Trong khi nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn ổn định trở lại, nguy cơ bị sa thải có thể xảy đến với bạn bất cứ lúc nào. Vì vậy, bạn cần không ngừng nỗ lực để đảm bảo một vị trí vững chắc trong công ty.
Dưới đây là 10 điều bạn nên làm để trở thành một nhân viên không thể bị sa thải, thậm chí còn có khả năng thăng tiến cao:
1. Tiết kiệm tiền cho công ty
Nếu bạn có ý tưởng giúp công ty cắt giảm chi phí, hãy nhanh chóng trình bày với sếp. Dù đó là cải tiến kĩ thuật để làm giảm lượng giấy in hay cách hệ thống hóa lại quy trình cung cấp vật liệu, hãy thể hiện với cấp trên rằng bạn thực sự quan tâm tới công ty. Kể cả nếu kế hoạch của bạn không được thông qua, sếp cũng sẽ đánh giá cao những nỗ lực tiết kiệm cho công ty của bạn.
2. Lạc quan và tích cực
Không ai muốn làm việc với một người suốt ngày chỉ biết phàn nàn và chê bai mọi thứ. Ai cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi. Do đó, thay vì kêu ca về tình hình kinh tế ảm đạm, giá gas tăng hay về mẹ chồng… hãy tập trung vào những điều tích cực. Bạn nên chia sẻ những câu chuyện thành công của người khác, lạc quan về công ty, nói đùa khi thích hợp, mỉm cười và tập trung tạo ra ảnh hưởng tích cực cho tương lai của công ty cũng như bản thân.
3. Làm việc nhiều giờ hơn
Tất nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải làm việc tới nửa đêm, quên cả những dịp quan trọng của gia đình. Đó là bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thành dự án. Trước kia bạn thường tan sở lúc 5 giờ và để lại một chút việc vào sáng ngày hôm sau. Nhưng giờ, tốt hơn là ở lại thêm 30 phút hoặc một tiếng để hoàn thành hết công việc. Hoặc bạn cũng có thể đi làm sớm hơn 15 phút để chuẩn bị cho ngày làm việc.
4. Là một người lãnh đạo
Chức danh của bạn không phải là một người quản lí nhưng bạn vẫn có thể hành động như vậy. Là người quản lí nghĩa là giúp đỡ người khác, nắm được bức tranh toàn cảnh, lên tiếng về những cải thiện và không chỉ nghĩ cho bản thân, cho vị trí của mình mà còn cho cả mục tiêu chung của công ty. Các công ty đều cần người lãnh đạo, nếu bạn có kĩ năng lãnh đạo, chắc chắn công ty sẽ cần bạn.
5. Tránh xa những câu chuyện phiếm
Tin tức lan truyền rất nhanh, đặc biệt là những đề tài “ hot”. Nếu bạn nghe tới nó, sếp có thể cũng vậy. Và nếu bạn có tham gia “ buôn” đó, sếp có thể cũng biết. Điều đó khiến bạn trở thành một người kém chuyên nghiệp, không chịu làm việc mà chỉ giỏi “ ngồi lê đôi mách”. Không những vậy, những câu chuyện phiếm còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Do đó, khi ai đó tới chỗ bạn và bắt đầu “ tám”, hãy kiềm chế bản thân và thoát ra khỏi đó.
6. Nâng cao nền tảng kĩ năng
Rõ ràng bạn có những gì cần thiết để phục vụ công việc hiện tại. Nhưng hãy không ngừng nâng cao nền tảng kĩ năng để làm tăng giá trị bản thân trong nhóm, thực hiện công việc nhanh hơn và tốt hơn. Dù ngành nghề của bạn là gì, luôn có chỗ cho sự phát triển. Giờ là thời điểm cần bổ sung các kĩ năng mới. Bạn có thể tối thiếu hóa chi phí này bằng lớp học buổi tối, mua một cuốn sách hay lớp học trực tuyến. Khi bạn trở thành chuyên gia với nền tảng kĩ năng rộng, bạn sẽ trở thành một nhân viên không thể thiếu trong công ty.
7. Làm việc ăn ý với những người khác
Hãy nghĩ về đồng nghiệp của bạn như một gia đình bởi bạn dành 8 tiếng một ngày ở bên họ và phụ thuộc lẫn nhau trong công việc. Hiện nay, hợp tác hiệu quả được coi là nhân tố quyết định dẫn tới thành công. Do đó, hãy bỏ qua những khác biệt về tuổi tác, nền tảng gia đình, sở thích và học cách làm việc ăn ý với các thành viên trong nhóm.
8. Hạn chế việc riêng trong giờ làm việc
Bạn cho rằng sếp không quan tâm tới những cuộc gọi điện thoại cá nhân hay thời gian bạn “ lượn lờ” trên Twitter, Facebook? Hãy cẩn thận bởi họ chú ý nhiều hơn bạn nghĩ. Khi nghi ngờ bạn đang làm lãng phí thời gian của công ty, họ có thể dễ dàng điều tra ra. Tùy thuộc vào công sở, bạn có thể gọi điện thoại hay gửi email cho mục đích cá nhân khi khẩn cấp. Nhưng đừng lạm dụng thời gian làm việc cho những việc riêng.
9. Tránh lãng phí thời gian cho công ty
Nếu bị cảm cúm hay chị gái kết hôn, bạn có thể xin nghỉ phép. Nhưng đừng gọi điện báo ốm khi bạn không muốn rời chăn ấm trong một ngày đông lạnh hay để kéo dài kì nghỉ của mình. Bạn có thể nghỉ phép khi có một lí do chính đáng.
10. Không cần quá khiêm tốn
Khiêm tốn là một đức tính tốt nhưng bạn không cần thiết phải im lặng khi đề cập tới thành công của mình. Nếu bạn làm việc muộn hay giúp đỡ đồng nghiệp theo kịp dự án mới, hãy đảm bảo rằng có người trong công ty biết điều đó. Ngoài ra, hãy cập nhật thường xuyên với sếp về tình hình công việc của bạn: kết quả, thành công, giải thưởng mới. Đừng cho rằng bạn đang khoe khoang bởi bạn chỉ cho mọi người biết sự thật.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông