Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, NSNN đã phải tăng bội chi để có nguồn lực thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội (năm 2009 bội chi NSNN ở mức 6,9%GDP; năm 2010 khoảng 5,6%GDP; năm 2011 dự toán là 5,3%GDP, thực hiện giảm xuống 4,9%GDP); đây là biện pháp cần thiết và tích cực, góp phần đưa nước ta nhanh chóng thoát khỏi đà suy giảm kinh tế và duy trì tăng trưởng ở mức ổn định; đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng nghèo, chế độ chính sách được đảm bảo; an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, việc đồng thời thực hiện chính sách tài khóa – tiền tệ nới lỏng, cùng với tác động của áp lực tăng giá trên thị trường thế giới và năng lực tự chủ của nền kinh tế còn yếu, đã dẫn đến áp lực tăng lạm phát cao trong thời gian qua (năm 2009 là 6,88%; năm 2010 là 9,19% và năm 2011 là 18,58%). Điều này tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô và nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội trước mắt cũng như trong trung hạn.
Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2010, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu điều chỉnh các chính sách vĩ mô nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội lên hàng đầu; trong đó có việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ. Riêng đối với chính sách tài khóa, phải phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, qua đó thực hiện giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN (bội chi NSNN năm 2010 dự toán là 6,2%GDP, thực hiện giảm xuống 5,6%GDP; năm 2011 dự toán là 5,3%GDP, ước thực hiện giảm xuống 4,9%GDP).
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, mặc dù định hướng là giảm dần bội chi, song cũng phải có lộ trình phù hợp bởi trong khi chính sách thu dự kiến sẽ giảm dần nghĩa vụ đối với doanh nghiệp và người dân, thì nhu cầu chi NSNN vẫn cao, đặc biệt là chi cho an sinh xã hội, cải cách tiền lương, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện còn rất yếu kém; đồng thời, cũng còn nhiều dự án lớn sử dụng vốn vay ODA nước ngoài đang trong quá trình thực hiện, cần tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh giải ngân để hoàn thành dự án. Để giảm bội chi trong thời gian tới cần:
– Về thu NSNN: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu NSNN; tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu mới; tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo nguồn thu cho NSNN; chống thất thu và xử lý nợ đọng; chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; phấn đấu tăng thu NSNN để có nguồn giảm bội chi NSNN và đáp ứng các nhu cầu chi của NSNN.
– Về chi NSNN: thực hiện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng ưu tiên tăng đầu tư cho con người, an sinh xã hội; rà soát, sắp xếp lại chi đầu tư công; nâng cao hiệu quả chi NSNN. Nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý về đầu tư công trung hạn. Tăng cường kỷ luật tài chính; quản lý chặt chẽ các khoản vay, cấp bảo lãnh của Chính phủ để hạn chế tối đa các nghĩa vụ nợ dự phòng cho NSNN.
– Về bội chi NSNN: thông qua việc phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu giảm dần xuống mức dưới 4,5%GDP vào năm 2015.
KL
Theo mof.gov.vn