận là tiền của người lao động nuôi sống mình. Thế nhưng tại sao tiền của người ta lại hành người ta”, ông Huân chia sẻ.
Vị lãnh đạo này cho rằng tình trạng đó lỗi không phải do doanh nghiệp, của người dân mà thuộc về cơ quan quản lý. Cũng theo Thứ trưởng, trong quá trình làm việc với ngành lao động, doanh nghiệp chắc chắn không ít lần bị gây khó dễ. Do đó, ông yêu cầu tại buổi đối thoại, doanh nghiệp cần phải nêu cụ thể cơ quan, tổ chức để Bộ có những chấn chỉnh.
“Tôi biết, không ít doanh nghiệp bức xúc với các đơn vị mà sợ không dám phản ánh lại vì sợ bị gây khó dễ. Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại, các đơn vị cứ thẳng thắn, có thể không nhắc tên cá nhân cán bộ nhưng phải nêu tên cơ quan để sửa đổi nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện chế độ chính sách, đỡ tốn kém về thời gian công sức để có thể tồn tại, phát triển”, ông Huân nói.
Tuy nhiên trái với kỳ vọng của lãnh đạo, tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội chủ yếu tập trung chia sẻ về những vướng mắc trong các tình huống rất cụ thể liên quan đến số giờ làm thêm, cách tính chế độ cũng như hướng xử lý trong trường hợp người lao động không chịu đi làm lại sau khi nghỉ sinh…
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên cho rằng, hiện Luật Lao động 2012 quy định số giờ làm thêm tối đa là 300 giờ. Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng về độ tuổi lao động, cần phải làm thế nào để tận dụng được điều đó. Các doanh nghiệp khác trong khu vực, số giờ làm thêm cũng cao hơn nhiều so với Việt Nam.
“Tôi cho rằng nên hướng tới việc để người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận số giờ làm thêm nhưng trong khung quy định tính theo tháng. Nếu chỉ cho họ làm 8h một ngày mà lương chỉ 3-4 triệu thì làm sao họ có đủ lương nuôi con. Năm ngoái toàn tổng công ty tôi đang quản lý đạt lương bình quân 7,5 triệu đồng, chẳng có ai đình công vì họ có thu nhập tốt”, ông Dương cho hay.
Ngoài ra, theo ông hiện mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam (24%) là cao nhất so với khu vực ASEAN (khoảng 18%). “Mức đóng đã cao lại liên tục thay đổi thì làm sao doanh nghiệp sống được”, ông Dương bày tỏ.
Tuy nhiên, về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, mức chi trả bảo hiểm ở Việt Nam vẫn còn thấp. “Người nghỉ hưu ở Việt Nam hầu hết không có điều kiện để đi du lịch nhưng nếu tăng nóng thì doanh nghiệp không chịu được. Chúng tôi ở giữa luôn phải cân đối về điều này”, ông Huân nói.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn về việc áp dụng các văn bản pháp lý. Đại diện Hiệp hội Dệt may cho rằng văn bản thì rất nhiều nhưng vẫn thiếu hoặc chồng chéo, chất lượng chưa tốt nên cần phải được rà soát lại.
Những ý kiến của doanh nghiệp sẽ được Bộ ghi nhận và điều chỉnh trong lần soạn thảo Bộ Luật Lao động mới, dự kiến trình Quốc hội để phê duyệt vào năm 2017. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, điều trước mắt ngành cần làm vẫn là làm sao để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thực hiện chế độ cho người lao động.
“Hàng ngày, đọc các thông tin về số doanh nghiệp thành lập mới cũng như phá sản rất đáng để suy nghĩ, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang có những chính sách quan trọng để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, có những nhiệm vụ đã đề ra lâu rồi mà đến nay ngành vẫn chưa thực hiện được mặc dù Thủ tướng rất sốt ruột và đã đốc thúc liên tục”, ông trăn trở.
Theo VnExpress