Kiến thức Tin tức Chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ của MISA trong...

Chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ của MISA trong kỷ nguyên Cloud Computing

114
Internet đang là một phần tất yếu của cuộc sống, mọi hoạt động hàng ngày của chúng ta ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Internet. Chiến lược sản phẩm và dịch vụ của MISA trong những năm tới là chuyển toàn bộ sang nền tảng Phần mềm Như Một Dịch vụ (Software As A Service), là một trong những loại hình dịch vụ của mô hình Điện toán đám mây – một định nghĩa mới nói về việc ứng dụng CNTT trong kỷ nguyên Internet. Vậy Điện toán đám mây (Cloud Computing) là gì? MISA sẽ phát triển các phần mềm và dịch vụ gì trên nền tảng này trong thời gian tới? Phần mềm Như Một Dịch vụ mang lại lợi ích thế nào cho khách hàng?

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA
Điện toán đám mây (Cloud Computing) là gì?

Điện toán đám mây là một khái niệm để chỉ việc cung cấp tính toán, khai thác phần mềm, truy cập dữ liệu và các dịch vụ lưu trữ thông qua Internet mà không yêu cầu người dùng phải biết xem cấu hình và vị trí của các thiết bị cung cấp dịch vụ như thế nào và được đặt ở đâu. Có thể ví dịch vụ này giống như việc cung cấp điện lưới, người dùng được cung cấp điện mà không quan tâm tới các thiết bị và hạ tầng cung cấp điện đó ra sao và xuất phát từ nơi nào.

Các dịch vụ trên nền tảng Điện toán đám mây được phân phối thông qua các trung tâm dữ liệu (Data Center) và cung cấp một cổng duy nhất cho người tiêu dùng truy cập. Các dịch vụ, tùy theo đặc điểm kỹ thuật, được phân thành ba dạng như sau:

  • Hạ tầng Như Một Dịch Vụ (Infrastructure as a Service): Cung cấp sẵn máy chủ và các trang thiết bị phần cứng theo yêu cầu để khách hàng có thể toàn quyền sử dụng như trang thiết bị của mình.
  • Nền tảng Như Một Dịch Vụ (Platform as a Service): Cung cấp sẵn hệ điều hành và các phần mềm hệ thống cần thiết khác theo yêu cầu để khách hàng cài đặt các ứng dụng của mình lên trên.
  • Phần mềm Như Một Dịch Vụ (Software as a Service): Đây là thể hiện cao nhất của Điện toán đám mây. Phần mềm theo yêu cầu của khách hàng đã được cài đặt sẵn để chỉ việc sử dụng và được truy cập thông qua trình duyệt Web.

Lợi ích đối với khách hàng sử dụng Phần mềm Như Một Dịch Vụ

  • Không phải đầu tư chi phí ban đầu về hạ tầng máy móc và nhân lực: Toàn bộ hạ tầng về mạng và máy chủ, phần mềm hệ thống và việc cài đặt, quản trị đều do nhà cung cấp dịch vụ phần mềm thực hiện. Khách hàng chỉ phải trả phí thuê dịch vụ là có thể sử dụng được ngay phần mềm.
  • Không phụ thuộc vào thiết bị và vị trí địa lý: Do phần mềm và dữ liệu đều được đặt trên Internet, sử dụng trình duyệt Web để chạy phần mềm, nên người dùng có thể truy cập từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào từ nhiều loại thiết bị đầu cuối khác nhau như PC, laptop, máy tính bảng (Tablet) hay điện thoại thông minh (Smart phone).
  • Không cần phải đầu tư về nguồn nhân lực quản lý và duy trì hệ thống: Phần mềm được cung cấp theo dạng dịch vụ, nên khách hàng sẽ luôn được sử dụng những phiên bản phần mềm mới nhất mà không phải lo việc nâng cấp hay cập nhật các bản vá lỗi vì toàn bộ đã có nhà cung cấp dịch vụ phần mềm thực hiện.
  • Khả năng an toàn và bảo mật được cải thiện do sự tập trung về dữ liệu: Lưu trữ và bảo mật dữ liệu là vấn đề sống còn đối với dịch vụ Điện toán đám mây. Dữ liệu của khách hàng sẽ được lưu trữ và bảo vệ tại trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều so với việc doanh nghiệp tự lưu trữ, bảo quản.

Chiến lược phát triển các dịch vụ phần mềm phục vụ doanh nghiệp

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều có các hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với các nghiệp vụ như tài chính kế toán, bán hàng, quản trị nguồn nhân lực, quản lý sản xuất, quản lý quy trình tác nghiệp, Website nội bộ, Email… Với lợi thế của mô hình Cloud, các phần mềm nghiệp vụ sẽ dễ dàng được tích hợp với trang Web (Portal) Điều hành tác nghiệp nội bộ chính của doanh nghiệp. Ban lãnh đạo cũng như mọi nhân viên hàng ngày chỉ cần truy cập vào trang Điều hành tác nghiệp là sẽ biết được mọi thông tin hoạt động tổng thể của doanh nghiệp. Chỉ những nhân viên chuyên trách nghiệp vụ (như kế toán, kinh doanh, quản trị nguồn nhân lực…) mới cần truy cập trực tiếp vào các phần mềm nghiệp vụ để xử lý thông tin.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
  • Hiện nay MISA đã có các phần mềm Kế toán Doanh nghiệp MISA SME, Quản trị Quan hệ Khách hàng MISA CRM, Quản trị Nguồn nhân lực MISA HRM, và đang phát triển Portal Điều hành tác nghiệp (MISA Insight), Phần mềm quản lý Quy trình tác nghiệp (MISA Business Process).
  • Phần mềm quản lý Quy trình tác nghiệp (MISA Business Process): là hệ thống hỗ trợ thực hiện các quy trình tác nghiệp tại doanh nghiệp, tốt nhất đối với các tổ chức đã xây dựng và triển khai ISO/CMMi hoặc tương đương. Phần mềm sẽ giúp đảm bảo thực hiện đúng quy trình công việc, giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ, đi lại trình ký, theo dõi cũng như lưu trữ hồ sơ, nâng cao hiệu quả làm việc.
  • Với các phần mềm còn lại như Quản lý sản xuất, Quản lý công việc/ Dự án, Hệ thống phần mềm bảo vệ an ninh an toàn dữ liệu, Email…, MISA sẽ lựa chọn các phần mềm của các đối tác khác và thực hiện việc tích hợp vào Portal Điều hành tác nghiệp.

Chiến lược phát triển các dịch vụ phần mềm phục vụ khối Hành chính sự nghiệp

Đối với một cơ quan, tổ chức thuộc khối Hành chính sự nghiệp, mô hình hệ thống dịch vụ phần mềm cũng tương tự như hệ thống của doanh nghiệp, chỉ khác ở chỗ các phần mềm nghiệp vụ sẽ là Phần mềm Kế toán Hành chính sự nghiệp, Kế toán Chủ đầu tư hay Kế toán Xã (đối với cơ quan xã/phường), Quản lý cán bộ (Quản trị nguồn nhân lực) sẽ do MISA tự phát triển.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Với các phần mềm còn lại như Phần mềm Quản lý Công văn, Phần mềm dịch vụ hành chính công (như đăng ký cấp phép xây dựng, nhà đất, …), Hệ thống Email…, MISA sẽ lựa chọn các phần mềm của các đối tác khác và thực hiện việc tích hợp vào Portal Điều hành tác nghiệp.

Chiến lược phát triển các dịch vụ phần mềm phục vụ cộng đồng

Với Internet, phần mềm và dịch vụ không chỉ phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp hay tổ chức mà còn có thể đáp ứng nhu cầu cho từng hộ gia đình, từng người dân. Việt Nam với dân số gần 90 triệu, đây là một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng. Tận dụng thế mạnh về công nghệ cũng như số lượng khách hàng lớn trong ngành giáo dục và y tế, và thuế và bảo hiểm, MISA sẽ tập trung vào phát triển và/hoặc khai thác các phần mềm và dịch vụ sau đây:

  • Quản lý Trường học: Với mô hình Cloud, phần mềm quản lý trường học sẽ phục vụ nhiều đối tượng hơn so với phần mềm truyền thống. Các đối tượng sử dụng dịch vụ sẽ là: Nhà trường (gồm giáo viên, cán bộ quản lý), học sinh và phụ huynh học sinh. Thông qua Internet, phần mềm sẽ là cầu nối giữa gia đình và nhà trường, hàng ngày phụ huynh có thể xem sổ ghi đầu bài của lớp, sổ liên lạc hay học bạ của con mình, được nhà trường thông báo về các sự kiện cũng như tình hình học tập của con cái mình thông qua email hay tin nhắn… Phụ huynh cũng có thể trao đổi thông tin với giáo viên, ban giám hiệu nhà trường hay giữ chính các phụ huynh với nhau…
  • Quản lý Bệnh viện: Tương tự như phần mềm quản lý nhà trường, ngoài đối tượng sử dụng truyền thống là bác sĩ và cán bộ bệnh viện, với mô hình Cloud, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân cũng có thể sử dụng dịch vụ phần mềm để biết được bệnh tình của mình, hay trao đổi thông tin, xin tư vấn của bác sĩ. Mặt khác, khi bệnh nhân chuyển sang khám chữa bệnh ở bệnh viện khác cũng dùng hệ thống của MISA thì hồ sơ cũng được chuyển theo để theo dõi tiếp.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
  • Quản lý Bảo hiểm xã hội, Y tế, Thất nghiệp: Dành cho các đơn vị sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho người lao động hàng tháng. Thông qua phần mềm Online này, hàng tháng các đơn vị sử dụng lao động sẽ khai báo thông tin về các loại bảo hiểm phải đóng với cơ quan bảo hiểm mà không cần phải đến trực tiếp. (Tương tự như việc khai báo thuế qua mạng hiện nay đã được cơ quan thuế triển khai khá hiệu quả.)
  • Quản lý Thuế thu nhập cá nhân: Hệ thống này cho phép mỗi cá nhân khai báo các khoản thu nhập của mình và giúp tính toán mức thuế cần phải nộp hàng tháng, lập các biểu mẫu theo quy định và gửi Online đến Cục thuế hay đại lý thuế. Cuối năm hệ thống sẽ tính toán mức thuế phải nộp hay được hoàn lại, giúp cá nhân quyết toán với cơ quan thuế theo quy định.

Hệ thống Thông tin Phục vụ Cộng đồng sẽ là cầu nối, một điểm truy cập duy nhất của công dân đến các dịch vụ khác kết nối vào. Một người dân đăng nhập vào hệ thống này sẽ thấy được hết các thông tin mới nhất được tập hợp từ các hệ thống mà người đó tham gia, như là bệnh nhân trong hệ thống Quản lý Bệnh viện, là phụ huynh trong hệ thống Quản lý Trường học, là người đóng thuế trong hệ thống Quản lý thuế TNCN… Các phần mềm này sẽ do MISA tự phát triển hoặc tự lựa chọn các giải pháp của đối tác để bản địa hóa và triển khai. Ngoài ra, hệ thống cũng có thể được tích hợp thêm với các các hệ thống thông tin khác như Quản lý công dân (căn cước, hộ khẩu hộ tịch…), Quản lý điện, nước… của Chính phủ hoặc các nhà cung cấp dịch vụ tương ứng.

Lời kết

Các phần mềm được triển khai dưới dạng dịch vụ trên nền tảng Điện toán đám mây tạo ra một hệ thống phần mềm có tính liên kết rất mật thiết với nhau và ở phạm vi rộng lớn mà phần mềm truyền thống không thể làm được. Ngoài giá trị mà phần mềm/dịch vụ mang lại, khi đã có một lượng người dùng đủ lớn, ta có thể khai thác được rất nhiều dịch vụ khác trên đó như quảng cáo và bán kèm các dịch vụ khác, tạo ra một hệ sinh thái (ecosystem) không chỉ MISA mà các đối tác khác cũng sẽ cùng chia sẻ, khai thác các giá trị gia tăng dựa trên đó. Là doanh nghiệp tiên phong cung cấp các dịch vụ phần mềm Điện toán đám mây, toàn thể cán bộ và nhân viên MISA sẽ hết sức nỗ lực để có thể mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng và cộng đồng xứng đáng với tôn chỉ: Hệ thống TIN CẬY – Dịch vụ TIỆN ÍCH – Phục vụ TẬN TÌNH.

Nhân dịp Xuân mới, xin chúc quý vị một năm mới hạnh phúc và thành công!

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không