Kiến thức Tài chính kế toán Một số nội dung thay đổi, bổ sung mới về thuế tiêu...

Một số nội dung thay đổi, bổ sung mới về thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2012

104
Để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh hàng hoá, nhằm
khuyến khích sản xuất phát triển đồng thời thực hiện tốt chiến lược cải
cách hành chính trong lĩnh vực thuế, đáp ứng trong tình hình hội nhập
quốc tế, ngày 5/01/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số
05/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày
16/3/2009 và Nghị định số 113/2011/NĐ-CP ngày 8/12/2011 của Chính phủ
về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Ngoài những nội dung đã và đang thực
hiện tại Thông tư số 64/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 của Bộ Tài chính,
Thông tư số 05/2012/TT-BTC hướng dẫn bổ sung thêm một số nội dung mới về
thuế TTĐB, cụ thể như sau:

* Về đối tượng không chịu thuế TTĐB bổ sung thêm một số hàng hoá, dịch vụ sau:

1. Đối với xe ô tô quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Thuế tiêu thụ
đặc biệt là các loại xe theo thiết kế của nhà sản xuất được sử dụng làm
xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ; xe kiểm tra, kiểm soát tần
số vô tuyến điện; xe bọc thép phóng thang; xe truyền hình lưu động; xe
thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên;
xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu
hành và không tham gia giao thông và các loại xe chuyên dụng, xe không
đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông do Bộ Tài chính phối hợp với
các Bộ, cơ quan liên quan (có hướng dẫn riêng).

Cơ sở kinh doanh nhập khẩu xe ô tô có thiết kế chỉ dùng để chạy trong
khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham
gia giao thông thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nêu tại
khoản 5 Điều này phải xuất trình cho cơ quan hải quan nơi mở tờ khai
nhập khẩu hồ sơ, thủ tục sau:

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng minh cơ sở nhập khẩu
có chức năng kinh doanh khu vui chơi, giải trí, thể thao (có chữ ký,
đóng dấu của cơ sở nhập khẩu).

– Cơ sở kinh doanh nhập khẩu ghi rõ trên Tờ khai hàng hoá nhập khẩu nội
dung: “xe ô tô được thiết kế, chế tạo chỉ dùng chạy trong khu vui chơi,
giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông”.
Cơ sở nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ nhập
khẩu.

Cơ quan Hải quan nơi cơ sở kinh doanh nhập khẩu đăng ký mở Tờ khai hàng
hóa nhập khẩu kiểm tra hàng hóa và không thu thuế TTĐB mặt hàng nêu
trên, không cấp Tờ khai xác nhận nguồn gốc xe nhập khẩu cho cơ sở kinh
doanh nhập khẩu.

Trường hợp xe ô tô có thiết kế chỉ dùng chạy trong khu vui chơi, giải
trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông không
phải chịu thuế TTĐB, cơ sở nhập khẩu đã làm thủ tục nhập khẩu với cơ
quan Hải quan, nếu thay đổi mục đích sử dụng so với khi nhập khẩu, không
sử dụng trong khu vui chơi, giải trí, thể thao và là loại xe ô tô thuộc
đối tượng chịu thuế TTĐB thì cơ sở nhập khẩu phải kê khai, nộp thuế
TTĐB với cơ quan hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải
quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và
quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp cơ sở
nhập khẩu không khai báo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu
để nộp thuế TTĐB do thay đổi mục đích sử dụng so với khi nhập khẩu thì
cơ sở nhập khẩu sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật quản lý thuế và các
văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Nap-ta (naphtha), condensate, chế phẩm tái hợp (reformade component)
và các chế phẩm khác dùng làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm (trừ sản
xuất xăng) do cơ sở sản xuất sản phẩm trực tiếp nhập khẩu;

Nap-ta (naphtha), condensate, chế phẩm tái hợp (reformade component) và
các chế phẩm khác do cơ sở sản xuất ra nap-ta (naphtha), condensate, chế
phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác trực tiếp bán
ra cho cơ sở sản xuất khác để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm
(trừ sản xuất xăng).

Hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB theo quy định tại điểm này phải đáp ứng hồ sơ, thủ tục:

a) Đối với trường hợp cơ sở sản xuất sản phẩm trực tiếp nhập khẩu, cơ sở
phải xuất trình cho cơ quan hải quan các hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ
Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập
khẩu (trường hợp uỷ thác nhập khẩu phải có thêm hợp đồng uỷ thác nhập
khẩu); Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có chữ ký, đóng dấu
của cơ sở sản xuất nhập khẩu) và Bản cam kết của người đại diện theo
pháp luật của cơ sở sản xuất nhập khẩu về các loại hàng hoá là nap-ta
(naptha), condensate, chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế
phẩm khác nhập khẩu được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm
(trừ sản xuất xăng);

Đối với trường hợp cơ sở sản xuất trong nước trực tiếp bán ra cho cơ sở
khác để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm (trừ sản xuất xăng)
là: Hợp đồng mua bán hàng hóa; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh của bên mua hàng (có chữ ký, đóng dấu của bên mua hàng) và Bản
cam kết của người đại diện theo pháp luật của bên mua về hàng hoá là
nap-ta (naptha), condensate, chế phẩm tái hợp (reformade component) và
các chế phẩm khác được bên mua hàng sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất
sản phẩm (trừ sản xuất xăng);

b) Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Cơ sở sản xuất nhập khẩu các mặt hàng thuộc trường hợp không phải chịu
thuế TTĐB nếu dùng vào mục đích khác thì phải kê khai nộp thuế TTĐB khâu
nhập khẩu với cơ quan hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ
tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp cơ sở sản xuất nap-ta (naphtha), condensate, chế phẩm tái hợp
(reformade component) và các chế phẩm khác trong nước trực tiếp bán cho
các cơ sở khác để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm (trừ sản
xuất xăng) thì khi xuất hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa thuộc đối
tượng không chịu thuế TTĐB.

Cơ sở sản xuất sản phẩm mua hàng trực tiếp từ cơ sở sản xuất nap-ta
(naphtha), condensate, chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế
phẩm khác thuộc trường hợp không phải chịu thuế TTĐB nếu tiêu thụ (bán
ra) trong nước hoặc xuất dùng vào mục đích khác thì cơ sở mua hàng phải
kê khai, nộp thuế TTĐB đối với các loại hàng hoá này khi tiêu thụ (bán
ra) trong nước hoặc xuất dùng vào mục đích khác.

Riêng đối với trường hợp cơ sở sản xuất nhập khẩu hoặc mua trực tiếp từ
các nhà sản xuất trong nước nap-ta (naphtha), condensate, chế phẩm tái
hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để làm nguyên liệu sản
xuất đồng thời ra xăng, dầu và các dung môi hóa dầu thì các cơ sở sản
xuất xăng, dầu thực hiện nộp, trả thuế TTĐB khi mua nguyên liệu. Số thuế
TTĐB mà cơ sở sản xuất đã nộp hoặc đã trả được khấu trừ.

3. Điều hoà nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống, theo thiết kế
của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải, bao gồm ô tô, toa
xe lửa, tàu, thuyền, tàu bay.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu; uỷ thác nhập khẩu hệ thống điều
hoà trung tâm trên 90.000 BTU hoặc cơ sở kinh doanh nhập khẩu ký hợp
đồng với nhà thầu lắp đặt thiết bị trong nước về việc cung cấp hệ thống
điều hòa trung tâm trên 90.000 BTU; việc giao hàng tùy thuộc vào tiến độ
thi công công trình (hệ thống điều hòa này được nhập khẩu thành nhiều
lần nhiều chuyến) để không phải tính nộp thuế TTĐB đối với từng lần nhập
khẩu là các chi tiết của thiết bị nhập khẩu như cục nóng hoặc cục lạnh
thì hồ sơ cần xuất trình với cơ quan hải quan gồm:

– Hợp đồng nhập khẩu (trường hợp uỷ thác nhập khẩu phải có thêm hợp đồng
uỷ thác nhập khẩu) hoặc hợp đồng mua bán (bản chính hoặc bản sao có
đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu) hệ thống điều hòa trung tâm với nhà
thầu thi công trong nước; trong hợp đồng phải thể hiện đây là thiết bị
đồng bộ có công suất trên 90.000 BTU được nhập khẩu nguyên chiếc theo
tiêu chuẩn của nhà sản xuất kèm theo bảng kê số lượng các chi tiết của
thiết bị nhập khẩu.

– Sơ đồ kết nối hệ thống điều hòa trung tâm có xác nhận của đơn vị nhập
khẩu và nhà thầu thi công (trong trường hợp có nhà thầu thi công).

– Chứng thư giám định về công suất và tính đồng bộ của thiết bị nhập
khẩu, đồng thời các bộ phận tách rời (cục nóng, cục lạnh) hoặc nhóm các
bộ phận tách rời của thiết bị không thể tự hoạt động độc lập do cơ quan
giám định có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cấp.

Trường hợp từng bộ phận tách rời hoặc một số bộ phận tách rời lắp được
thành một máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh, có công suất từ 90.000 BTU
trở xuống hoạt động độc lập không cần kết nối với hệ thống thì từng bộ
phận này vẫn phải chịu thuế TTĐB.

– Bản cam kết của cơ sở kinh doanh nhập khẩu về việc sử dụng hàng nhập
khẩu đúng mục đích và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của
mình.

Căn cứ vào hồ sơ xuất trình của cơ sở kinh doanh, cơ quan hải quan lập phiếu theo dõi trừ lùi để theo dõi quản lý.

* Về giá tính thuế TTĐB được bổ sung, cụ thể như sau:

1. Đối với hàng hoá sản xuất trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = (Giá bán chưa có thuế GTGT –
Thuế bảo vệ môi trường (nếu có)) / (1 + Thuế suất thuế tiêu thụ đặc
biệt)

Trong đó, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo quy
định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường xác
định theo pháp luật về thuế bảo vệ môi trường.

a) Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán
hàng qua các cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc, thì giá làm căn cứ
xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở trực thuộc hạch
toán phụ thuộc bán ra chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường (nếu
có). Cơ sở sản xuất bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá do cơ sở quy
định và chỉ hưởng hoa hồng thì giá làm căn cứ xác định giá tính thuế
tiêu thụ đặc biệt là giá bán chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trưòng
(nếu có) do cơ sở sản xuất quy định chưa trừ hoa hồng.

b) Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán
hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế
tiêu thụ đặc biệt là giá bán chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường
(nếu có) của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá
bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại đó bán ra. Riêng mặt hàng
xe ô tô, giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là
giá bán xe ô tô theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được nhà sản xuất
công bố đối với từng loại xe chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết
bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu
của khách hàng.

Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất thấp hơn 10% so với giá cơ sở kinh
doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do
cơ quan thuế ấn định theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản
hướng dẫn thi hành

2. Đối với hàng hoá sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ
sở sản xuất và cơ sở sử dụng hoặc sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) hàng
hoá, công nghệ sản xuất thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt
là giá bán ra chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) của
cơ sở sử dụng hoặc sở hữu thương hiệu hàng hoá, công nghệ sản xuất.
Trường hợp cơ sở sản xuất theo giấy phép nhượng quyền và chuyển giao
hàng hoá cho chi nhánh hoặc đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam
để tiêu thụ sản phẩm thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra
của chi nhánh, đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam.

3. Đối với dịch vụ, giá tính thuế TTĐB là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở
kinh doanh chưa có thuế GTGT và chưa có thuế TTĐB, được xác định như
sau:

Giá tính thuế TTĐB = Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT / (1 + Thuế suất thuế TTĐB)

Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT làm căn cứ xác định giá tính thuế tiêu thụ
đặc biệt đối với một số dịch vụ quy định như sau:

a) Đối với kinh doanh gôn (bao gồm cả kinh doanh sân tập gôn) là doanh
thu chưa có thuế GTGT về bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn, bao gồm cả
tiền bán vé tập gôn, tiền bảo dưỡng sân cỏ, hoạt động cho thuê xe
(buggy) và thuê người giúp việc trong khi chơi gôn (caddy), tiền ký quỹ
(nếu có) và các khoản thu khác liên quan đến chơi gôn do người chơi gôn,
hội viên trả cho cơ sở kinh doanh gôn. Trường hợp khoản ký quỹ được trả
lại người ký quỹ thì cơ sở sẽ được hoàn lại số thuế đã nộp bằng cách
khấu trừ vào số phải nộp của kỳ tiếp theo, nếu không khấu trừ thì cơ sở
sẽ được hoàn theo quy định. Trường hợp cơ sở kinh doanh gôn có kinh
doanh các loại hàng hóa, dịch vụ khác không thuộc đối tượng chịu thuế
tiêu thụ đặc biệt như: khách sạn, ăn uống, bán hàng hóa, hoặc các trò
chơi thì các hàng hóa, dịch vụ đó không phải chịu thuế tiêu thụ đặc
biệt.

* Về khấu trừ thuế TTĐB được bổ sung như sau:

Người nộp thuế sản xuất hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc
biệt bằng các nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ số
thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả
đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác
định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Số thuế tiêu thụ đặc biệt được
khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt của nguyên liệu đã sử
dụng để sản xuất hàng hóa bán ra.

Trường hợp người nộp thuế sản xuất đồng thời ra xăng, dầu và các dung
môi hóa dầu bằng các nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu
trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc
đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước
khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Số thuế tiêu thụ đặc
biệt được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt của nguyên
liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa bán ra.

Điều kiện khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định như sau:

– Đối với trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất
hàng hoá chịu thuế TTĐB thì chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là
chứng từ nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu.

– Đối với trường hợp mua nguyên liệu trực tiếp của nhà sản xuất trong nước:

+ Hợp đồng mua bán hàng hoá, trong hợp đồng phải có nội dung thể hiện
hàng hoá do cơ sở bán hàng trực tiếp sản xuất; Bản sao Giấy chứng nhận
kinh doanh của cơ sở bán hàng (có chữ ký, đóng dấu của cơ sở bán hàng);

+ Chứng từ thanh toán qua ngân hàng;

+ Chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là hoá đơn GTGT khi mua
hàng. Số thuế TTĐB mà đơn vị mua hàng đã trả khi mua nguyên liệu được
xác định = giá tính thuế TTĐB nhân (x) thuế suất thuế TTĐB; trong đó:

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = (Giá mua chưa có thuế GTGT
(thể hiện trên hóa đơn GTGT) – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có)) / (1 +
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt)

Số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ
đặc biệt của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa bán ra.

Việc khấu trừ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được thực hiện khi kê khai
thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp được xác định
theo công thức sau:

Số thuế TTĐB phải nộp = Số thuế TTĐB phải nộp của hàng hoá chịu
thuế TTĐB xuất kho tiêu thụ trong kỳ – Số thuế TTĐB đã nộp hoặc đã trả ở
khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng hoá xuất kho tiêu thụ
trong kỳ



Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp (hoặc đã
trả) cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ
thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tính số thuế TTĐB được
khấu trừ và sẽ xác định theo số thực tế vào cuối quý, cuối năm. Trong
mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số
thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ
thuật của sản phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ
thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

Theo webketoan.vn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không