Nhân hiệu (thương hiệu cá nhân – THCN) đang được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành, bại trong kinh doanh. THCN đã được minh chứng là ảnh hưởng sâu sắc đến thương hiệu và sự phát triển của doanh nghiệp (DN).
Sự cần thiết của nhân hiệu
Theo các chuyên gia, cần phải có THCN trong thời điểm kinh doanh hiện nay. THCN sẽ giúp tạo ấn tượng tốt ngay lần tiếp xúc đầu tiên và trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Xây dựng THCN không chỉ đơn thuần là gầy dựng một hình ảnh với thế giới bên ngoài, mà còn là sự tự nhận thức về các điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng, cảm xúc… cũng như cách sử dụng các yếu tố đó để tạo nên sự khác biệt cho bản thân và định hướng cho các quyết định của cá nhân đó.
Tại hội thảo “Nhân hiệu – Ảnh hưởng và tác động trong kinh doanh” do Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Trí Việt tổ chức tuần qua, TS. Phạm H. Vũ, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tuyển dụng và Nguồn lực Trường Đại học California – Fullerton, cho rằng, nếu một cá nhân không biết phát triển thương hiệu cho riêng mình, khả năng thăng tiến của cá nhân đó sẽ bị bỏ qua.
Ngược lại, những người biết cách quảng bá cho thương hiệu sẽ tiếp tục thành công dù có thể họ không phải là những người nổi trội nhất. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, THCN mang lại cho người sở hữu nhiều lợi ích: hiểu bản thân tốt hơn, giúp tăng sự tự tin và tính khẳng định.
Bởi, “quá trình phát triển THCN cũng chính là quá trình truyền tải thông điệp đến với mọi người, khẳng định những giá trị cá nhân. Và xây dựng thành công THCN cũng đồng nghĩa với việc bạn có một công cụ hữu ích để kiểm soát bản thân”, TS. Phạm H. Vũ nói.
Một nghiên cứu tại Mỹ gần đây đã chứng minh, chỉ cần không đầy một giây để người ta xét đoán hay có ấn tượng về người đối diện. Tất cả những điều dù rất nhỏ nhặt, như cách ăn mặc, nói năng, giao tiếp… cũng tạo nên thương hiệu riêng cho cá nhân.
Theo TS. Vũ, khi đã xây dựng được THCN, bạn sẽ tạo được thiện cảm ban đầu cũng như lòng tin với đối tác. Hơn thế nữa, bạn sẽ dễ dàng, thuận lợi trong quan hệ làm ăn, tìm bạn hàng hợp tác, rút ngắn thời gian đàm phán mà không phải mất nhiều thời gian quảng bá, giới thiệu về DN và bản thân. Một THCN thành công phải đảm bảo các yếu tố: hấp dẫn, tin cậy, nổi bật và nhất quán.
“Chìa khóa giúp bạn xây dựng thương hiệu thành công chính là bạn phải xây dựng được những tính chất riêng biệt của mình. Một khi bạn đã xây dựng được những tính chất đó, mọi người sẽ biết được bạn là ai, bạn đại diện cho cái gì trong lĩnh vực của bạn”, TS. Phạm H. Vũ nói.
Tăng vị thế công ty
Các chuyên gia cho rằng, những DN có lãnh đạo là người có thương hiệu, uy tín trong lĩnh vực họ đang kinh doanh sẽ mang đến nhiều thuận lợi hơn những DN thiếu lãnh đạo có thương hiệu.
THCN của vị lãnh đạo ấy sẽ mang đến cho DN những cơ hội mới nhờ mối quan hệ, uy tín của mình. Hơn nữa, những DN có lãnh đạo giỏi, có thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh sẽ tạo được lòng tin, có được sự đồng thuận của cán bộ, công nhân viên trong công ty.
Từ đó tạo động lực cho họ phát huy tối đa năng lực làm việc. Sống và làm việc tại Mỹ nhiều năm, TS. Phạm H. Vũ nhận thấy, hầu hết các DN Mỹ đều xây dựng THCN cho các lãnh đạo công ty và việc này đã mang lại thành công cho họ.
Vài năm trở lại đây, các doanh nhân Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng “nhân hiệu”. Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Saigon Co.op (SCID), cho rằng, trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, vai trò của doanh nhân rất quan trọng.
Thương hiệu của doanh nhân sẽ trở thành yếu tố quyết định để thúc đẩy phát triển thương hiệu DN.Theo bà Tranh, “Người lãnh đạo có uy tín và THCN sẽ góp phần tạo nên tầm ảnh hưởng lớn đối với DN”.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow, cũng cho rằng, xây dựng THCN, đặc biệt là cá nhân lãnh đạo, là việc cần thiết. Bởi, “THCN không đơn giản chỉ biểu hiện qua vẻ bề ngoài, mà còn khiến nhân viên, đối tác đặt niềm tin vào mình. Nó còn thể hiện vai trò kết nối tập thể của người đứng đầu để thực hiện mục tiêu đề ra”, ông Hồng chia sẻ.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, các thương hiệu DN thành công đều mang dấu ấn THCN. Chẳng hạn như THCN của các ông Trần Kim Thành, Trần Phương Bình, Cao Tiến Vị; các bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Phúc Lâm, Cao Thị Ngọc Dung, Nguyễn Thị Hoa Lệ… đã trở thành “thương hiệu” của Kinh Đô, Ngân hàng Đông Á, Giấy Sài Gòn, Ree, Vinamilk, Bảo Việt, PNJ, Hòa Bình…
Mỗi khi nhắc đến những công ty trên thì người ta nghĩ ngay đến những vị lãnh đạo này, và ngược lại.
Theo doanhnhanvang
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông