Kiến thức Tuyển dụng Du học sinh ngành truyền thông và cơ hội việc làm

Du học sinh ngành truyền thông và cơ hội việc làm

8

Truyền thông đang là ngành học được nhiều phụ huynh và học sinh chọn lựa. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhu cầu về các ngành nghề liên quan đến truyền thông ngày càng bùng nổ. Tuy nhiên, vì đây là một ngành nghề khá rộng nên nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn bối rối khi tìm hiểu.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Câu hỏi thường gặp nhất là “Tốt nghiệp ngành truyền thông sẽ làm được những gì?”, đặc biệt khi lựa chọn du học với ngành này, các thắc mắc sẽ còn bao gồm cả khả năng ứng dụng với thị trường Việt Nam, khả năng ở lại làm việc… Bài viết này sẽ đề cập và phân tích những cơ hội nghề nghiệp với các sinh viên tốt nghiệp ngành truyền thông.

Lý do chính giúp truyền thông trở thành ngành nghề bùng nổ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vì hầu như tất cả các lĩnh vực, các công ty đều cần có sự hỗ trợ của truyền thông, từ quảng bá sản phẩm cho đến việc xây dựng mối quan hệ tốt với nhà đầu tư, khách hàng…

Có một thực tế là dù cho nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, nhiều ngành nghề gặp phải khó khăn thì truyền thông vẫn được chú trọng để giúp doanh nghiệp giữ vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Các chương trình đào tạo truyền thông trên khắp thế giới đều có điểm chung là chú trọng trang bị cho sinh viên khả năng tiếp cận với nhiều đối tượng công chúng khác nhau và truyền tải thông điệp của doanh nghiệp một cách trọn vẹn đến các đối tượng đó bằng các công nghệ cập nhật, cách thức sáng tạo nhất có thể.

Những nhân viên truyền thông là phần không thể thiếu của nhiều công ty, tập đoàn, cho dù thuộc bộ phận quản lý nhân sự, marketing hay quan hệ chính phủ… Không dừng lại ở đó, ngành truyền thông còn nở hoa ở các lĩnh vực sáng tạo, bao gồm cả lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số với tốc độ phát triển chóng mặt trong mười năm trở lại đây.

Ngọc Minh, du học sinh của Đại học Reading (Anh) chia sẻ: “Tôi chọn du học ngành truyền thông vì đây là một ngành rất thú vị, nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực khác nhau. Hy vọng sau khi tốt nghiệp ngành này, tôi sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm để tìm ra được lĩnh vực phù hợp nhất cho mình. Và “cơn sốt” truyền thông không chỉ xảy ra ở riêng tại Việt Nam mà còn trên quy mô toàn cầu. Điều đó có thể thấy rõ qua việc hầu như tất cả các trường đại học lớn đều có khoa truyền thông với số lượng sinh viên đáng kể. Chính vì vậy, khi chọn học ngành truyền thông, tôi có rất nhiều lựa chọn về điểm đến cũng như trường học. Điều mà tôi lo lắng trước khi du học là liệu mình có cơ hội làm việc, tích lũy kinh nghiệm tại Anh sau khi tốt nghiệp hay không, vì tôi lo ngại nếu không phải là người bản xứ thì cơ hội sẽ hạn chế hơn. Tuy nhiên, sau khi học rồi tôi mới hiểu, không phải sinh viên tốt nghiệp ngành truyền thông nào cũng phải trở thành người dẫn chương trình, phóng viên hay sử dụng thành thạo ngôn ngữ như người bản xứ. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã tìm được một vị trí làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ truyền thông kỹ thuật số, đòi hỏi phải có kỹ năng xây dựng chiến lược, vận dụng kỹ năng phân tích. Có thể nói, cơ hội nghề nghiệp dành cho ngành truyền thông là rất dồi dào”.

Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh

Truyền thông có vai trò quan trọng với bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Một tấm bằng tốt nghiệp ngành truyền thông là một trong những cách dễ dàng và thuận lợi nhất để tiếp cận với môi trường kinh doanh chuyên nghiệp. Cho dù doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nào thì nhân viên truyền thông khởi sự cũng cần thông thạo kỹ năng viết, giao tiếp, thuyết trình cũng như những kiến thức liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của công ty mình. Trong các công ty, tập đoàn lớn, các nhân viên truyền thông cũng có cơ hội thăng tiến lên các vị trí quản lý, giám đốc, đào tạo…

Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực quản lý nhân sự

Quản lý nhân sự là bộ phận quan trọng của bất kỳ công ty, tổ chức nào. Bộ phận này chịu trách nhiệm giữ vững các nguyên tắc làm việc, phối hợp của toàn bộ bộ máy cũng như xây dựng một môi trường làm việc thoải mái, tạo động lực cho nhân viên. Vai trò của nhân viên truyền thông trong bộ phận quản lý nhân sự chính là để bảo đảm sự thông hiểu một cách tối đa nhất giữa công ty và nhân viên.

Nhân viên truyền thông sẽ tham gia vào nhiều khâu của bộ phận nhân sự như tuyển dụng, phổ biến về chính sách của công ty, các chương trình đào tạo, phát triển… Lĩnh vực này phù hợp với những ai thích làm việc với con người, khéo léo trong cách ứng xử và có kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau.

Cơ hội nghề nghiệp trong marketing, quảng cáo, PR

Marketing, PR và quảng cáo chính là lĩnh vực lớn nhất của truyền thông hiện nay, cũng là nghề nghiệp mà phần lớn sinh viên tốt nghiệp truyền thông lựa chọn. Đây cũng là lĩnh vực có nhu cầu khổng lồ về nhân sự. Để theo đuổi được lĩnh vực này, sinh viên phải thể hiện được sự năng động, thích nghi tốt với nhiều môi trường làm việc, nhiều điều kiện làm việc khác nhau.

Bên cạnh các kỹ năng cơ bản như giao tiếp, viết và thuyết trình tốt, sáng tạo là một trong những điều kiện cần để có thể trụ vững với nghề. Đây cũng là lĩnh vực cần sự đa năng, ngay phút trước bạn có thể chỉn chu thuyết trình về các vấn đề với giám đốc điều hành, phút sau đã phải năng động xuất hiện trong một sự kiện cộng đồng.

Cơ hội nghề nghiệp trong truyền thông và truyền thông số

Có thể nói trong mười năm gần đây, media và digital là hai cụm từ được nhắc đến rất nhiều. Cuộc sống ngày càng hiện đại cũng là lúc con người ngày càng phải tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin đại chúng, các phương tiện truyền thông số.

Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này cũng rất đa dạng, từ làm việc với các phương tiện truyền thông truyền thống như truyền hình, báo chí cho đến các kênh truyền thông kỹ thuật số. Và dù cho bạn có lựa chọn như thế nào, lĩnh vực này cũng đòi hỏi sự cập nhật, tìm tòi, nhất là trong thời đại công nghệ và kỹ thuật phát triển chóng mặt như hiện nay.

Nếu như với các phương tiện truyền thông truyền thống, bạn cần phải thể hiện được kinh nghiệm, sự cẩn thận của mình và thường là phải bắt đầu với những công ty nhỏ trước khi tìm được cơ hội việc làm ở các công ty lớn thì với ngành truyền thông kỹ thuật số, sự sáng tạo phải đi cùng với khả năng phân tích và logic.

Theo DNSG

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không