Kiến thức Tuyển dụng Không biết viết CV: Mất cơ hội vì không cẩn thận

Không biết viết CV: Mất cơ hội vì không cẩn thận

9
Tốt nghiệp ĐH, ra trường, nhiều cử nhân vẫn không biết cách viết một cái CV sao cho đúng quy cách (chưa nói đến việc sáng tạo, ấn tượng). Chuyện thật như đùa ấy, hóa ra lại là thực trạng thường thấy khiến nhiều nhà tuyển dụng đau đầu.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

“Thực tế là tôi thấy tiếc cho các bạn mất đi những cơ hội vào những thời điểm đẹp nhất của tuổi trẻ”, “Việc nhỏ làm qua loa, ẩu tả thì làm sao hoàn thành được việc lớn!” – Nguyễn Bá Ngọc (Chủ tịch NB Media)

Có lẽ không cần phải nói ra thì ai cũng hiểu, CV (Curriculum Vitae) quan trọng như thế nào. Nó là yếu tố đầu tiên quyết định liệu chúng ta có được nhà tuyển dụng để mắt tới hay không.

Tỷ lệ thất nghiệp trình độ ĐH trong mấy năm gần đây đang tăng cao chóng mặt. Và phải chăng, việc không gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay từ “vòng gửi xe” chính là nguyên nhân?

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty NBN Media, kiêm Trưởng khoa PR, Trường cao đẳng Việt Mỹ, cho rằng: “Các hồ sơ xin việc mắc lỗi đương nhiên bị loại từ vòng đầu tiên. Tôi cũng thuờng nhận được những email đầy lỗi ngớ ngẩn đó của các cử nhân và cảm giác của tôi là xót xa… cho các bạn. Bởi cha mẹ các bạn phải trả rất nhiều tiền cho mười mấy năm học của các bạn, chính các bạn cũng mất mười mấy năm hì hụi đi về, chịu bao gian khó song lại không đủ chuẩn tối thiểu để làm việc”.

Theo ông Ngọc, khi chưa từng gặp ứng viên thì những CV sẽ là một phần quan trọng đánh giá năng lực và thái độ của họ với mọi việc. “Việc nhỏ làm qua loa, ẩu tả thì làm sao hoàn thành được việc lớn. Đó là chưa kể các công việc đòi hỏi cực kỳ cẩn trọng như kế toán, tài chính, kỹ thuật… sai một ly là đi một dặm ngay”.

Trong khi đó, CEO Phương Bùi (Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Anh ngữ Aten) thì cho rằng, khi đánh giá một ứng viên, cô sẽ dựa theo 4 tiêu chí: Kinh nghiệm, kỹ năng, tính cách và tiềm năng, mỗi yếu tố chiếm 25%.

“Trong CV nào cũng nói được kinh nghiệm mình có trước đó, chiếm 25%”. Vì thế, theo Phương Bùi, việc chuẩn bị một CV kỹ càng là vô cùng quan trọng. Thậm chí, đối với một số vị trí, cô sẵn sàng gọi thử việc luôn mà không cần phỏng vấn nếu đọc được những bộ CV ấn tượng.

“Đó là những bộ CV của các bạn có khả năng về thiết kế, rất sáng tạo, dễ đọc và dễ nhìn. Dù không qua phỏng vấn nhưng khi vào làm thường họ làm tốt công việc của mình”, CEO Phương Bùi nói thêm.

Đừng đánh mất cơ hội vì một email không tiêu đề

Đã qua lâu lắm rồi thời đại gửi CV trực tiếp. Hầu hết bây giờ khi ứng tuyển, bạn đều nộp hồ sơ online cho nhà tuyển dụng và khi ấy, công việc đầu tiên cần làm là soạn thảo một email. Việc viết email cũng rất quan trọng bởi chúng ta sẽ dùng đến nó hàng ngày để giao tiếp với đối tác, đồng nghiệp và cấp trên của mình.

Công việc tưởng như ai cũng có thể làm tốt ấy hóa ra lại không hề đơn giản chút nào. Tốt nghiệp ĐH, trình độ cử nhân, thậm chí là Thạc sĩ nhưng nhiều người vẫn không biết cách soạn một cái email sao cho thật rõ ràng, khoa học.

Dù CV đính kèm của bạn có ấn tượng đến đâu, những email không có tiêu đề sẽ ngay lập tức bị bỏ qua.

Nói về điều này, CEO Phương Bùi (Aten English) tâm sự: “Tôi từng nhận được rất nhiều email mắc lỗi, nhiều nhất là lỗi viết email không có tiêu đề”. Những email kiểu này thì khi nào rảnh cô vẫn xem nhưng sẽ xem sau tất cả những email có tiêu đề quan trọng khác. Nhiều khi tuyển dụng xong 1 vị trí, kết thúc xong một vụ hợp tác rồi thì những email không có tiêu đề mới được đọc tới. “Khi đó, tôi chỉ cảm thấy tiếc cho những chủ nhân những email đó không cẩn thận đã mất đi một cơ hội”. Phương Bùi phân tích, vai trò của việc viết một email phù hợp với hoàn cảnh là rất quan trọng. Nó giống như lần gặp gỡ đầu tiên, có ấn tượng tốt đẹp thì mới có những bước tiếp theo tốt đẹp.

“Đối với những email văn phong lủng củng, lỗi chính tả mà lại do các bạn trẻ mới vào nghề soạn thì tôi nghĩ, không phải họ thiếu tôn trọng mình mà có thể do người ta không có kinh nghiệm làm việc qua email, hoặc chưa cẩn thận nên tôi sẽ nhắc nhở để lần sau họ rút kinh nghiệm”.

Theo cô, đối với những email xin việc, chỉ cần đọc mấy dòng trước khi nói đến phần đính kèm CV cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người nhận CV. “Một người thể hiện sự nhiệt tình ở phần mở đầu với người check CV thì người đó sẽ nhiệt tình với chính cái CV của các bạn ấy như xem xét kỹ hơn, nhiệt tình hơn thay vì hời hợt”.

Nói về vấn đề này, chủ một quán cafe tại quận Phú Nhuận, TP. HCM cũng phải thừa nhận. “Chuyện một ngày nhận được hàng chục email xin việc “đọc xong choáng” của các bạn sinh viên không phải là chuyện hiếm. Đa phần các bạn gửi email ứng tuyển nhưng tiêu đề email để trống hoặc gõ sơ sài “xin việc”, “CV”, “Don xin viec”. Phần nội dung nhiều bạn để trống hoàn toàn và chỉ thấy mỗi file CV”.

Để lấy ví dụ minh họa, chị chủ quán đưa cho chúng tôi xem một đơn xin việc của sinh viên năm 4 Đại học. Đọc sơ qua cũng có thể thấy anh chàng này đã download mẫu đơn trên mạng và cứ thế điền vào. Thậm chí người xin việc còn để nguyên câu: “Hiện nay chưa có việc làm, tôi làm đơn này mong Nhà nước tuyển dụng và bố trí công việc làm” khiến ai đọc cũng phải ngả ngửa.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam 

Đây không phải là thứ mà nhà tuyển dụng muốn đọc được. Chắc chắn là thế!
Lời khuyên về cách viết CV, soạn email từ nhà tuyển dụng

Theo ông Ngọc, nguyên nhân đầu tiên khiến sinh viên trẻ, dù tốt nghiệp ĐH vẫn không biết cách viết email hay CV là do nhà trường đã không nhận thức, đầu tư và giúp các bạn định hướng cũng như làm tốt các việc này.

“Ở các trường mà nhà trường chú trọng việc này từ đầu, được đưa vào chương trình giáo dục và hỗ trợ sinh viên, thì các em sẽ có kết quả tốt hơn”, ông Ngọc nói thêm.

Ông Ngọc phân tích, muốn có hồ sơ đẹp thì ứng viên nên đầu tư tương xứng. “Thực ra các bạn chỉ mất một lần làm thôi là có thể sử dụng nhiều lần. Mẫu mã thì có rất nhiều trên mạng và từ bạn bè đều sẵn sàng chia sẻ các tài liệu này”, ông Ngọc nói.

Theo ông, CV hay phải cho người khác thấy năng lực và giá trị của bạn trong công việc. “Hãy quên các bằng cấp đi vì chúng chỉ có giá trị tham khảo thôi. Kinh nghiệm của tôi cho thấy các bạn có trải nghiệm không quá nhiều nơi song làm tốt và đạt thành tựu rõ ràng sẽ là những người làm việc tốt”.

Trong khi đó, CEO Phương Bùi lại cho rằng, muốn biết, muốn làm giỏi thì buộc phải học và bắt tay vào làm. 80% thời gian nên để nghiên cứu và chuẩn bị, 20% viết và gửi. “Quan trọng luôn cài đặt tâm trí mình ở chế độ mở để học hỏi mỗi ngày mỗi việc mà chúng ta cần làm, vì thế giới rất rộng lớn và có nhiều việc phải học để làm”.

Riêng ông Bá Ngọc thì luôn nhấn mạnh, các bạn trẻ nên đầu tư, học hỏi và rèn giũa việc làm CV và hồ sơ xin việc, chú ý từng thứ nho nhỏ như viết email… “Đừng để mất oan cơ hội trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nên làm như nào để nổi bật năng lực và giá trị của bản thân trước nhà tuyển dụng. Hãy cố làm tốt việc nhỏ như vậy thì mới mong sau này làm được việc lớn”.

Theo Trí thức trẻ/Kênh 14

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không