Có việc mới, lương cao là việc đáng mừng.Tuy nhiên, bạn không chỉ phải nỗ lực nhiều hơn, hy sinh tương xứng với mức lương mình nhận, mà còn một “sự thật hiển nhiên” có thể vì nó bạn sẽ tự động rút lui: Sự ganh tị của đồng nghiệp.
Ảnh minh họa
“Cái gai” trong Cty
“Cậu này lúc còn bên Cty A chỉ là assistant (trợ lý) hết thời, tự nhiên qua đây được lên lương. Chắc là có những mối quan hệ không bình thường đây!”; “Không biết ở trên nghĩ sao mà trả nó mức lương ngất ngưởng như vậy, để coi rồi nó làm ăn được gì”; “Bạn tôi ngày xưa làm chung với cậu này nói nó chỉ được cái miệng, chứ năng lực thì chỉ xách dép được cho người ta”; “Thật là chướng tai gai mắt!”…
Hàng ngày, Đăng K phải nghe đi nghe lại hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp những câu nói nhức nhối trên. Đã gần được một tháng kể từ ngày Đăng K bước chân vào Cty mới này, những ánh nhìn dành cho anh vẫn không thiện cảm. Nghe nói, lương của người tiền nhiệm tại vị trí này chỉ bằng một nửa lương K hiện tại, và đó cũng là mặt bằng lương của toàn Cty.
Trẻ tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm ứng phó nên K phải chịu đựng tình trạng căng thẳng trong thời gian khá lâu trước khi tìm ra cách cân bằng và thể hiện năng lực chứng minh rằng mình xứng đáng với mức lương được nhận.
“Có mới” khoan “nới cũ”
Người bạn chung phòng trọ của tôi dạo này hay than vãn chuyện Cty, cũng xoay quanh vấn đề lương bổng, người mới người cũ. Cô bạn đối thoại với tôi mà như độc thoại: Nhiệt huyết làm việc và cống hiến cho Cty bay đâu hết trơn.
Số là cô vừa có cuộc “điều tra” và biết lương của nhân viên mới, cũng là nhân viên marketing như cô, cao gần gấp đôi. Hạnh – tên cô bạn – tâm sự: Mình đã làm việc ở đây hơn 2 năm, cống hiến hết mình mà lương chẳng thấy nhúc nhích, trong khi người ta chỉ là sinh viên mới ra trường… Mà thôi, dầu sao người ta cũng tốt nghiệp từ một trường tên tuổi. Học phí đóng bằng tiền “đô” mà…
Hai tuần sau Hạnh xin nghỉ và chuyển sang làm việc cho Cty khác. Hạnh cho biết, không chỉ có cô mà còn nhiều đồng nghiệp khác cũng đã xin chuyển Cty.
Tôi biết Hạnh là một người có năng lực và trách nhiệm. Cô cũng chẳng phải là người hay ganh tị nên chuyện của cô khiến tôi suy nghĩ đến tầm quan trọng của những nhà quản lý và lãnh đạo Cty.
Ở đây, bài toán về lương và nhân sự mới – cũ cần phải được tính toán kỹ lưỡng, ngoài chuyện phải đảm bảo bí mật về lương của mọi nhân viên. Nếu không khéo léo cộng với một chút thiếu công bằng, vấn đề nhân sự của công ty sẽ trở nên rắc rối: Nội bộ lủng củng, người có năng lực ra đi trong tâm trạng chẳng mấy vui vẻ, tiến trình công việc của toàn bộ Cty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Về phần nhân viên mới, dĩ nhiên tự bản thân họ sẽ biết cách nâng cao năng lực làm việc, học hỏi không ngừng nếu không muốn bị đào thải theo một qui luật tự nhiên nhất.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông