Kiến thức Tài chính kế toán Yếu tố ngoại gây áp lực cho kinh tế Việt

Yếu tố ngoại gây áp lực cho kinh tế Việt

19
Mặc dù chủ trưởng đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện, ký hiệp định kinh tế – thương mại với nhiều nước, nhưng không bị lệ thuộc vào một nền kinh tế nào là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực thể của nền kinh tế hiện nay có thể thể thấy, nhiều yếu tố nước ngoài đang ràng buộc kinh tế Việt Nam.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa.

Xuất nhập khẩu – đậm nét bề ngoài 
Xuất khẩu 3 năm qua (2011 – 2013) được đánh giá là phát triển nhanh, toàn diện về quy mô và tốc độ, vượt mục tiêu Đại hội Đảng XI đề ra, là điểm sáng, là lối ra của nền kinh tế. Bởi xét về tốc độ, năm 2011, xuất khẩu tăng 34% so với năm 2010; năm 2012 tăng 18%; năm 2013 tăng 15,4 %. Bình quân trong 3 năm tăng 23,6%/năm, gần gấp đôi mục tiêu 12% cho giai đoạn này. Phần kim ngạch gia tăng bình quân 3 năm qua là 20 tỷ USD/năm, tương đương tổng kim ngạch của năm 2003, (20,176 tỷ USD). Về quy mô, năm 2012 giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 114 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua mốc 100 tỷ USD. Đáng chú ý là, hành trình tới mốc 100 tỷ USD khá nhanh, nếu đến 1988, cả nước mới xuất khẩu được 1 tỷ USD; đến 1999, qua 11 năm mới lên được 10 tỷ USD, nhưng chỉ cần 13 năm đến 2012, Việt Nam đã vượt mốc 100 tỷ USD. 
Nhìn tổng thể tưởng như xuôi chèo, mát mái. Nhưng xem nội hàm thì quy mô, tốc độ tăng trưởng, bộ mặt của xuất khẩu đã đang và sẽ bị ràng buộc bởi yếu tố nước ngoài. Điều này có thể thấy rõ khi những mặt hàng tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam quy mô vẫn nhỏ và tốc độ tăng chậm, giá cả thất thường, có năm còn sa sút so với năm trước, điển hình là nhóm nông, thuỷ sản. Năm 2013, cả nhóm này gồm 9 mặt hàng mà xuất khẩu chỉ bằng 92% của riêng mặt hàng điện thoại. Nhóm này năm 2013 chỉ bằng 94,6% năm 2012. Nhóm hàng nông thuỷ sản trầy trật còn do trong “cơ thể“ của mỗi mặt hàng, yếu tố nước ngoài xâm thực ngày càng lớn. Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản… hàng năm vẫn phải nhập gần hàng tỷ USD thức ăn, thuốc chữa bệnh, máy móc, dụng cụ canh nông. 
Cùng đó, tăng trưởng của xuất khẩu hiện còn bị ràng buộc vào những mặt hàng công nghệ do nước ngoài vào đặt gia công, tổ chức lắp ráp. Máy vi tính, điện tử với tốc độ tăng so với năm trước từ 2011 đến 2013, lần lượt là: 29,6% – 68% – 36,2%. Mặt hàng điện thoại còn “khủng“ hơn khi năm 2010 còn chưa có, năm 2011 đột nhiên đạt giá trị xuất khẩu 6,4 tỷ USD, năm 2012 tăng 98%, năm 2013 tăng 69%. Sự chi phối của mặt hàng nước ngoài này đã thay đổi bộ mặt xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2011 máy vi tính và điện thoại chiếm tỷ lệ 11,4 % tổng kim ngạch xuất khẩu, thì tỷ lệ của hai mặt hàng này năm 2012 – 2013 là 17,9% và 24,4%. Đến nay, điện thoại đã vượt dệt may, dầu thô để chiếm ngôi đầu về xuất khẩu. 
Thị trường lệch pha
Việt Nam hiện có quan hệ với 200 thị trường, nhưng đây chỉ là con số ước lệ vì thực chất chỉ liệt kê được 80 thị trường ổn định, còn lại chưa rõ danh tính hoặc lắt nhắt, gọi theo từ nghiệp vụ thống kê là “chưa phân tổ”. Ngay trong số kê ra cũng chỉ có 5 đối tác đáng mặt “anh hào” là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Năm 2013, riêng 5 đối tác đó chiếm tới 55,9% về xuất khẩu và 63,7% về nhập khẩu của nước ta. Đáng chú ý, dù một thời được coi là hòn đá tảng, nhưng Nga lại chưa được xếp vào nhóm các thị trường lớn của Việt Nam, vì cho tới nay, thương mại hai chiều với Nga chỉ chiếm trên 1% về xuất khẩu và khoảng 0,5% về nhập khẩu của nước ta. 
Trong 5 thị trường trọng điểm nói trên, nhóm “thiên về xuất“ là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản – chiếm 48,7% xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua, nhưng lại làm cho xuất khẩu của ta ràng buộc vào họ. Thế nên khi kinh tế của một nước nào đó “hắt hơi” sẽ khiến Việt Nam “sổ mũi”. Chưa kể, các nước này luôn là đầu trò các vụ kiện chống bán phá giá, bảo hộ sản xuất trong nước, hàng rào kỹ thuật khắt khe, khiến hàng xuất khẩu của ta nhiều phen bầm dập, DN lao đao. 
Ngược lại, nhóm “nặng về nhập” là Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tới 43,8% tổng lượng nhập khẩu của nước ta, trở thành đầu mối nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Số liệu về nhập khẩu từ 2 nền kinh tế này nói trên chỉ là số chính thức qua cơ quan hải quan, còn cơ man là hàng nhập lậu, bằng đủ đường. Chính vì thế, vấn nạn nhập khẩu từ hai đối tác này rất khó để hoá giải. 
DN “ngoại” lấn át
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, việc tăng nhanh của xuất khẩu Việt Nam trong những năm vừa qua chủ yếu dựa vào tăng trưởng của khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tốc độ bình quân là 31%/năm và đóng góp cho tăng trưởng về giá trị tuyệt đối là gần 20 tỷ USD, trong khi khối DN trong nước 3 năm qua xuất khẩu dẫm chân tại chỗ. Năm 2012, 2013 và 6 tháng 2014, trên tổng thể thì Việt Nam xuất siêu, nhưng khối DN trong nước triền miên nhập siêu, còn khối DN có vốn đầu tư nước trực tiếp ngoài vững chãi xuất siêu
Rõ ràng nếu diễn biến này không được can thiệp để thay đổi, thì kinh tế Việt Nam rất khó thoát khỏi sự ràng buộc vào bên ngoài.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không