Yêu rồi cưới, nghe thì thật đơn giản, nhưng xem ra không phải lấy nhau xong là yên, nhất là với những cặp vợ chồng cùng làm trong một cơ quan hay công ty bởi cuộc hôn nhân của họ thường được đồng nghiệp săm soi khá kỹ.
Ảnh minh họa
Mặc dù mấy anh bạn đồng nghiệp lâu nay vẫn thường rỉ tai nhau có lấy vợ thì tránh “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”, nếu không sẽ có ngày “chết không kịp ngáp”. Thế nhưng bỏ qua lời cảnh báo ấy, M. – phóng viên của một tờ tạp chí ở TP.HCM vẫn quyết chí theo đuổi đến cùng cô bạn chung phòng. Gần một năm trời săn đón, cuối cùng N. cũng gật đầu theo chàng về dinh.
Từ ngày có vợ, M. không còn luộm thuộm như xưa, đầu tóc lúc nào cũng gọn gàng, quần áo chỉnh tề, tươm tất nhưng bù lại anh chẳng còn thời gian bù khú với bạn bè. Lúc nào thấy chồng “manh động” có ý định la cà đâu đó với đám bạn sau giờ tan tầm thì lập tức, cô vợ phán ngay: “Có gia đình rồi, về nhà ăn cơm, thích ăn gì em nấu, ăn uống ngoài đường không đảm bảo vệ sinh, với lại đàn ông ngồi tụm năm tụm ba lại cũng chỉ nói xấu vợ thôi chứ có gì hay ho”. Nghe đến đây, M. cụt hứng ngay, đành về nhà cho yên chuyện.
Trường hợp của T. – nhân viên một công ty dầu khí ở Vũng Tàu còn thê thảm hơn khi vợ anh bỗng dưng được sếp tổng cất nhắc lên chức trưởng phòng kinh doanh. Tưởng T. sẽ nở mày nở mặt cùng bạn bè vì có cô vợ giỏi giang, thành đạt nhưng thật ra chỉ có người trong cuộc mới hiểu được nỗi khổ tâm của anh.
Bữa nọ, thấy T. tất bật với công việc mà chưa kịp ăn sáng, cô bé nhân viên thử việc mua giùm anh ổ bánh mì, thế là mấy hôm sau T. không thấy cô bé đó đi làm nữa. T. hỏi vợ. Vợ anh tỉnh queo đáp: “Cho nghỉ rồi”, “Vì sao?”, cô thản nhiên: “Thấy cái mặt đáng ghét”.
Chưa hết, T. còn đau đầu hơn khi biết được tin cô nhân viên cùng phòng nộp đơn xin nghỉ việc cũng là vì mình. Số là trong một bữa sinh nhật anh bạn đồng nghiệp, cả phòng dắt nhau đi hát karaoke. Cô nhân viên này đã cùng anh song ca một bản nhạc lãng mạn, cô vợ thấy “đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái” nên vài ngày sau tuyên bố hủy đề án mà cô nọ đã thức bao đêm soạn thảo, dù đề án này trước đó được mọi người đánh giá cao, kể cả vợ T. Quá ức chế, cô này làm đơn xin nghỉ việc.
Cũng đồng cảnh ngộ với hai anh bạn trên nhưng xem ra anh chàng Lâm làm cho một công ty máy tính ở Hà Nội có vẻ khả quan hơn. Vì hai vợ chồng đi chung một xe máy, mỗi lần không chịu nổi tính khí thất thường lại còn hay ghen bóng, ghen gió của vợ, Lâm đều phóng xe một mình về nhà mặc cho vợ đứng tần ngần trước cổng công ty ngó theo. Hôm nào “giông bão” nổi lên, Lâm bỏ vợ giữa đường rồi phóng đi một hơi không thèm ngoái lại. Lúc đó, cô vợ đành đón xe ôm hoặc bắt taxi về nhà. Vài lần như thế, vợ Lâm cũng bắt đầu nhận ra những cư xử quá đáng của mình với chồng tại công sở và cố gắng khắc phục dần dần để cuộc sống dễ thở hơn.
Không ai phủ nhận việc lấy vợ cùng cơ quan có cái hay là cùng ngành nghề nên dễ hỗ trợ nhau phát triển sự nghiệp nhưng chẳng người đàn ông nào muốn vợ lúc nào cũng quản lý hết tiền bạc của chồng hay kè kè theo kiểm soát mọi nhất cử nhất động của họ, nhất là đối với những người vợ luôn muốn thể hiện bản lĩnh “sếp bà” của mình ở nơi đông người.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông