Là người đã đi làm, hẳn bạn biết có một số người luôn tỏ ra thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ người khác ở nơi làm việc, nhưng thực chất lại ngấm ngầm “đâm sau lưng” họ.
Những “kẻ thù” giấu mặt như vậy sẽ khiến cuộc sống công sở của bạn trở nên khó khăn, mệt mỏi hơn. Vì thế, hãy tỉnh táo xác định những người xấu tính ở nơi làm việc và tìm cách “phòng thủ” trước.
Dưới đây là sáu kiểu “kẻ thù” có thể xuất hiện nơi công sở và một số gợi ý giúp bạn đối phó:
Đồng nghiệp “chính trị gia”
Đồng nghiệp “chính trị gia” liên tục tung hô những thành tựu của bản thân với cấp trên mọi lúc mọi nơi. Thậm chí họ còn hạ thấp đồng nghiệp khác để làm nổi mình lên. Thông thường đồng nghiệp này sẽ nói với bạn một đằng nhưng nói với sếp một nẻo.
Giải pháp: cập nhật tình hình công việc của bạn thường xuyên với sếp và những đồng nghiệp khác. Khi có nhiều người biết tới thành công của bạn, đồng nghiệp “chính trị gia” sẽ không có cơ hội cạnh tranh thiếu lành mạnh với bạn.
Cấp dưới đầy tham vọng
Cấp dưới này không thể hiện gì nhiều ngoại trừ sự ngưỡng mộ với công việc của bạn. Nhưng hãy cẩn thận, anh/cô ấy có thể có tham vọng chờ bạn “sảy chân” và nắm lấy vị trí của bạn.
Giải pháp: cách tốt nhất để kiểm soát cấp dưới “ngây thơ” nhưng tham vọng này là trở thành người quản lý tỉnh táo và xuất sắc. Hãy thể hiện quyền lực của mình khi cấp dưới có dấu hiệu ngấm ngầm “phá hoại” bạn.
Cấp trên hay than vãn
Nếu cấp trên của bạn là người hay kêu ca, than vãn và chỉ chăm chăm vào mặt tiêu cực của vấn đề, bạn cũng như những đồng nghiệp khác rất dễ bị ảnh hưởng và công việc của các bạn sẽ luôn ám màu u tối.
Giải pháp: khi trao đổi với sếp, thay vì nói về những điều tồi tệ, bạn nên chuyển hướng nói về biện pháp thay đổi tích cực. Đồng thời hãy bàn luận xem mọi người có thể làm gì để giải quyết tình huống một cách hiệu quả nhất.
Đồng nghiệp muốn cướp công
Trước mỗi cuộc họp hay khi thảo luận về một dự án, người này thường thăm dò ý kiến của bạn và sau đó lại trình bày như thể đó là ý tưởng của họ và hưởng những lời khen ngợi, phần thưởng nếu có.
Giải pháp: hãy khéo léo nói rằng có một sự hiểu lầm về người đưa ra ý tưởng và rằng bạn mới là người đầu tiên đưa ra ý kiến đó. Nếu người đó vẫn cố tình cướp công của bạn, hãy tới gặp sếp và đưa ra các chứng cớ để chứng minh với anh/cô ấy.
Kẻ ăn không ngồi rồi
Người này chỉ thích ngồi chơi an nhàn trong phòng mát mẻ hay ghé qua góc làm việc của bạn để “tám” chuyện. Điều này rất dễ khiến bạn xao nhãng công việc.
Giải pháp: nói chuyện xã giao với đồng nghiệp có thể giúp ích cho sự nghiệp của bạn, nhưng phải đúng cách. Hãy cho phép bản thân 10 phút để nói chuyện trong giờ nghỉ. Sau đó, bạn phải tự rèn giũa bản thân để nói những câu như “Cả tôi và anh/chị đều đang bận rộn nên chúng ta hãy quay lại công việc thôi”.
Kẻ lười biếng
Người này luôn tận dụng cơ hội để đùn đẩy công việc cho người khác, thậm chí khiến mọi người cảm thấy họ có trách nhiệm phải hoàn thành phần công việc của anh/cô ấy.
Giải pháp: khi nhận thấy mình đang bị người khác lợi dụng, hãy nói chuyện rõ ràng với họ về nhiệm vụ và thời gian hoàn thành. Trong trường hợp bạn phải báo cáo việc này với sếp, hãy đảm bảo những nhận xét của bạn tập trung vào công việc chứ không phải nói xấu người đồng nghiệp kia.
Theo Tiền Phong Online
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông