Sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của nhân viên. Là nhà tuyển dụng, bạn cần có những kỹ năng phỏng vấn chuyên nghiệp để phân loại các ứng viên.
Ảnh minh họa
Hiểu rõ chủ đích của cuộc phỏng vấn: Tuyển dụng những nhân viên có trình độ và khả năng phù hợp với công việc chính là mục tiêu của hoạt động “săn đầu người” nói chung, nhưng đó không nhất thiết phải là chủ đích của những câu hỏi được đặt ra trong cuộc phỏng vấn.
Việc tiếp xúc, trò chuyện với ứng viên chỉ là cơ hội để bạn gặp gỡ với nhân viên tiềm năng, tìm hiểu tính cách của họ, đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của họ, xác định xem họ có phù hợp với văn hoá công ty hay không.
Cân nhắc lại chiến lược và kế hoạch phỏng vấn của bạn: Kiểu câu hỏi chung chung như “Bạn hình dung thử xem mình sẽ như thế nào trong vòng năm năm tới?” thường không đem lại cho bạn nhiều thông tin về ứng viên. Trong khi điều bạn quan tâm là ứng viên sẽ hành động như thế nào ở một vị trí công việc cụ thể trong những tình huống cụ thể, thì những câu hỏi như vậy hoàn toàn không thích hợp.
Để sàng lọc và tuyển dụng được những nhân viên tài năng, bạn phải đưa ra được các chiến thuật phỏng vấn khôn khéo và thông minh để khám phá mọi khả năng, trình độ, điểm mạnh và điểm yếu của các ứng viên.
Xây dựng một danh sách các kỹ năng mà bạn mong muốn ở các ứng viên: Chỉ sau khi bạn biết chắc rằng mình đang tìm kiếm những kỹ năng nào ở ứng viên (dễ thích ứng với tập thể, có thể chịu được áp lực lớn của khối lượng công việc, kiên nhẫn, sáng tạo…), bạn mới có thể đưa ra được những câu hỏi sáng suốt, thông minh và đem lại nhiều thông tin cần thiết.
Lập danh sách các câu hỏi phỏng vấn: Sau khi đã liệt kê các kỹ năng cần thiết cho công việc, bạn cần lên danh sách các câu hỏi mà bạn có thể cần đến trong thời gian phỏng vấn ứng viên. Bạn nên chú ý đặt nhiều câu hỏi mở để khuyến khích ứng viên hé lộ những chi tiết liên quan đến tính cách cá nhân và kinh nghiệm làm việc trước đây của họ.
Ngày nay, nhiều nhà tuyển dụng sử dụng các câu hỏi dựa trên hành vi (behavior-based questions) để tìm hiểu cách thức ứng viên giải quyết các tình huống khó khăn giả định, từ đó xác định xem họ sẽ phản ứng như thế nào với các tình huống tương tự trong tương lai.
Kiểm tra lại danh sách các câu hỏi phỏng vấn: Hãy xem xét lại một lần nữa danh sách các câu hỏi phỏng vấn mà bạn định đặt ra cho ứng viên. Một danh sách có sự kết hợp giữa các câu hỏi dựa trên quan điểm (opinion-based), câu hỏi dựa trên niềm tin (credential-based), câu hỏi dựa trên kinh nghiệm (experience-based) và câu hỏi dựa trên hành vi (behavior-based) sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về kiến thức chuyên môn và tính cách của các ứng viên.
Nói trước với ứng viên về phương thức phỏng vấn: Sau khi tự giới thiệu về bản thân và về công ty, bạn hãy nói cho ứng viên biết cấu trúc cơ bản của cuộc phỏng vấn nhằm giúp họ bớt căng thẳng và lo lắng. Khi ứng viên cảm thấy thoải mái, nói chuyện tự nhiên và trả lời chi tiết cho các câu hỏi của bạn, nghĩa là bạn có thể nhận được những thông tin chuẩn xác và đầy đủ về anh ta/cô ta.
Chuẩn bị để trả lời các câu hỏi của ứng viên: Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ thông tin về công ty để trả lời các câu hỏi của ứng viên. Họ có thể hỏi về các chức năng kinh doanh của công ty, về số lượng nhân viên, về kế hoạch kinh doanh trong tương lai, về văn hoá công ty hay bất cứ thông tin nào khác.
Bạn nên mang tới nơi phỏng vấn một số tài liệu hay tờ rơi giới thiệu về công ty, đồng thời chuẩn bị các thông tin liên quan đến lịch sử và hoạt động kinh doanh của công ty.
Ghi chép: Khi tiến hành phỏng vấn, bạn cần phải có kỹ năng lắng nghe và ghi nhớ thật tốt. Tuy nhiên việc ghi chép không bao giờ thừa cả. Bạn hãy ghi lại vắn tắt các thông tin chủ yếu của cuộc phỏng vấn, lưu ý tới bất kỳ hành động nào mà bạn cho là đặc biệt, khác thường, cùng những nhận xét sơ lược về từng ứng viên. Việc ghi chép này còn giúp bạn có cơ sở để so sánh các ứng viên với nhau khi đến thời điểm ra quyết định tuyển dụng cuối cùng.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông