Kiến thức Tài chính kế toán Sự phát triển của kế toán theo xu hướng thị trường

Sự phát triển của kế toán theo xu hướng thị trường

1848
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamKế toán là một môn khoa học phản ánh lại các diễn biến của nền kinh tế và của thị trường, đặc biệt là các diễn biến trên thị trường vốn. Vì vậy, khi thị trường diễn ra các giao dịch kinh tế mới hoặc có những động thái khác nhau trong xử lý kế toán, thị trường sẽ đòi hỏi các quy định và chuẩn mực kế toán vận động và phát triển.

Theo định nghĩa chính thống của Hội Kế toán viên công chứng Mỹ (AICPA), “kế toán là một quá trình ghi chép, đo lường và báo cáo các nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhằm giúp cho người sử dụng các thông tin kế toán có thể ra các quyết định kinh tế một cách phù hợp”. Như vậy, sản phẩm cuối cùng của một hệ thống kế toán là các báo cáo kế toán. Cụ thể trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến sản phẩm của kế toán tài chính là Báo cáo tài chính năm hay Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.

Báo cáo tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các đối tượng sử dụng. Nhà đầu tư sử dụng báo cáo tài chính cho quyết định mua hay không mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Cổ đông đọc thông tin tài chính trong báo cáo tài chính để ra quyết định giữ hay bán cổ phiếu. Cơ quan quản lý xem xét báo cáo tài chính cho mục đích quản lý thuế, quản lý và giám sát việc công bố thông tin kế toán, kiểm soát gian lận kế toán, đánh giá các điều kiện niêm yết, và còn nhiều mục đích khác nữa. Những người soạn thảo chuẩn mực và chế độ kế toán xem xét báo cáo tài chính trên góc độ sử dụng các chính sách kế toán của người lập ra các báo cáo tài chính với mục đích đưa ra các quy định và chuẩn mực phù hợp nhất nhằm đảm bảo tính phù hợp và tin cậy của thông tin kế toán. Người nghiên cứu và giảng dạy kế toán dùng báo cáo tài chính cho mục đích nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị cho các đối tượng sử dụng khác. Và cuối cùng, tất cả các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính hay thông tin kế toán đều phải xem xét các thông tin này trong sự vận động của thị trường nhằm đánh giá tính phù hợp và tin cậy của chúng.

Thực tế thị trường quốc tế và sự vận động của kế toán

Khủng hoảng tài chính xảy ra cuối năm 2008 với giọt nước tràn ly là sự phá sản của Lehman Brothers đã tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó nước Mỹ, với vai trò dẫn đầu, chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đồng thời, các vụ scandal kế toán lớn như gian lận kế toán tại Công ty Dịch vụ thuê ngoài Satyam, Ấn Độ với số tiền gian lận lên đến 01 tỷ USD. Hay như công ty kiểm toán của “siêu lừa” Madoff chỉ có ba người, bao gồm cả giám đốc

Trước diễn biến của cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử, Uỷ ban soạn thảo chuẩn mực kế toán Mỹ (FASB) và Uỷ ban chứng khoán Mỹ (SEC) đề xuất các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ chuyển sang áp dụng các chuẩn mực kế toán và các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IAS/IFRS) thay cho hệ thống chuẩn mực kế toán hiện hành tại Mỹ (US GAAP). Theo đề xuất này, các công ty niêm yết tại Mỹ có thể sẽ bị bắt buộc áp dụng IAS/IFRS kể từ niên độ kế toán 2014. Theo bản đề xuất, việc áp dụng IAS/IFRS sẽ tăng cường tính minh bạch và tính so sánh của báo cáo tài chính, đặc biệt đối với các công ty đa quốc gia với phạm vi hoạt động toàn cầu. Tuy nhiên theo điều tra của PriceWaterhouseCoopers (PWC), phần lớn các công ty niêm yết Mỹ vẫn chưa chú trọng đến công tác chuyển đổi, chỉ 24,3% các công ty bắt đầu xây dựng chương trình chuyển đổi từ năm 2009

Kế toán giá trị hợp lý và sự thay đổi ..

Kế toán giá trị hợp lý (Fair Value Accounting – FVA) được giới đầu tư Mỹ coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ và khủng hoảng tài chính?

Dấu chấm hỏi (?) được đặt ra bởi vì chưa thực sự có nghiên cứu thực nghiệm nào chứng minh điều này. Hai giáo sư Laux và Leuz đang tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tính hợp lý những “trách cứ” đối với kế toán giá trị hợp lý là nguyên nhân tạo ra khủng hoảng . Và kết quả nghiên cứu hiện thời đang cho những kết luận “không” với câu hỏi trên.

Tuy nhiên, thực tế là kế toán giá trị hợp lý đang thay đổi. Tài sản của các ngân hàng Mỹ bao gồm rất nhiều khoản chứng khoán hoá (Securitization) các khoản cho vay mua nhà dưới chuẩn (Sub-prime Mortgage Loans). Khi bóng bóng nhà đất tại Mỹ xì hơi và vỡ vào giữa năm 2007, giá các chứng khoán này bị sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí, các khoản chứng khoán này còn có thể được đánh giá theo giá bán tháo (fire sale prices) bởi vì tính thanh khoản rất thấp. Các khoản chứng khoán này gần như không thể bán được trên thị trường vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Theo kế toán giá trị hợp lý, giá trị ghi sổ của các khoản chứng khoán này được đánh giá rất thấp (theo giá bán tháo), thậm chí thấp hơn so với giá trị nội tại của chúng (theo các mô hình định giá) bởi vì các quy định trong kế toán giá trị hợp tính đến tính thanh khoản khi định giá tài sản

Thêm vào đó, các ngân hàng Mỹ dường như cố tình che dấu các thông tin liên quan đến giá hợp lý của các khoản chứng khoán này, như theo yêu cầu của IFRS 7 – Công cụ tài chính. Điều tra của PWC cho thấy hầu hết các ngân hàng tại Mỹ đã “không tự nguyện công bố bức tranh trung thực và sáng sủa về khả năng quản trị rủi ro tài chính của họ, mà chỉ nhằm mục đích đảm bảo yêu cầu tối thiểu của IFRS 7” . Điều này tạo sức ép đối với FASB và SEC trong việc đưa ra các quy định mới về kế toán giá trị hợp lý. Ngày 10/10/2008, FASB ban hành chuẩn mực kế toán số FAS 157-3 quy định về xác định giá trị hợp lý của các tài sản khi thanh khoản thị trường thấp. Theo đó giá trị hợp lý của chứng khoán có thể định giá theo báo giá của các công ty môi giới chứng khoán. Cho dù quy định này có tính đến định giá theo các mô hình định giá nhưng định giá theo thị trường (Mark-to-Market) vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Và kết quả là Hiệp hội ngân hàng Mỹ (ABA) đã phản đối kịch liệt quy định này. ABA cho rằng FASB đã làm cho tình hình tồi tệ ngày càng xấu đi với quy định trình bày giá trị tài sản tài chính của ngân hàng với “giá bán tháo”. Tuy nhiên, vào thời điểm đó Chủ tịch FASB cho rằng việc xác định giá trị hợp lý cần phải tính đến yếu tố thanh khoản và biến động của thị trường

Cuối cùng, dưới tác động của rất nhiều phía, bao gồm cả các đối tượng được vận động hành lang, FASB đã phải thay đổi quy định về kế toán giá trị hợp lý. Theo đó, các doanh nghiệp, bao gồm cả ngân hàng, được phép định giá tài sản dựa trên các mô hình định giá do doanh nghiệp tự đưa ra, nhất là trong trường hợp chứng khoán có tính thanh khoản quá thấp. Một khi nguyên tắc kế toán được nới lỏng như thế, giới tài chính có thể thở phào nhẹ nhõm vì không còn phải lo chuyện tài sản bốc hơi từng ngày một khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Trước đây, họ phải chật vật tìm vốn để bù vào các khoản “trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán” nếu không dễ rơi vào tình trạng phá sản như chơi.

Theo kiemtoan.com.vn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không