Giáo sư – Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá: “Trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ đặt ra đối với tài chính Việt Nam là tổ chức triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ tài chính ngân sách, góp phần đạt được mục tiêu đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, đó là phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị – xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt… Để thực hiện mục tiêu trên trong bối cảnh kinh tế quốc tế tiếp tục có những biến đổi khó lường với nhiều vấn đềlớn có tính toàn cầu, kinh tế trong nước có những chuyển biến nhưng vẫn còn có nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng, đặc biệt, đến hết quý 3 năm 2011, nền kinh tế đất nước vẫn đang chịu tác động do lạm phát, lãi suất cao, nhập siêu lớn, giá cả thị trường thế giới biến động. Trước tình hình đó, mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2011-2020 là “Xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định tài chính – tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Xử lý tốt mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư, giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường huy độngcác nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế. Phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính’’.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Vương Đình Huệ, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng “một trong những vấn đề đang được thế giới hết sức quan tâm là vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế – tài chính. Trong đó vấn đề tài khoá của Chính phủ được các quốc gia đặc biệt chú trọng tính bền vững, minh bạch nhằm đảm bảo an ninh tài chính của mỗi quốc gia tránh được những cú sốc khủng hoảng tài chính từ bên ngoài, đảm bảo điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Điều này muốn thực hiện thành công cần phải có sự tham gia của Chính phủ, những nhà hoạch định chính sách và chính cả bản thân người dân nhằm đưa ra những quyết định chính xác trong điều hành nền kinh tế, và điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam là một quốc gia hiện nay đang hội nhập rất sâu vào trong nền kinh tế toàn cầu. Một trong những vấn đề hết sức quan trọng là cần phải tăng cường tính hiệu quả và hiệu lực trong quản lý tài chính công thông qua các công cụ về công nghệ thông tin như hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai hiện đại hoá các hệ thống quan trọng như thuế, hải quan và kho bạc nhà nước. Đây có thể hiểu như quyết tâm rất lớn của Bộ Tài chính Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc nền tài chính công”.
Theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá “thị trường tài chính Việt Nam, mặc dù ra đời muộn và còn nhiều hạn chế, đến nay đã phát triển với đầy đủ các bộ phận bao gồm: thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm. Các định chế trung gian tài chính đã được đa dạng hóa về loại hình, cơ cấu chủ sở hữu, không ngừng cạnh tranh với nhau trên thị trường về qui mô hoạt động, số lượng, chất lượng các dịch vụ và sản phẩm tài chính, các tập đoàn tài chính đã hình thành và đang phát triển theo hướng kinh doanh đa ngành với các hoạt động đan xen giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Quá trình quốc tế hóa thị trường tài chính Việt Nam thông qua việc thực thi các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường tài chính cũng ngày càng gia tăng mạnh. Song hành với sự phát triển, những khuyết tật, sự phức tạp của thị trường cũng đã bộc lộ ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh này thì việc đổi mới hệ thống giám sát tài chính để theo kịp sự phát triển của thị trường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.
TS. Hà Huy Tuấn cho rằng, một hệ thống giám sát tài chính chỉ có thể được coi là có hiệu lực nếu như hệ thống đó có khả năng phát hiện, xử lý, ngăn ngừa, phòng tránh các hành vi vi phạm và lạm dụng thị trường; có khả năng nhận diện và phòng tránh những rủi ro tiềm năng của hệ thống tài chính. Như vậy, muốn nâng cao hiệu lực hệ thống giám sát tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính cần phải thực hiện theo ba bước cơ bản sau: Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giám sát tài chính ở Việt Nam; Hai là, đổi mới, kiện toàn mô hình hệ thống giám sát tài chính; Ba là, củng cố, tăng cường năng lực giám sát của các cơ quan giám sát tài chính.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh khẳng định: “Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020), cũng như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011-2015), ngay trong những năm đầu tiên, Việt Nam đã gặp rất nhiều thách thức, trong đó đặc biệt là Bộ Tài chính Việt Nam với tư các là quản lý tài chính vĩ mô của Chính phủ thực hiện các đường lối và chiến lược cho phát triển kinh tế – xã hội đã đối diện với những thách thức vô cùng to lớn, trong bối cảnh chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công của một số nước Châu Âu và Mỹ có nguy cơ lan rộng và có thể sẽ tác động rất mạnh mẽ đến Việt Nam nếu không nhanh chóng và khẩn trương tìm các giải pháp để khắc phục nó. Chính vì vậy, mục tiêu của Hội thảo năm nay đặt ra là tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, đây là một lĩnh vực rất quan trọng trong quản lý kinh tế – tài chính vĩ mô. Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá rất cao những ý kiến tham luận, đồng thời rất mong nhận được thêm nhiều kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và ý kiến tham vấn của các chuyên gia trong nước và nước ngoài”.
Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh có 5 nhóm vấn đề cần nghiên cứu trao đổi, đó là:
Thứ nhất, trước tình hình biến động bất thường của kinh tế – tài chính thế giới trong thời gian vừa qua, đồng thời trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, vấn đề tái cấu trúc nền tài chính quốc gia được đặt ra và cần phải được xem xét đầy đủ và toàn diện. Một mặt, Việt Nam vừa phải đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển, cũng như đảm bảo các nhu cầu chi tiêu cho xã hội, cho an sinh xã hội và ổn định nền kinh tế – tài chính vĩ mô, mặt khác phải đảm bảo nguồn thu NSNN để đảm bảo chi tiêu công. Chính vì vậy, yêu cầu cần phải cấu trúc lại giữa tích luỹ và tiêu dùng; giữa đầu tư và tiết kiệm; giữa tỷ lệ động viên và cơ cấu động viên để giải quyết được vấn đề ổn định nguồn thu ngân sách quốc gia.
Thứ hai, trong bối cảnh nguồn lực từ NSNN có hạn, vấn đề đặt ra là phải nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt là đầu tư công – đây là vấn đề mà không chỉ riêng Việt Nam, các quốc gia trong khu vực mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặt ra là vấn đề nóng bỏng. Chúng ta tiếp tục cơ cấu lại thu NS theo hướng là tăng cường phát triển theo hướng đầu tư vào con người, cải cách cơ chế tài chính vào giáo dục, y tế, cải cách tiền lương, củng cố hệ thống an sinh xã hội, để trên cơ sở đó đối với Việt Nam phải giữ mức bội chi trong giai đoạn đến từ nay cho đến 2015 trong khoảng 4,5%, là mức bội chi so với mức GDP và giữ mức tăng trưởng hợp lý. Đồng thời phải duy trì mức độ nợ công trong giới hạn an toàn.
Thứ ba, xét về cấu trúc nền tài chính quốc gia, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, việc phân cấp ngân sách gắn liền với điều kiện cụ thể về kinh tế – xã hội – tài chính của mỗi quốc gia, đặc biệt là quá trình phân cấp sẽ dẫn đến việc giao gánh nặng từ NSTW sang NSĐP, vì vậy cần phải tăng cường hiệu quả chi tiêu công của chính quyền địa phương. Đối với Việt Nam cũng có phân cấp ngân sách nhưng so với một số quốc gia lại có nét đặc thù riêng, vì vậy cần phải nghiên cứu để tăng cường công tác thu ngân sách cho chính quyền địa phương, phát hành trái phiếu, minh bạch hoá các khoản chuyển giao ngân sách từ chính quyền Trung ương cho chính quyền địa phương và phải đồng bộ các giải pháp thực hiện.
Thứ tư, trong quá trình phát triển của các định chế tài chính, nội dung giám sát tài chính là hết sức quan trọng, nó đặt ra thách thức với định chế giám sát tài chính truyền thống trong việc đảm bảo sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính vĩ mô. Chính vì vậy, phải được nhìn nhận một cách tổng thể và phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan có liên quan, các tổ chức tài chính, cũng như sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ năm, muốn việc kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả, hiệu lực thì yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan giám sát tài chính nhà nước là phải thu thập thông tin, hình thành cơ sở thông tin thống nhất, đầy đủ, chính xác và minh bạch. Đây là một yêu cầu hết sức cấp thiết đối với Việt Nam, bài học về khủng hoảng nợ công của một số quốc gia trên thế giới đã cho thấy vấn đề minh bạch, chính xác là cơ sở của thông tin phục vụ cho công tác quản lý và giám sát.
Như vậy, thông qua Hội thảo, Bộ Tài chính đã có một kênh thu nhận được thông tin phản hồi đa chiều, góp phần quan trọng vào việc hiện đại hoá hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của toàn ngành Tài chính, đáp ứng yêu cầu phát triển trọng tâm theo hướng Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước. Đồng thời với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia: thách thức chính sách và xu hướng liên kết – tích hợp” đã là một thông điệp đầy quyết tâm của ngành Tài chính trong mục tiêu tái cơ cấu hệ thống tài chính theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm góp phần xây dựng nền Tài chính Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu về hội nhập với nền tài chính Thế giới, đồng thời xây dựng một nền tài chính quốc gia vững mạnh./.
(theo www.mof.gov.vn)