Ngày Quốc tế Lao động hay 1/5 là dấu mốc kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.
Ngày 1/5 là gì?
Ngày 1/5/1886, giới công nhân trên toàn nước Mỹ bãi công, buộc giới chủ phải thực hiện yêu cầu. Sự kiện đầu tiên diễn ra tại Chicago, nơi khoảng 40.000 công nhân không tới nhà máy mà xuống đường tuần hành. Sự kiện này lôi cuốn nhiều người tham gia và lan truyền sang các thành phố khác của Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình hòa bình của công nhân Chicago trở thành bạo loạn sau xung đột với cảnh sát. Đỉnh điểm là vụ việc một người không xác định danh tính ném quả bom tự chế về phía cảnh sát, gây ra một vụ xả súng. Hậu quả, 7 cảnh sát và 4 công nhân thiệt mạng, nhiều người bị thương, bị bắt và kết án tử hình. Tuy nhiên, cuối cùng giới chủ Mỹ phải nhượng bộ, chấp nhận yêu cầu ngày làm 8 giờ của công nhân, CNN đưa tin.
Ngày 20/6/1889, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II diễn ra tại Paris, Pháp đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản. Nó trở thành ngày Quốc tế Lao động.
Vì sao mọi người tuần hành ngày 1/5?
Hơn một thế kỷ qua, rất nhiều người đã chọn ngày 1/5 để thể hiện sự ủng hộ các quyền của người lao động. Đây là ngày diễn ra phần lớn các cuộc tuần hành hòa bình trên thế giới nhưng cũng là ngày có lịch sử chính trị phức tạp bậc nhất. Ngày nay, quy định ngày làm 8 tiếng vẫn đang phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, bạo lực từng xảy ra trong một số cuộc mít tinh trên thế giới. Trong năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực chặn các cuộc biểu tình ngày 1/5 vì lý do an ninh. Trên khắp châu Âu, cảnh sát trang bị vũ khí hạng nặng được huy động để giám sát các sự kiện tương tự để tránh sự cố. Tại Mỹ, bạo lực vừa nổ ra sau cuộc tuần hành hòa bình ở Seattle, bang Washington nhưng không gây thiệt hại về người.
Ý nghĩa khác của ngày 1/5?
Trong tiếng Anh, ngày Quốc tế Lao động và tín hiệu cấp cứu khẩn cấp đều được gọi là “May Day”. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn không liên quan tới nhau. Về ngày Quốc tế Lao động, May Day được dùng để chỉ ngày 1/5 trong khi tín hiệu cấp cứu khẩn cấp được mượn từ “m’aidez” của tiếng Pháp, nghĩa là giúp tôi với.
Theo Zing