Kiến thức Con người Những người thích nhảy việc

Những người thích nhảy việc

9
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamGiỏi giang, xinh xắn, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Vân được nhận vào làm việc cho Công ty truyền thông Strata của Anh. Chưa đầy 10 năm, chị chuyển việc tới 4 lần, sang Nestle, Metro và hiện đang giữ cương vị khá quan trọng tại một tổ chức tài chính lớn của nước ngoài với mức lương 1.500 USD mỗi tháng.

Cùng một chuyên môn đối ngoại nhưng chị thấy mỗi môi trường làm việc lại đem đến cho bản thân hứng thú mới. Nếu như ở Strata, mục đích công việc hướng tới là sự hài lòng của khách hàng liên quan tới những sự kiện thể thao thì ở Nestle, đối tượng của họ là những người tiêu dùng rất đỗi bình thường. Ở nơi làm việc hiện tại, khâu quan hệ đối ngoại vô cùng quan trọng vì đối tác của công ty là những nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, những ông chủ ngân hàng, công ty chứng khoán…

“Tôi phải học hỏi không ngừng, không thể lấy cái cũ áp vào cái mới, vì thế luôn cần con người năng động hơn, công việc do đó cũng rất thú vị”, chị tâm sự. Thay đổi công việc liên tục nhưng với người phụ nữ này gia đình luôn là lựa chọn số một. Chị ra đi khỏi Metro bởi công việc ở đó đòi hỏi sự di chuyển liên tục, không có thời gian cho gia đình.

Còn rất trẻ, dịch tiếng Anh như gió cho những nhân vật tầm cỡ như Cao ủy thương mại EU Pascal Lamy (nay là Tổng giám đốc WTO), chị Vũ Thúy Hường quyết định bỏ công việc tại Ủy ban châu Âu (EC) với mức thu nhập 1.000 USD/tháng. Nơi chị sẽ làm việc là Cơ quan Viện trợ phát triển Ireland (Irish Aid). Chuyển sang cơ quan mới, chị muốn thử thách chính mình và hy vọng có thể góp phần nâng cao hiệu quả việc trợ của các tổ chức quốc tế đối với vùng quê nghèo của VN. “Khi còn làm ở EC tôi đã tham gia một số dự án nên công việc này không quá mới mẻ. Tuy nhiên ở VN tình trạng “xà xẻo”, sử dụng vốn không đúng mục đích là thách thức rất lớn với tôi”, chị tâm sự.

Tuy không tiết lộ mức lương ở cơ quan mới, song chị Hường cho hay khi đã chủ động ra đi thì lương và các lợi ích không thể thấp hơn cơ quan cũ. Còn trẻ, chị sợ nếu chỉ làm mãi ở một chỗ sẽ tạo sức ỳ lớn, không phát huy đầu óc sáng tạo.

Nhảy việc sẽ trở thành xu hướng

Theo các công ty săn đầu người, nhu cầu về nhân lực tại VN đang có sự phân hóa rõ nét. Vị trí cao cấp nhất, các ứng viên cho ghế giám đốc điều hành thường phải có ít nhất khoảng 7 năm kinh nghiệm. Ở cấp thấp hơn được gọi là middle manager, dành cho những vị trí như giám đốc đối ngoại, trưởng phòng nhân sự, trưởng chi nhánh…, phải có thời gian làm việc khoảng 3-7 năm. Nhu cầu nhân lực ở nhóm thứ hai rất lớn nhưng nguồn cung lại ít. Đó là lý do khiến những người ở vị trí này luôn được săn đuổi.

Nhảy việc nhiều nhất là những người đảm nhận vị trí quản lý bộ phận của các công ty nước ngoài. Thông thường khoảng 3 năm, các công ty lại thay đổi ban lãnh đạo, mỗi lần có sếp mới, các vị trí làm việc trực tiếp với sếp lại xáo trộn. Trường hợp của chị Vân, ở vị trí đối ngoại, mọi công việc đều báo cáo trực tiếp với tổng giám đốc, khi làm việc không hợp gu cả nhân viên và giám đốc mới đều muốn thay đổi. Có lần chị chủ động ra đi, có lần họ đề nghị không ký hợp đồng nữa.

Bản thân chị Vân không muốn thay đổi công việc liên tục và lương không phải là lý do khiến chị tìm đến công việc mới. “Nếu buổi sáng nào đó thức dậy thấy sợ đi làm là đến lúc mình tính đổi việc. Với nghề đối ngoại khi công việc trở thành gánh nặng thì người ta không thể phấn đấu toàn tâm toàn ý cho nó”, chị giãi bày.

Theo đánh giá của bà Trần Phương Lan, Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học quốc gia Hà Nội, những người thích nhảy việc rất năng động, không ngại khó khăn. Đây cũng là tuýp người sẵn sàng chấp nhận thử thách mới, dễ hòa nhập và có khả năng điều chỉnh để phù hợp với môi trường làm việc khác nhau.

“Tuy nhiên, nếu phải chọn lựa giữa hai người mà tài năng không chênh nhau là mấy, tôi sẽ chọn người năng lực thấp hơn một chút nhưng là người tận tâm và hết lòng vì tổ chức. Không một tổ chức nào có thể đem lại tất cả mọi thứ bạn muốn. Bạn có thể thỏa mãn ở khía cạnh này nhưng lại cảm thấy không thỏa mãn ở khía cạnh khác”, bà Lan bộc bạch.

Lãnh đạo những doanh nghiệp có người nhảy việc cũng tỏ ra không mấy vui vẻ mỗi khi có cán bộ chủ chốt ra đi. Rơi vào tình huống này, một số công ty chấp nhận tăng lương, thưởng hoặc đề bạt một vị trí cao hơn cho người cũ. Song theo các chuyên gia tư vấn nhân lực, đây không phải giải pháp thượng sách cho cả hai bên.

“Sếp nhượng bộ sẽ không vui trong lòng, còn nhân viên ở lại cũng cảm thấy có gì đó không ổn. Nhiều trường hợp đồng ý ở lại sau 1-2 tháng lại quyết định ra đi”, giám đốc một công ty săn đầu người cho biết.

Theo ông, nền kinh tế càng phát triển, tuýp người thích nhảy việc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Doanh nghiệp không muốn để tình trạng này xảy ra phải thật coi trọng chuyện gìn giữ nhân tài. Họ phải đảm bảo một mức lương cạnh tranh và môi trường làm việc với các điều kiện thăng tiến rõ ràng.

(Theo VnExpress)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không