Khao khát tìm được một công việc như ý có thể trở thành động lực khiến nhiều người nói dối trong hồ sơ xin việc.
Ảnh minh họa
Xu hướng đưa ra những thông tin thiếu chính xác trong hồ sơ xin việc đã trở nên rất phổ biến. Công ty nghiên cứu và quản lý nguồn nhân lực ADP của Mỹ cho biết, có tới 46%, tức là gần một nửa, số ứng viên xin việc nói dối dưới một dạng nào đó trong hồ sơ của họ.
Trên thực tế, chủ đề này đã trở nên phổ biến đến nỗi, khi gõ cụm từ “lying on” (nói dối) vào công cụ tìm kiếm Google, thì từ khóa hiện ra đầu tiên là “lying on your resume” (nói dối trong hồ sơ xin việc).
“Chém gió” trong hồ sơ xin việc có nhiều cấp độ khác nhau, từ những lời nói dối vô hại cho những lời nói dối trắng trợn như bằng cấp giả. Hãng tư vấn Marquet International mới đây đã đưa ra danh sách 10 lời nói dối phổ biến nhất trong hồ sơ xin việc:
1. Kéo dài quãng thời gian đã từng làm việc.
2. “Thổi phồng” các thành tựu và kỹ năng đã đạt được.
3. Nói khoác về chức danh công việc và trách nhiệm.
4. Nói quá về trình độ học vấn.
5. Dùng cụm từ “tự kinh doanh” để che đậy việc bị thất nghiệp.
6. Phớt lờ thông tin về công việc từng làm.
7. Bằng cấp giả mạo.
8. “Bốc phét” về lý do bỏ công việc trước.
9. Cung cấp thông tin về người tham khảo (references) sai lệch.
10. “Xuyên tạc” về việc phục vụ trong quân ngũ.
Trong bối cảnh thị trường việc làm đầy khó khăn như hiện nay, liệu có đáng để đưa những lời nói dối này vào hồ sơ xin việc? Liệu bạn có thể đạt được điều bạn mong muốn bằng cách nói dối như vậy?
Kinh nghiệm cho thấy, câu trả lời cho những câu hỏi này là “không”. Trước khi bà Marissa Mayer lên nắm vai trò Giám đốc điều hành (CEO) ở Yahoo, người tiền nhiệm Scott Thompson đã mất chức vào năm ngoái khi bại lộ thông tin ông không hề có bằng khoa học máy tính như ông tự khai trước đó.
Cũng vì khan man bằng cấp mà George O’Leary mất chức huấn luyện viên đội bóng Notre Dame, Dave Edmonson không giữ được ghế CEO của hãng bán lẻ hàng điện tử Radio Shack.
Các chuyên gia lưu ý rằng, những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật số đã cho phép rà soát kỹ càng hơn các bộ hồ sơ xin việc, đặt những ứng viên nói dối vào thế rủi ro lớn hơn. “Khách hàng yêu cầu chúng tôi kiểm tra nhiều thứ hơn trước kia. Điều này cho thấy họ quan tâm hơn đối với chuyện thật, giả”, ông Ben Allen, Chủ tịch kiêm CEO của công ty an ninh Kroll, cho biết.
Theo tổ chức Society for Human Resource Management, ở Mỹ, việc kiểm soát hồ sơ nhân viên ngày càng được thắt chặt trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. 10 năm trước, chỉ có khoảng 2/3 số công ty thực hiện rà soát tính trung thực trong hồ sơ nhân viên. Đến nay, tỷ lệ này là 96%.
Chuyên gia nghề nghiệp Miriam Salpeter cho rằng, kịch bản xấu nhất của việc bạn nói dối trong hồ sơ xin việc chính là khi bạn nhận được công việc đó. Rốt cục, bạn sẽ bị phát giác. Và đó lý do vì sao các chuyên gia khuyến cao người tìm việc tuyệt đối không “đi đường tắt” bằng cách nói dối.
Đánh giá về vụ xì-căng-đan gian dối bằng cấp của cựu CEO Yahoo Scott Thompson, giới phân tích cho rằng, ích lợi của việc ông Thompson được ngồi vào ghế CEO là không thể “lại” được so với những mất mát quá lớn về độ khả tin và uy tín của ông. Cái tên Thompson đã bị nhiều người đánh đồng với “kẻ dối trá”.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông