Cách đây vài tháng, khi thị trường đang giai đoạn “nóng sốt”, giá của nhiều loại cổ phiếu ở mức cao chóng mặt, lương của các nhân viên công ty chứng khoán cũng leo thang.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, khác với giá cổ phiếu, lương đã lên rồi thì không xuống…
Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán có trụ sở chính tại TP.HCM tiết lộ: “Trước đây, có vị tổng giám đốc một công ty chứng khoán bỏ đi vì đề nghị tăng lương từ 2.000 USD lên 4.000 USD không được đáp ứng”.
Vị chủ tịch này nhận định, lương của tổng giám đốc tăng thì có thể hiểu được bởi họ phải chịu nhiều trách nhiệm và cũng khó tìm nhưng ngay cả lương nhân viên cũng tăng đến mức chóng mặt khiến nhiều công ty chứng khoán, nhất là những công ty chứng khoán mới thành lập gặp khó khăn.
Giám đốc khối nhân sự một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết: “Chỉ cần một nhân viên mới ra trường, vào học việc tại công ty chứng khoán đã phải trả mức lương cỡ 3,5 triệu đồng/tháng. Làm việc được khoảng 3 tháng, một công ty chứng khoán khác mới thành lập “câu” sang với mức lương gấp đôi chưa kể quyền mua cổ phiếu ưu đãi khá lớn. Với tình trạng như hiện nay sẽ đẩy các công ty chứng khoán vào một gánh nặng về lương khá lớn vì doanh thu của hầu hết các công ty chứng khoán mới rất thấp”.
Một số công ty chứng khoán mới thành lập, do nguồn nhân sự có kinh nghiệm về chứng khoán quá thiếu, cộng với sức ép phải có đủ nhân viên có chứng chỉ về chứng khoán nên khá nhiều công ty chứng khoán mới phải tuyển dụng những nhân viên với mức lương mà họ buộc phải chấp nhận nếu muốn đưa công ty vào hoạt động.
Trưởng phòng hành chính một công ty chứng khoán mới thành lập cho biết, mức lương của các nhân viên công ty chứng khoán thường cao hơn khá nhiều so với các ngân hàng. Ví dụ: một phó phòng của ngân hàng quốc doanh lớn, tốt nghiệp ở nước ngoài, kinh nghiệm làm việc 5 năm, mức lương cộng phụ cấp cũng chỉ ở mức 3,5 triệu đồng/tháng; lương phó phòng của một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội, kinh nghiệm trong ngành ngân hàng gần chục năm cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng…
Lãnh đạo cấp cao một công ty chứng khoán tại Hà Nội bộc bạch về chuyện tiền lương: “Một nhân viên mới ra trường không có kinh nghiệm gì, chúng tôi phải đào tạo, dạy dỗ chán mà cứ phàn nàn lương 3 triệu đồng là thấp. Mới làm được vài tháng, có nhân viên đã nói bóng gió lương phải 5 triệu nếu không sẽ bỏ sang công ty chứng khoán khác. Mà nói thật, nhân viên như vậy đã có kinh nghiệm gì đâu, chỉ là đọc lệnh, nhập lệnh vào hệ thống mà thôi”.
Tổng công ty FPT mới thành lập công ty chứng khoán nhưng chế độ đãi ngộ về lương cho các nhân viên của công ty chứng khoán FPT, thậm chí chưa có mấy kinh nghiệm trong ngành chứng khoán, nhưng được trả lương cao hơn cả những trưởng phòng có thâm niên ở FPT được nhiều nhân viên bàn ra, tán vào. Đây là chưa kể đến chuyện quyền mua cổ phiếu ưu đãi vốn luôn là chủ đề cực nóng tại FPT.
Một lãnh đạo của FPT giải thích: “Thị trường nhân sự về chứng khoán buộc chúng tôi phải chấp nhận những điều kiện như vậy nếu chúng tôi muốn thiết lập nhanh bộ máy nhân sự về chứng khoán có khả năng vận hành tốt”.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn bình luận: “Giá cổ phiếu tăng thì có ngày sẽ giảm nhưng tiền lương khi tăng rồi sẽ khó giảm. Ở một góc độ nào đó, bản thân những chứng chỉ chứng khoán hiện nay cũng đang có những giá trị ảo nhất định. Khi cơn sốt chứng chỉ qua đi thì mọi việc sẽ khác”.
Ông này cũng thừa nhận một thực tế: “Không phải nhân viên chứng khoán nào ra đi cũng vì thu nhập cao hơn mà có thể còn vì một yếu tố quan trọng là môi trường làm việc. Ban lãnh đạo của công ty chứng khoán đó phải tự xem lại mình trước”.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông