Kiến thức Tài chính kế toán “Đau tim” với lợi nhuận sau kiểm toán

“Đau tim” với lợi nhuận sau kiểm toán

183

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamĐầu quý 2 hàng năm, các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Và nhiều kết quả kinh doanh “hiệu chỉnh” sau kiểm toán đã khiến cổ đông, nhà đầu tư ngỡ ngàng.

Năm 2011 cũng không phải ngoại lệ. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có một số công ty phải điều chỉnh lại những thông tin quan trọng trong báo cáo tài chính. Đa phần các doanh nghiệp này nặng thì ghi nhận lỗ qua lãi, nhẹ thì giảm lợi nhuận.

Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH), sau kiểm toán, cổ đông ngã ngửa từ mức lợi nhuận sau thuế 1,83 tỷ đồng công bố trước đó đã chuyển qua lỗ 3,92 tỷ đồng sau đó.

Với một số trường hợp, tuy không đến mức chuyển trạng thái đột ngột từ lãi thành lỗ, nhưng xem ra thực tế đã lỗ còn lỗ nặng hơn sau kiểm toán. Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã lỗ thêm hơn 178,8 tỷ đồng sau kiểm toán, đưa con số lợi nhuận sau thuế xuống -788,6 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) sau kiểm toán bất ngờ cho thấy lợi nhuận sau thuế từ -1,05 tỷ đồng đã gánh thêm hơn -86 tỷ đồng, hạ xuống mức -87,2 tỷ đồng. Ngày 13/4, PSG đã chính thức bị đưa vào diện cảnh báo.

Rồi Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) trước kiểm toán đưa ra con số lợi nhuận sau thuế -68,3 tỷ đồng. Con số này sau kiểm toán là -146 tỷ đồng, tức rớt mạnh gấp hơn hai lần.

Một số công ty tuy vẫn có khả năng duy trì lãi nhưng mức độ sụt giảm nghiêm trọng trong lợi nhuận cũng cho thấy vấn đề đáng chú ý. Trường hợp này phải kể tới Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS): lợi nhuận sau thuế trong báo cáo trước kiểm toán là 110 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán sụt giảm nghiêm trọng xuống còn 27,2 tỷ đồng, tương đương “mất” 75%.

Tương tự, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau (CMX) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đã giảm gần một nửa, từ mức 7,93 tỷ đồng trước kiểm toán xuống còn 4,59 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) mặc dù nằm trong số ít doanh nghiệp không những trụ vững mà còn có kết quả kinh doanh cao hơn nhiều so với năm trước, song vẫn phải điều chỉnh lợi nhuận sau thuế đã giảm từ 849 tỷ đồng xuống còn 802 tỷ đồng, theo giải trình do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.

Qua xem xét cho thấy các điều chỉnh kiểm toán chủ yếu nằm ở các khoản chi phí tài chính. Năm 2011 chi phí tài chính quá cao đã khiến một số ngành nghề gặp khó khăn trong kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng thuộc lĩnh vực chứng khoán, bất động sản cũng phản ánh một năm làm ăn không mấy suôn sẻ của các ngành này.

Ngoài ra, trong quy trình kiểm toán vẫn còn một số điểm chưa thể hoàn toàn thống nhất với nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp đã dẫn tới hiện tượng trên.

Nằm trong trường hợp hiếm hoi, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP) sau kiểm toán 2011 đã chuyển lỗ thành lãi do giá bán điện tăng. Sau khi tính lại giá bán điện theo hợp đồng mua bán mới, lợi nhuận trước thuế năm 2011 đã chuyển từ lỗ -18,2 tỷ đồng thành lãi 99,5 tỷ đồng.

Tương tự, một công ty thuộc ngành điện khác là Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà (TBC) cũng có lợi nhuận sau thuế đã tăng hơn 250% từ 27,8 tỷ đồng lên 75,8 tỷ đồng. Hay Công ty Cổ phần COMA18 (CIG), sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế từ 872 triệu đồng đã tăng gần gấp đôi thành 1,63 tỷ đồng; tuy vậy, khoản lợi nhuận này chỉ bằng 1/10 cùng kỷ 2010.

Những trường hợp trên, cổ đông và nhà đầu tư, không như kế toán/kiểm toán viên, có lẽ không phải lúc nào cũng hiểu rõ những lí do nặng tính kỹ thuật dẫn tới chênh lệch trong báo cáo tài chính. Nhưng chắc chắn, họ là những người thấm thía hơn cả những chuyển biến tâm trạng từ phấn khởi sang thất vọng, từ lo âu sang lạc quan khi nhìn vào những biến động của con số trước và sau kiểm toán.

Theo economy Việt Nam

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không