Một đội ngũ nhân viên giỏi, có năng lực đóng vai trò quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp, nhất là đối với các công ty mới thành lập.
Ảnh minh họa
Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực công nghệ, một nhân viên phát triển phần mềm giỏi có thể làm việc có hiệu quả gấp 10 lần một nhân viên bình thường và tránh được nhiều bước lập trình sai sót có khả năng gây ra nhiều tổn thất cho công ty.
Các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, có ngân sách hạn chế thì lại càng không thể chấp nhận các rủi ro do nhân viên làm sai quy trình hay không hội nhập được với văn hóa công ty gây ra. Nhưng làm thế nào để đi tìm những người giỏi nhất trong số những người giỏi cho doanh nghiệp?
Theo Langley Steinert, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) của CarGurus.com, trang web nghiên cứu thị trường và mua bán xe hơi (trước đây Steinert từng là người đồng sáng lập TripAdvisor, tổ chức cung cấp thông tin dịch vụ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới), doanh nghiệp có thể phát triển một đội ngũ nhân viên giỏi nhất bằng những cách sau đây.
1.Thông qua đội ngũ nhân sự giỏi hiện hữu.
Những người giỏi thường quen biết những người giỏi. Một trong những cách tuyển dụng hiệu quả nhất là thông qua các chương trình nhân viên giới thiệu ứng viên, theo đó các công ty thường chi một khoản tiền thưởng cho các nhân viên giới thiệu thành công các ứng viên phù hợp. Khi thực hiện các chương trình này, doanh nghiệp đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc: thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng các nhân viên hiện tại, tạo điều kiện cho nhân viên hiện tại có thêm một khoản thu nhập, doanh nghiệp tuyển dụng được các nhân viên phù hợp (vì có thể kiểm tra nhiều thông tin tham khảo về ứng viên từ nhân viên hiện tại trước khi quyết định tuyển dụng).
2.Tuyển dụng những “vận động viên” giỏi chứ không phải những chuyên gia.
Các công ty thường quá chú trọng đến việc tìm những ứng viên “có kinh nghiệm liên quan” đến công việc, vị trí cần tuyển dụng. Tuy nhiên, Steinert cho rằng những người giỏi thì lúc nào cũng có thể tìm ra cách thích ứng nhanh với công việc mới, xử lý công việc một cách sáng tạo, hiệu quả và làm được nhiều việc cùng một lúc.
Steinert cho biết khi thành lập TripAdvisor, tổ chức này không chủ trương phải tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm trong ngành du lịch và lữ hành mà ưu tiên chọn những người thông minh và giàu ý tưởng. Steinert ví von chiến lược này cũng tương tự như việc tuyển chọn vận động viên thể thao: các vận động viên giỏi có thể thi đấu linh hoạt ở nhiều vị trí khác nhau nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhờ biết cách vận dụng các kỹ năng của mình.
3. Đặt ra chuẩn mực cao trong tuyển dụng, ngay cả khi đang gặp nhiều áp lực.
Các công ty mới thành lập thường đứng trước áp lực phải tăng trưởng nhanh và lớn mạnh bằng các đối thủ cạnh tranh khác trong một thời gian ngắn. Đây cũng chính là một cái “bẫy” khiến nhiều doanh nghiệp vội vàng trong tuyển dụng nhân sự, miễn sao trang bị đủ “quân” để có cảm giác an tâm rằng mình đã sẵn sàng cho một công ty có quy mô lớn. Steinert khuyên rằng, doanh nghiệp cần tránh sai lầm này vì chỉ cần có một nhân viên năng lực yếu kém cũng có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc chung của cả công ty.
4. Chọn ứng viên có khả nùng thích nghi và hội nhập nhanh với vùn hóa của tổ chức.
Một công ty muốn phát triển vững mạnh thì các thành viên của công ty đó cảm thấy thoải mái khi đối thoại với nhau, nhất là với các nhà quản lý, lãnh đạo cấp cao. Tại CarGuru.com, Steinert rất chú trọng đến khả năng tương tác với các nhân viên hiện tại và thích nghi với văn hóa công ty của ứng viên.
5.Tạo ấn tượng tốt cho ứng viên về hình ảnh của doanh nghiệp.
Khi nền kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, các doanh nghiệp thường chủ quan trong vấn đề này. Sai lầm thường thấy trong quá trình tuyển dụng là không giới thiệu với ứng viên đầy đủ thông tin về quá trình thành lập, lịch sử hoạt động, vị thế hiện tại, mục tiêu chiến lược trong tương lai, những chính sách phúc lợi và phát triển dành cho nhân viên… để tạo ấn tượng tốt cho nhân viên về hình ảnh và môi trường làm việc của doanh nghiệp. Nên nhớ rằng, nhiều đối thủ cạnh tranh khác có thể cũng đang săn đón người tài và nếu ứng viên không có đủ ấn tượng tốt về doanh nghiệp, họ có thể nhận lời mời của một công ty khác trong cùng ngành.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông