Ngày 2-7, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ đã tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Y tế biển, đảo: Phát triển bền vững và hiệu quả”.
Buổi tạo đàm trực tuyến.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Cơ hội tiếp cận và quan tâm đến vấn đề sức khỏe, các dịch vụ y tế của người dân biển đảo còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 60%, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.
Ngành Y tế đang tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời hỗ trợ về tài chính, phấn đấu đến đầu năm 2015 tỷ lệ người dân vùng biển đảo tham gia bảo hiểm y tế sẽ đạt 100%.
Theo ông Phạm Lê Tuấn, ước tính đến năm 2020, khoảng 35- 40% dân số toàn quốc sẽ sinh sống tại các vùng biển, hải đảo và ven biển Việt Nam. Việt Nam cần sớm có sự đột phá mạnh mẽ và toàn diện hơn về công tác chăm sóc y tế cho người dân vùng biển, đảo để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”, lực lượng quân y đã sát cánh cùng ngành Y tế chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân sinh sống trên các đảo và ngư dân làm ăn trên biển. Trong năm 2013, các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã khám chữa bệnh, cấp cứu cho hàng chục nghìn bệnh nhân. Bộ Quốc phòng đã điều động nhiều chuyến máy bay, tàu quân sự đưa Đoàn công tác Bộ Y tế khảo sát y tế biển, đảo và vận chuyển cấp cứu nạn nhân về đất liền an toàn.
Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai Đề án cũng nảy sinh một số khó khăn, bất cập như trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo còn khó khăn và thiếu; nhân lực y tế cho các xã đảo, huyện đảo còn khó khăn, chưa có đủ đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành về y học biển.
Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của Đề án 317 gắn với chiến lược biển Việt Nam, do đó chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng với những nội dung của Đề án, còn giao khoán cho ngành y tế trong việc triển khai Đề án. Việc cấp thẻ BHYT cho cư dân trên đảo còn thấp, chỉ đạt gần 60%; phương thức chi trả, giá dịch vụ y tế chi việc cấp cứu, vận chuyển trên biển chưa hợp lý…
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông