Thương hiệu tuyển dụng là sự nhận diện về tổ chức đối với các nhân viên, giúp họ trả lời cho câu hỏi “Làm việc tại đây thì sẽ như thế nào?”.
Ảnh minh họa
Một thương hiệu tuyển dụng mạnh góp phần giúp cho doanh nghiệp trở thành khối nam châm thu hút nhân tài.
Kết nối cảm xúc nhân viên
Thương hiệu tuyển dụng là những gì công ty cam kết về mặt cảm xúc để kết nối các nhân viên, làm sao để cho họ luôn mang đến cho khách hàng những gì mà tổ chức cam kết. Vì gắn liền với các giá trị và văn hóa của một tổ chức nên thương hiệu tuyển dụng của bất cứ công ty nào cũng cần xuyên suốt và nhất quán.
Chẳng hạn, Nokia nổi tiếng với khẩu hiệu “Kết nối mọi người” nên công ty luôn mong muốn các ứng viên tiềm năng trở thành một phần của “tổ chức toàn cầu với một văn hóa cởi mở và năng động”. Nokia cố gắng thu hút những cá nhân có một tập hợp kỹ năng và phong cách làm việc năng động phù hợp với những giá trị của công ty. Cách tiếp cận này áp dụng tốt cho Nokia, nhưng có thể không áp dụng được cho một số công ty khác.
Nhận diện giá trị cốt lõi
Yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu tuyển dụng bắt đầu bằng việc nhận diện những giá trị cốt lõi của tổ chức để tạo ra sự kết nối cảm xúc giữa nhà tuyển dụng và nhân viên. Đây là những phẩm chất làm cho mọi người yêu thích làm việc tại tổ chức đó và cảm thấy hài lòng. Những giá trị này tạo động lực cho đội ngũ nhân viên, giúp thúc đẩy việc thực hiện sứ mệnh của công ty.
Cách tốt nhất để nhận diện những phẩm chất thực sự quan trọng của một tổ chức là tìm hiểu từ chính các nhân viên, đặc biệt là những nhân viên giỏi nhất, lý do vì sao họ chọn nơi đây để làm việc. Điều gì của công ty làm họ thích thú. Chẳng hạn, hãy hỏi các nhân viên của công ty sản xuất nước giải khát khổng lồ Coca-Cola, họ sẽ nói rằng nơi họ làm việc đầy “thú vị, độc đáo và nhiều thử thách”, còn công việc của họ thì “làm cho mọi người hạnh phúc và trẻ trung”. Những xác nhận như vậy của nhân viên có thể là những công cụ tuyển dụng có sức mạnh với những ứng viên tiềm năng.
Điều cần lưu ý là khi các nhân viên được hưởng nhiều ưu đãi bày tỏ sự thất vọng về công ty. Khi đó, họ thường chỉ ra những lĩnh vực mà công ty có thể không thực hiện đúng các cam kết đối với nhân viên và khách hàng. Những chỉ trích như vậy là động lực để công ty khắc phục và hoàn thiện môi trường làm việc.
Thông điệp nhất quán
Khi xây dựng thương hiệu tuyển dụng, “sản phẩm” là sự trải nghiệm làm việc cho nhà tuyển dụng đó và “khách hàng mục tiêu” là những nhân viên hiện tại và ứng viên tiềm năng sẽ gia nhập tổ chức. Các thông điệp tuyển dụng có thể thay đổi theo thời gian, theo từng công việc để dẫn dắt nhân viên trong từng phân khúc thực hiện cam kết, nhưng chúng phải luôn nhất quán và hỗ trợ cho thương hiệu chung của nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn, Apple đã điều chỉnh các thông điệp tuyển dụng của họ để thu hút những mẫu nhân tài cụ thể. Khi nhắm đến các kỹ sư, công ty nói rằng họ đang tìm kiếm “cảm nhận công nghệ tài hoa để thiết kế và phát triển những sản phẩm mang tính cách mạng của Apple”. Để tiếp cận các chuyên gia bán hàng, công ty mời gọi “sự kết hợp đúng giữa niềm đam mê và hiểu biết sản phẩm để truyền đi sự trải nghiệm sản phẩm Apple trên khắp thế giới”. Những thông điệp khác biệt nhưng rất phù hợp với sứ mệnh, giá trị và văn hóa của công ty.
Xây dựng thương hiệu tuyển dụng phải là trách nhiệm của mọi người, bắt đầu từ lãnh đạo công ty. Từ ban lãnh đạo cấp cao nhất đến giám đốc các bộ phận, phải biết làm cho thương hiệu sống động cả về từ ngữ lẫn hành động. Việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài là tối quan trọng đối với tương lai của bất cứ tổ chức nào bởi suy cho cùng, con người luôn là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông