Kiến thức Đào tạo Tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp

Tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp

9
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamCâu chuyện nhân lực do các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN) vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, cần thấy những nỗ lực từ các trường và nhìn nhận lại cho đúng cách ứng xử của DN để tạo nguồn nhân lực cho mình.
Mấy năm nay, nhiều DN luôn tranh thủ mời gọi sinh viên thực tập để có cơ hội tuyển chọn người giỏi. Ngân hàng Sacombank năm nào cũng tiếp nhận 100 – 200 sinh viên năm cuối các trường đại học tham gia chương trình “Thực tập viên tiềm năng Sacombank”. Sinh viên thực tập sẽ được giao những công việc như một nhân viên học việc, được hưởng tiền thực tập.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, còn yêu cầu bộ phận nhân sự nói rõ về chiến lược của Sacombank để sinh viên hiểu và biết sẽ cần làm gì để đáp ứng yêu cầu công việc. Ông Thành không than phiền các trường đào tạo chưa tốt, vì ông biết trường chỉ cung cấp kiến thức, còn phương tiện cho sinh viên thực hành thì chính Sacombank có trách nhiệm hỗ trợ, vì đó cũng là quyền lợi của ngân hàng khi kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những người có đầy đủ tố chất trở thành nhân viên.
DN thường e ngại cho người vào khâu sản xuất, nhưng cần người quản lý sản xuất giỏi hay cần những khối óc sáng tạo mà không cho họ tìm hiểu về sản xuất, sản phẩm thì không thể tuyển được người hiểu việc. Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long cần tuyển người quản lý sản xuất, nhưng thay vì đăng tin tuyển dụng, Công ty đã chọn cách nhận sinh viên thuộc chuyên ngành Quản lý sản xuất của Trường Đại học Bách Khoa đến thực tập để xem xét năng lực, sau đó giữ lại làm việc.
Các công ty nước ngoài như Dutch Lady, Kimberly Clark, Nestle, BAT… hằng năm đều gửi đến các trường đại học đề nghị nhận sinh viên thực tập cho nhiều bộ phận, từ hành chính, kế toán, nhân sự đến sản xuất, kinh doanh, tiếp thị. Ngoài ra, khi cần, các công ty nước ngoài đến thẳng các trường tổ chức tuyển trực tiếp và xem xét kỹ năng sinh viên thông qua những bài thực hành.
Chẳng hạn, Group Dynamic – sinh hoạt theo nhóm – một hình thức tuyển dụng mới của Công ty Schlumberger; còn P&G cho sinh viên làm bài trắc nghiệm “Lập luận toàn cầu” của một trong những công ty hàng đầu thế giới về ngành hàng tiêu dùng. Đó là vài điển hình cho thấy nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu đang nằm trong tầm tay DN, thay vì chỉ lo than phiền và đổ lỗi cho các trường.
Sinh viên thiếu kỹ năng là trăn trở của các trường đại học hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, một số trường đại học đã nỗ lực rất nhiều. Đại học Kinh tế TP.HCM liên tục tổ chức các cuộc thi, huấn luyện, cho sinh viên tiếp xúc thường xuyên với các DN. Nổi bật nhất là cuộc thi “DYNAMIC – Sinh viên Nhà doanh nghiệp tương lai” ra đời từ năm 1996 và thành công qua tám lần tổ chức.
Cuộc thi thiết thực vì hầu hết đề tài dự thi đều xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn mà sinh viên nắm bắt được trong một tháng huấn luyện thực tế tại DN. Tài trợ cho cuộc thi, các công ty Pepsico, Kinh Đô, Thái Tuấn và Ngân hàng SCB không nghĩ là họ tranh thủ quảng bá thương hiệu, mà đó chính là cơ hội tìm ra các doanh nhân trong tương lai, đồng thời khuyến khích nhà trường phát triển nguồn nhân lực giỏi.
Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Công chứng Anh (ACCA) cùng Đại học Ngân hàng TP.HCM đã tổ chức liên tục cuộc thi “ACCA tương lai” dành cho sinh viên học các ngành ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán. Dù vào vòng chung kết mỗi năm chỉ 3 – 4 đội, nhưng hàng ngàn sinh viên dự tuyển các vòng loại cũng biết bản thân mình còn thiếu sót những gì để kịp thời bổ sung.
DN biết quý trọng việc đào tạo của nhà trường và biết nghĩ đến việc hợp tác với các trường để bổ sung kỹ năng cho sinh viên mới là DN thể hiện đúng trách nhiệm xã hội của mình. Có nhiều cơ hội tiếp cận những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật, quản trị, DN nên chủ động chia sẻ với các trường để đào tạo những thế hệ tương lai đáp ứng yêu cầu hội nhập nhanh của DN.

Theo Doanh nhân

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không