Kiến thức Marketing 5 hình thức truyền thông CSR hiệu quả cho doanh nghiệp

5 hình thức truyền thông CSR hiệu quả cho doanh nghiệp

131

Theo mô hình kim tự tháp được ứng dụng rộng rãi của Carolls về trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp (CSR – Corporate Social Responsibilities), doanh nghiệp cần hoàn thành các trách nhiệm từ nền tảng đến nâng cao, theo đó vai trò liên quan đến “philathrophy” (từ thiện, nhân ái) sẽ là bước cao nhất sau các trách nhiệm đảm bảo lợi nhuận kinh doanh, tuân thủ pháp luật và đạo đức.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Cần lưu ý rằng, lý thuyết không giới hạn doanh nghiệp cần đi từng bước trên thang lũy CSR mà nên kết hợp hài hòa và giải quyết mối quan hệ của từng yếu tố với yếu tố cao nhất – yếu tố con người, nhân bản. Do các trách nhiệm xã hội mang tính nền tảng là bắt buộc nên khái niệm CSR được mặc định là nói tới vai trò cao nhất này.

CSR là hoạt động có tầm quan trọng ở các công ty lớn, công ty đa quốc gia với chiến lược bài bản, luôn được duy trì cùng với sự phát triển và đi lên của các doanh nghiệp. Bên cạnh hoạt động truyền thông về chuyên môn, quy mô và chất lượng của sản phẩm của công ty, thì CSR chính là nội dung truyền thông tạo ảnh hưởng tốt cho doanh nghiệp.

Đối với người làm truyền thông, CSR chính là bầu trời sáng tạo bởi CSR không nhất thiết là hoạt động từ thiện, tặng quà, mà có thể hết sức đa dạng nhằm mang lại nhiều giá trị đóng góp cho cộng đồng. Doanh nghiệp cần có kế hoạch hoạt động và truyền thông cho CSR một cách thường xuyên, nhất quán và rộng rãi đến với cộng đồng. Sau đây là một số hình thức truyền thông vừa hiệu quả vừa mang lại ý nghĩa và hình ảnh CSR cho doanh nghiệp.

1. Tích cực chuyển tải kiến thức chuyên môn đến xã hội

Chuyên môn chính là tài sản lớn nhất của mỗi doanh nghiệp, bởi đó là nền tảng để họ phát triển sản phẩm phục vụ người tiêu dùng và khách hàng. Doanh nghiệp có thể tận dụng tài sản giàu có này, chia sẻ những kiến thức hữu ích đến với người tiêu dùng rộng rãi chính là cách đóng góp cho xã hội: công ty dinh dưỡng hướng dẫn cách nhận biết thông tin trên nhãn hiệu, cách lựa chọn sản phẩm phù hợp với người bệnh; doanh nghiệp y tế hướng dẫn các bài tập sức khỏe và những nguyên tắc để giữ gìn sức khỏe, doanh nghiệp công nghệ khuyến khích và hỗ trợ hoạt động sáng tạo… Việc chia sẻ tri thức luôn được chào đón, bởi “cũ” với người này lại có thể hoàn toàn “mới” với người khác, luôn có giá trị.

2. Chính sách tốt cho nhân viên

Việc tích cực quảng bá việc chăm sóc nhân viên không chỉ tạo sự gắn kết đối với nhân viên mà còn tạo cảm tình với xã hội về doanh nghiệp đó. Như có câu nói, doanh nghiệp 10 người là doanh nghiệp của bạn, nhưng doanh nghiệp 1.000 người là của xã hội. Đây cũng là lý do mà chính quyền địa phương luôn hỗ trợ doanh nghiệp có những chính sách tốt với nhân viên khi tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, công đoàn chăm lo cho đội ngũ nhân viên.

Công ty bảo hiểm Manulife tạo được ấn tượng tốt khi mang tới cơ hội việc làm cho những vận động viên thể thao quá tuổi tham gia thi đấu… Trong xã hội mà truyền thông xã hội có tầm ảnh hưởng lớn, mỗi một chia sẻ của nhân viên về doanh nghiệp đó còn là cách truyền thông “mềm” hiệu quả cho doanh nghiệp.

3. Hướng tới môi trường

Theo nghiên cứu truyền thông về “hoạt động CSR được trông đợi nhất” của Công ty GSK trên toàn cầu năm 2015, hoạt động liên quan đến môi trường thuộc Top 3. Tình yêu với mẹ thiên nhiên luôn tạo nên nguồn cảm hứng vĩnh cửu đối với con người và trách nhiệm xã hội với môi trường chưa bao giờ thôi cảm kích con người. Đây là chủ đề thường xuyên, rộng lớn và trách nhiệm đối với môi trường cũng là khung trời sáng tạo của chính các nhà hoạt động xã hội tại doanh nghiệp.

Công ty bia Việt Nam nổi tiếng với chuỗi hoạt động về an ninh nước: “Một phút tiết kiệm”, “Đem nước sạch về vùng xa”… Các ý tưởng như góp phần giảm thiểu khí thải, làm sạch đường phố, tiết kiệm nước,… đều có thể trở thành CSR chạm đến trái tim.

4. Nhạy cảm đối với các vấn đề xã hội tại địa phương kinh doanh

Như từ “nhạy cảm” đã gợi ý, chính là hướng tiếp cận có ít lý thuyết để trình bày nhất mà phụ thuộc vào sự xoay xở của doanh nghiệp đối với tình hình thực tế.

Heineken nổi bật với chương trình “Uống có trách nhiệm”, trong bối cảnh nước ta xảy ra rất nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông do uống quá liều lượng vẫn điều khiển xe, đặc biệt trong dịp lễ tết. Hay “Use smart phone smartly” của Samsung khi khuyến khích mọi người sử dụng điện thoại thông minh một cách thông minh khi hiện tượng lạm dụng điện thoại thông minh ngày một cao.

Chương trình CSR “nhạy cảm” luôn mở ra một cánh cửa rộng cho bất cứ doanh nghiệp nào, có khi là sự việc nổi lên ở địa phương đó, xây cầu, giúp đỡ hoàn thiện ước nguyện của em bé, hay rộng hơn về sự công bằng xã hội, bình đẳng giới tính…

5. Xây dựng báo cáo phát triển bền vững (CSR Report)

Hoạt động công bố thường niên này nên được coi trọng gần như tương đương với báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Dễ nhận thấy là các tập đoàn đa quốc gia luôn hướng tới CSR như một phần trong thành công kinh doanh của họ.

Các CSR Report của các tập đoàn thường được tìm kiếm, tạo được tầm ảnh hưởng rộng rãi và thúc đẩy hơn nữa tư duy kinh doanh có sự đóng góp cho cộng đồng. Đây chính là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp để duy trì tốt hơn nữa tình cảm và từ đó là lòng trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không