Kiến thức Tài chính kế toán Quý I/2012: Bộ Tài chính quyết liệt triển khai các giải pháp...

Quý I/2012: Bộ Tài chính quyết liệt triển khai các giải pháp tài chính – ngân sách

216
Trong quý I/2012, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, với sự nỗ lực của toàn
ngành tài chính cùng sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa
phương, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai các giải pháp tài chính –
ngân sách thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,
đảm bảo an sinh xã hội.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quý I, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền các văn bản hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh chính sách về thuế, phí và chế độ thu phù hợp với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản…, với tổng số thuế khoảng 7.843 tỷ đồng; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi phương pháp xác định, phương thức, thủ tục thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản nhà nước… Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ, KBNN địa phương và các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức điều hành NSNN năm 2012 tích cực, chủ động ngay từ đầu năm, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán ngay từ những ngày đầu năm; tăng cường công tác kiểm soát chi đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, các dự án đầu tư; thực hiện thanh toán, chi trả, cho rút vốn theo dự toán và tiến độ thực hiện công việc, nhiệm vụ…

Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế năm 2012 trong ngành Thuế. Đồng thời, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng; phấn đấu tăng thu 5-8% so với dự toán Quốc hội quyết định, để có nguồn giảm bội chi NSNN năm 2012 xuống dưới 4,8%GDP, tăng chi trả nợ và đáp ứng một số nhu cầu cấp bách khác. Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chống chuyển giá; tổ chức đánh giá thực trạng công tác hoàn thuế và tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng tại một số địa phương trọng điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp1. Tổng cục Hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hải quan, chống buôn lậu và gian lận thương mại, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế2.

Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu tiêu phấn đấu tăng thu 5-8% so với dự toán, có nguồn giảm bội chi NSNN năm 2012 xuống dưới mức Quốc hội quyết định, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển sản xuất – kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu và xử lý nợ đọng.

Để tăng cường quản lý chi NSNN, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn NSNN3; tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN và có nguồn gốc NSNN. Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản ngân sách (điện, điện thoại, nước, văn phòng phẩm, chi lễ hội, khánh tiết, hội nghị…); qua đó, trong 3 tháng đầu năm đã phát hiện trên 9.500 khoản chi của 5.000 lượt đơn vị chưa đúng thủ tục, chế độ quy định; số tiền từ chối thanh toán trên 94 tỷ đồng.

Về công tác quản lý giá cả, ổn định thị trường, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,16% so với tháng 2 và tăng 2,55% so với tháng 12/2011; đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 20 tháng qua và thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây.

Thực hiện điều chỉnh hợp lý giá mặt hàng xăng, dầu, than. Tăng cường công tác kiểm tra đối với các hàng như gas, sữa…; kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch bằng nguồn vốn NSNN…

Triển khai các giải pháp khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu

Trong quý I/2012, Bộ Tài chính đã tiếp tục thực hiện rà soát, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các chính sách về thuế, phí và chế độ thu phù hợp với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích xuất khẩu và cam kết hội nhập; theo đó, về chính sách thuế xuất khẩu cơ bản tiếp tục duy trì như năm 2011; về thuế nhập khẩu, đối với các mặt hàng thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu (ô tô,… ) đều được quy định mức thuế suất cao nhất bằng với mức cam kết trần trong WTO; các mặt hàng trong nước đã có sản xuất và đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng thuế để góp phần hạn chế nhập siêu, khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu.

Ngành Hải quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, như rượu, mỹ phẩm và điện thoại di động; tăng cường kiểm tra, giám sát hải quan, chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, truy thu vào NSNN; kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hoá, vật tư, thiết bị của các dự án sử dụng vốn NSNN, bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hàng hoá, vật tư, thiết bị trong nước đã sản xuất được. Thực hiện đúng quy định về đối tượng, thủ tục hồ sơ, điều kiện miễn, giảm, hoàn thuế; phân loại hàng hóa, xác định mức thuế, giá trị tính thuế…, nhất là các trường hợp kê khai miễn thuế hàng hóa nhập khẩu đầu tư, hoàn thuế.

Thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội

Trong 3 tháng đầu năm, NSNN đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2012 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách và thực hiện chuyển kinh phí chi trả tiền lương hưu và các khoản trợ cấp đến hết tháng 4/2012; tạm cấp kinh phí quý I cho các địa phương 272,7 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, 86,6 tỷ đồng để hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời, đã xuất cấp 30.458 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt….

Tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính và các trung gian tài chính, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm; hướng dẫn triển khai các sản phẩm mới nhằm phát triển nhà đầu tư tổ chức và tạo cầu cho thị trường chứng khoán; Từng bước thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo hướng phát triển các nhà đầu tư tổ chức; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ; quản lý, giám sát thị trường và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hoạt động kinh doanh bảo hiểm… Tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán.

Trong quý I đã thực hiện phát hành 30.897 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (bằng 43,8% thực hiện năm 2011, bằng 30,9% kế hoạch nhiệm vụ năm 2012) để huy động vốn đảm bảo các nhiệm vụ chi NSNN; đồng thời đã thí điểm tổ chức 01 đợt hoán đổi thành công trái phiếu Chính phủ (tổng giá trị hoán đổi 350 tỷ đồng) để giảm bớt số lượng mã trái phiếu, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu năm 2012 đối với các ngân hàng này; hướng dẫn Tổng công ty đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức thực hiện phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Về tái cấu trúc doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh chính và kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đề nghị kiểm soát chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Tính đến 31/3/2012, đã có 71 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đăng ký thực hiện tiết giảm chi phí với tổng số tiết giảm 12.196 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong quý I/2012, triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 và Quyết định số 2011/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; đồng thời phối hợp với một số địa phương đôn đốc triển khai thực hiện (Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An…). Đồng thời đã kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vắc xin, hoá chất và giống cây trồng dự trữ quốc gia theo đề nghị của các địa phương.

 

Kết quả thực hiện NSNN quý I:

 

– Thu NSNN tháng 3 ước đạt 56.710 tỷ  đồng; luỹ kế thu quý I đạt 172.770 tỷ  đồng,
bằng 23,3% dự toán, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: (i)
thu nội địa: ước đạt 112.490 tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán, giảm 2,4% so
với cùng kỳ; (ii) thu về dầu thô: ước đạt 27.030 tỷ đồng, bằng 31,1% dự
toán, tăng 17% so với cùng kỳ (giá dầu thanh toán ước đạt xấp xỉ 110
USD/thùng, tăng 25 USD/thùng so với giá dự toán); (iii) thu cân đối ngân
sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 32.000 tỷ đồng, bằng 20,8% dự
toán, giảm 1,3% so với cùng kỳ.


Tổng chi NSNN tháng 3 ước đạt 68.290 tỷ đồng; luỹ kế chi quý I ước đạt
198.960 tỷ đồng, bằng 22% dự toán, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2011,
đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh…

– Bội chi NSNN tháng 3 ước 11.580 tỷ  đồng, lũy kế quý I ước 26.190 tỷ đồng, bằng 18,7% dự toán năm.

Theo mof.vn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không