Kiến thức Tuyển dụng Con đường gập ghềnh của tuyển dụng nhân sự ngành CNTT

Con đường gập ghềnh của tuyển dụng nhân sự ngành CNTT

8
Tuyển dụng nhân sự trong ngành CNTT, đặc biệt là ngành phần mềm, thường rơi vào tình trạng nhiều ứng viên nhưng ít người trở thành nhân viên của các Cty. Nguyên nhân chính vẫn là vấn đề chất lượng lao động, xuất phát từ chất lượng đào tạo. 
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa


Chỉ 8% đạt yêu cầu 
Theo ông Phí Anh Tuấn-GĐ chi nhánh phía Nam Tập đoàn cổ phần công nghệ CMC khi đề cập đến chất lượng của nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay thì giá rẻ không phải là yếu tố cạnh tranh chính. 
Theo ông, tuyển dụng nhân sự đang là một thách thức lớn đối với nhiều Cty. Phần lớn SV ngành CNTT ra trường chưa thể bắt tay ngay vào làm những công việc chuyên môn, không thể tự lên kế hoạch học tập trong công việc, dễ nản khi gặp việc khó… Có đến 80% SV tốt nghiệp chưa có các kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ công việc (đọc, viết tiếng Anh, trình bày, giao tiếp; tự học và nghiên cứu; làm việc nhóm; quản lý và lãnh đạo…). 
Hiện nay, các trường ĐH, CĐ mỗi năm đào tạo ra khoảng 10.000 kỹ sư, cử nhân CNTT, nhưng các Cty luôn phải đối mặt với chất lượng của nguồn nhân lực, đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh và năng suất lao động. 
FCG Việt Nam (VN) hiện đang là Cty phần mềm có số nhân viên nhiều thứ 3 tại VN – trên 650 người. Từ năm 2008 trở đi, mỗi năm Cty cần tuyển từ 150-300 nhân viên. Theo ông Nguyễn Quốc Phong – Phó Tổng GĐ Cty, để tuyển dụng đủ nhân viên phục vụ việc mở rộng hoạt động là một khó khăn. Mấy năm qua, tỉ lệ tuyển dụng thành công vào FCG VN đạt rất thấp: 20% ứng viên vượt qua phỏng vấn vòng 1, 10% qua phỏng vấn vòng 2 và chỉ có 8% ứng viên được nhận vào làm việc (đạt yêu cầu thêm về Anh văn). 
Đối với Cty phần mềm số 2 là TMA, hiện có 800 nhân viên, nhân viên được tuyển dụng vào thường phải được đào tạo thêm về các qui trình đặc thù, kỹ năng làm việc đặc thù, bổ sung kỹ năng chuyên môn, cập nhật công nghệ mới liên quan và văn hóa Cty. 

Giỏi chuyên ngành không đủ 
“Bạn sẽ chỉ nhớ 10% những gì bạn học nhưng bạn sẽ nhớ 80% những gì bạn làm”, phương châm ông Phí Anh Tuấn nêu ra. Cái thiếu kinh nghiệm thực tiễn của SV ngành CNTT mới ra trường, theo ông, có nguyên nhân vì thiếu cân đối giữa hàm lượng lý thuyết và thực hành trong quá trình học. SV ít được va chạm thực tế, dẫn đến ngỡ ngàng với việc làm sau này tại các Cty. 
Trên thực tế, giỏi chuyên ngành và có khả năng thực hành tốt chưa hẳn đã đủ đối với nguồn nhân lực CNTT. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng – Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông Sài Gòn, các kỹ sư phần mềm và lập trình viên phải có thêm các kiến thức bổ trợ về các lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, sức khỏe, thương mại điện tử, cơ học… thì mới đáp ứng được yêu cầu làm việc chuyên sâu. 
Trong cơ cấu nhu cầu tuyển dụng nhân lực của ngành CNTT tại VN hiện nay, đứng đầu là ngành phần mềm chiếm tỉ lệ 45,5%, viễn thông xếp thứ hai với 37%, ngành phần cứng và điện tử chiếm 9,5% và ngành nội dung số là 8%. 
Nguồn nhân lực CNTT VN hiện được đào tạo theo nhiều phương thức đa dạng: Các trường ĐH, CĐ với bằng cấp chính qui, các viện, trung tâm tin học và trung tâm hướng nghiệp cấp chứng chỉ, học qua mạng và đào tạo từ xa, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp…
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không