Kiến thức Tin tức - Sự kiện Ôn thi vào lớp 10 và những lưu ý cần nhớ

Ôn thi vào lớp 10 và những lưu ý cần nhớ

23
Học sinh lớp 9 ở các tỉnh, thành chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2016 – 2017. Ôn tập các môn thi như thế nào để giành một suất học trong trường công là một điều quan trọng đối với các học sinh.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Ôn theo cấu trúc đề thi môn toán

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Như Hằng, Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán trong những năm gần đây có cấu trúc khá quen thuộc và ổn định. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa nhưng vẫn phân loại được học sinh (HS).
Với HS trung bình, nếu cẩn thận và được luyện tập, dễ dàng lấy điểm tối đa ở câu giải phương trình bậc hai bằng công thức nghiệm Delta, phương trình quy về bậc hai, giải hệ phương trình bậc nhất hai ẩn bằng phương pháp cộng hoặc thế và câu hàm số bậc nhất và bậc hai: vẽ đồ thị, xác định giao điểm. Các câu về sau, mức độ khó tăng dần, đòi hỏi nhiều kỹ năng.
HS có nguyện vọng thi vào lớp chuyên toán cần biết đề thi thường tập trung vào các dạng để tập trung vào ôn tập như: giải phương trình chứa căn thức, giải hệ phương trình (có chứa ẩn ở mẫu, nhiều hơn 2 ẩn), tính giá trị của biểu thức với điều kiện cho trước, bất đẳng thức (bất đẳng thức có điều kiện)…

Vững kiến thức tiếng việt

Ông Nguyễn Hữu Dương, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM), đưa ra nhận xét, trong phạm vi 3 năm gần đây, đề thi môn ngữ văn có thể có ba hoặc bốn câu. Ở phần đọc hiểu văn bản, đề bài thường đưa ra một văn bản ngắn với các câu hỏi nhỏ liên quan đến kiến thức tiếng Việt và những vấn đề liên quan với nội dung của văn bản được nêu. Văn bản của đề bài có thể nằm trong sách giáo khoa hoặc có thể được trích dẫn từ bên ngoài.
Theo giáo viên Hữu Dương, khi ôn tập các em cần đọc lại và nắm nội dung của những văn bản có trong chương trình như: Bàn về đọc sách, Tiếng nói của văn nghệ, Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới… và cũng cần thường xuyên theo dõi những vấn đề thời sự được phản ánh trên sách báo. Bên cạnh đó, các em cần ôn và nắm vững các kiến thức tiếng Việt trong chương trình lớp 9. Đặc biệt phần nội dung liên quan đến các phương châm hội thoại, từ ngữ xưng hô và cách dùng từ ngữ xưng hô, cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp, các thành phần biệt lập, liên kết câu và liên kết đoạn văn, nghĩa tường minh và hàm ý…
Các em cần ôn, luyện và ghi nhớ cách làm hai dạng nghị luận xã hội được học và thực hành nhiều lần trong chương trình lớp: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống. Mỗi dạng nghị luận có cách triển khai, giải quyết riêng. Muốn viết tốt phần này, ngoài kỹ năng viết được rèn luyện lâu dài, các em cần có kiến thức về các vấn đề được đề cập trong chương trình. Các em cần đọc sách báo để tích lũy kiến thức, để biết các vấn đề thời sự trong đời sống và có những suy nghĩ bước đầu về các vấn đề nói trên. Dĩ nhiên, các em cũng cần hiểu và ghi nhớ những gợi ý của các thầy cô về một số vấn đề nghị luận mà thầy cô đã chuẩn bị, hướng dẫn các em.

Phần ba là phần nghị luận văn học với yêu cầu thường xoáy vào việc nghị luận một đoạn thơ, bài thơ, một đoạn văn xuôi hoặc một nhân vật trong tác phẩm nói chung hay trong một đoạn trích cụ thể. HS phải học, ôn và ghi nhớ những vấn đề về tác giả, xuất xứ, giá trị, ý nghĩa của các văn bản văn học trong chương trình. Văn bản nhiều cho nên khi ôn, các em cần sử dụng bảng hệ thống hóa các văn bản văn học mà thầy cô đã hướng dẫn, cung cấp để ôn, để tái hiện kiến thức văn học cần ghi nhớ và khai thác nó để trình bày khi nghị luận.

Tích lũy từ vựng tiếng Anh
Nguyễn Trần An, giáo viên Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Vĩnh Viễn, hướng dẫn HS ôn tập bám sát theo từng nội dung của cấu trúc đề thi. HS cần tạo sổ từ vựng riêng cho mình và tích lũy càng nhiều càng tốt. Khi học một từ cũng cần nên biết cách phát âm của từ vựng đó, các động từ hoặc danh từ đi theo cùng, kể cả cách cấu tạo thành danh từ hay tính từ của từ vựng đó.
Về phần ngữ pháp, HS cần chia thành các nhóm để học bao gồm: Động từ với thời của động từ (tense), dạng thức bị động/chủ động, động từ theo sau là những động từ thêm ING hay TO+ nguyên mẫu (verbal); Danh từ với danh từ đếm được hoặc không đếm được, đặc biệt là các từ lượng định đi theo danh từ như a few, many, a number of, a lot of, a little, much, the amount of…; Tính từ/trạng từ với các loại so sánh hơn hay so sánh nhất; Giới từ với giới từ thời gian, nơi chốn, chuyển động… Cần thuộc một nhóm giới từ cố định như on time, in time, in turn, on the whole…; Câu phức tạp với mệnh đề tính ngữ, hoặc mệnh đề trạng ngữ thời gian, điều kiện, nguyên nhân, kết quả…

Theo Thanh niên

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không