Kiến thức Tuyển dụng Làm thế nào để tuyển đúng người đúng việc?

Làm thế nào để tuyển đúng người đúng việc?

38
Vấn đề thiếu hụt nhân sự có chất lượng đã tồn tại từ lâu tại Việt Nam. Vậy các doanh nghiệp cần “đãi cát” như thế nào để “tìm được vàng”?

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

dai-cat-the-nao57aNam rảo bước nhanh vào cao ốc văn phòng Sun Wah, đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM, nơi đặt trụ sở của một trong những công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Sáng nay, Nam có cuộc hẹn phỏng vấn quan trọng với ban giám đốc công ty này, nhằm thỏa thuận các điều kiện về gói lương bổng và những chế độ ưu đãi khác nếu về “đầu quân” cho họ.

Có điểm sáng, nhưng vẫn đáng lo

Vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp than phiền rằng họ không thể tuyển dụng được đúng người để làm đúng việc, mặc dù chấp nhận trả lương cao hơn mặt bằng thị trường

Sinh năm 1988, chưa đầy 30 tuổi Nam đã trải qua những vị trí quản lý cấp trung tại các doanh nghiệp lần lượt trong các ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Tự cho rằng mình có đủ kinh nghiệm và năng lực để dịch chuyển sang một môi trường làm việc hoàn toàn mới – quỹ đầu tư – chàng thanh niên tốt nghiệp Đại học New York (Mỹ) cho biết, thu nhập giờ đây không phải là mối quan tâm lớn nhất của mình nữa, thay vào đó là cơ hội với một công việc nhiều thách thức.

“Tôi có nhiều bạn bè học ở nước ngoài về hoặc học trong nước, có đủ kỹ năng và trình độ ngoại ngữ tốt, họ giống tôi là muốn thử sức mình khi “nhảy việc”, bước ra khỏi vùng an toàn. Có người thành công, có kẻ thất bại, nhưng chúng tôi chưa bao giờ hối tiếc về lựa chọn của mình”, Nam tâm sự với người viết tại quán Central Café dưới chân tòa nhà Sun Wah sau cuộc phỏng vấn.

Những thanh niên trẻ trung, năng động và được đào tạo bài bản như Nam là một tín hiệu tốt đối với các nhà tuyển dụng. Nó cho thấy thị trường nhân sự cấp trung và cấp cao đang dần được “lấp đầy” bởi nguồn cung từ những trường đại học hàng đầu Việt Nam lẫn các trường lớn ở Mỹ, Anh, Úc… Tuy nhiên, không nên vội lạc quan quá nếu đơn thuần chỉ nhìn vào những trường hợp mang tính cá biệt sớm đạt được thành công trong sự nghiệp như đã nói ở trên. Thực tế là vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp than phiền rằng họ không thể tuyển dụng được đúng người để làm đúng việc, hoặc khó giữ nhân nhân tài, mặc dù chấp nhận trả lương cao hơn mặt bằng thị trường.

Theo Báo cáo về “Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”, do Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search và en world group (tập đoàn mẹ của Navigos Search), thực hiện tại Việt Nam, Thái Lan và Singapore vào tháng 10/2015, nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam đang khan hiếm, khi có 41% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho doanh nghiệp mình. Khả năng học hỏi nhanh – chăm chỉ và thích ứng nhanh với sự thay đổi là những thế mạnh mà người tham gia khảo sát tại Việt Nam tự đánh giá về mình. Có thể thấy các thế mạnh tự đánh giá của người tham gia khảo sát tại Việt Nam không có nhiều lợi thế nổi trội để giúp họ dịch chuyển việc làm mang tính quốc tế khi Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC) đã được thành lập vào cuối năm 2015.

Đáng lo ngại là rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải đưa tiếng Anh vào trong Top 3 các yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao. Thậm chí tại Nhật, một đất nước vẫn bị coi là hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ thì tiếng Anh lại nhận được sự hài lòng cao của các doanh nghiệp nước ngoài đối với nhân sự quản lý người Nhật, với 61% người tham gia hài lòng về kỹ năng này. Theo đánh giá của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), sự ra đời của AEC cho phép tự do luân chuyển lao động tại cả 10 nước ASEAN, trước mắt trong 8 ngành nghề, sẽ đặt đội ngũ quản lý người Việt trước một thách thức lớn, khi phải cạnh tranh trực tiếp với đội ngũ nhân sự tương tự đến từ các nước láng giềng, vốn có thế mạnh về tiếng Anh như Singapore, Philipines, Thái Lan…

Nhọc nhằn “tìm vàng”

Trong một lần trao đổi với ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KiDo, ông cho biết kinh nghiệm tuyển người giỏi của ông là phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân sự, nhằm tạo điều kiện làm việc tốt nhất phù hợp với năng lực và sở trường của họ. Khả năng thích nghi và sự phù hợp với công việc cũng là những yếu tố được Công ty PepsiCo ưu tiên trong tuyển dụng nhân sự. Nhìn chung, đội ngũ quản lý Việt Nam còn thiếu kỹ năng lãnh đạo, dù họ có thể giỏi chuyên môn và tiếng Anh, qua tỷ lệ chỉ có 9% người đại diện doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Navigos Search nói trên cho biết họ hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt trong các công ty nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho biết: “Việc thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao của các công ty nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán chưa có lời giải. Thực trạng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà qua khảo sát này chúng ta cũng có thể thấy được đây là vấn đề mang tính khu vực”.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự cấp trung, với 48% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết sẽ ở lại tại nước đến làm việc nếu có cơ hội. Mặc dù đây chỉ là số liệu trong một cuộc khảo sát có quy mô cấp công ty, nó cũng dự báo viễn cảnh gần khi nhân sự cấp trung người Việt sẵn sàng tìm kiếm việc làm tại các nước ASEAN thì các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc thiếu hụt nhân sự cấp trung có chuyên môn giỏi và kinh nghiệm lâu năm. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp, cả trong nước và quốc tế trong tuyển dụng nhân sự dẫn tới cuộc đua âm thầm về lương.

Trong năm 2015, tại Hà Nội, ngành tài chính – ngân hàng đứng đầu trong 10 ngành có mức lương cao nhất. Dải lương dành cho nhân sự cấp trung, cấp cao trong 10 ngành này dao động từ 100 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/tháng. Tiếp theo là các ngành sản xuất, bất động sản… Tại TP.HCM, ngành chăm sóc sức khỏe đứng đầu trong 10 ngành trả lương cao nhất cho nhân sự cấp trung và cấp cao. Đứng sau là các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, tài chính – ngân hàng… Dải lương cao nhất của 10 ngành này dao động từ 70 triệu đồng đến 225 triệu đồng/tháng (xem bảng). Theo dữ liệu của Navigos Search, mức lương cao nhất được trả cho vị trí nhân sự quản lý trung, cao cấp trong năm 2015 tăng 11%, ở mức 225 triệu đồng so với mức 202 triệu đồng trong năm 2014. Dự báo của Navigos Search cho thấy, năm 2016 dược phẩm là ngành sẽ “nóng” nhất và nhu cầu tìm nhân sự chất lượng cao trong các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước sẽ tăng cao, do mức tăng trưởng nhanh của ngành này.

Tập trung vào đào tạo

Theo Navigos Search, để giải quyết sự khan hiếm nhân sự giỏi có tay nghề và thiếu hụt nhân sự cấp quản lý, các doanh nghiệp cần tập trung vào đào tạo và phát triển. Về đào tạo, cần có các chương trình khác nhau cho các đối tượng khác nhau như huấn luyện đội ngũ lãnh đạo, chương trình vừa học vừa làm dành cho nhân viên. Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược xây dựng đội ngũ về lâu dài như chương trình quản trị viên tập sự, chương trình xây dựng đội ngũ kế cận.

Theo dddn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không