Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội thông qua từ mức 6,5 – 7% trong giai đoạn 2016 – 2020, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP cho rằng, con số này rất khó khả thi.
Trước đây, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vốn. Vài năm gần đây, giá vốn không còn rẻ, các doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu nên việc phụ thuộc vào nguồn vốn không còn nhiều như trước. Hiện tại, năng suất lao động và các yếu tố tổng hợp khác (chính sách, môi trường…) tạo ra ảnh hưởng vượt trội trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Tuy vậy, GDP đầu người với các kịch bản thận trọng và thuận lợi cho thấy mức tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới chỉ có thể đạt từ 6,05-6,38%. Tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế này, thu nhập bình quân của người Việt chỉ có thể đạt được 2.700 – 3.200 USD cho đến năm 2020, thay vì mức tối đa 3.700 USD kỳ vọng của Chính phủ.
“Nợ công của Việt Nam đã quá lớn. Nếu tiếp tục vay nợ, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tới 7%, nhưng nợ công trong 5 năm tới có thể đạt mức 100% GDP. Con số này không đảm bảo sự phát triển ổn định, gây quá nhiều rủi ro về kinh tế”, ông Thành chia sẻ.
Trong số các tiêu chí về cân đối vĩ mô, trong năm 2015, đóng góp của chi tiêu (bao gồm cả chi tiêu Chính phủ và chi tiêu của người dân) đã vượt cả đóng góp của đầu tư trong tăng trưởng GDP. Nếu tính theo con số tương đối, đóng góp của chi tiêu là 10,7%, còn đầu tư chỉ là 4,6%. Tuy nhiên, các yếu tố khác như nhập khẩu, các cán cân vĩ mô đã kéo tăng trưởng chậm lại chỉ còn 6,7%.
Riêng với vấn đề giá dầu, báo cáo của VERP cho biết, giá dầu chỉ cần giảm 1 USD thì nguồn thu sẽ giảm trung bình khoảng 2.100 tỷ đồng. Tuy vậy, cơ chế thương mại của Việt Nam hiện tại lại là giá hàng càng giảm, càng khai thác để bán ra nhiều để bù đắp. Điều này khiến nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ ngày càng bất ổn định.
Chia sẻ thêm về con số 7,3 tỷ USD tiền gửi của các ngân hàng trong nước gửi ra nước ngoài trong quý III/2015, TS Nguyễn Đức Thành khẳng định đây chỉ là con số ròng, sau khi đã trừ đi dòng tiền chảy ngược về trong nước. Con số thực gửi ra nước ngoài chắc chắn sẽ cao hơn 7,3 tỷ USD rất nhiều.
“Đây hoàn toàn là tiền của các ngân hàng, bởi các ngân hàng có cơ chế này, và làm thế là đúng luật. Còn các cá nhân ở Việt Nam, ngay cả các đại gia, cũng rất khó để có thể mang tiền USD ra khỏi Việt Nam, bởi Nhà nước có quy định hạn chế cơ chế này”, ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ