Kiến thức Tài chính kế toán Sàn giao dịch vận tải ra đời: Hết thời hoạt động vận...

Sàn giao dịch vận tải ra đời: Hết thời hoạt động vận tải “tù mù”

13
Thực hiện Đề án Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông, Sàn giao dịch vận tải đã được xây dựng và sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Việc thành lập và đưa vào hoạt động sàn giao dịch vận tải nhận được sự ủng hộ của nhiều DN.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Sàn giao dịch vận tải sẽ tạo ra nhiều cơ hội làm ăn cho các DN. Ảnh: Trần Việt
Sàn giao dịch vận tải có tên là ViTransPortal (ViTP) viết tắt từ cụm từ Vietnam Transport Portal, được xây dựng với công nghệ điện toán đám mây với ba giao diện điện tử là: Quản lý vận tải; Sàn giao dịch vận tải; Tối ưu hóa vận tải. Sàn giao dịch sẽ là một giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến giúp các DN quản lý và điều hành mọi hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa. ViTP sẽ là sân chơi bình đẳng cho các DN vận tải và các chủ hàng. ViTP rất đơn giản cho người sử dụng, chỉ cần một máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc một điện thoại smartphone có kết nối internet là có thể truy cập và sử dụng các dịch vụ của ViTP.

DN dễ dàng tìm kiếm bạn hàng
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT đã giao cho các DN, chủ trì là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xây dựng dự án Sàn giao dịch vận tải. Trong tháng 7-2014 sàn giao dịch vận tải này sẽ được đưa lên mạng của Bộ GTVT để tạo điều kiện cho các DN kết nối lẫn nhau.
Mục đích của việc xây dựng Sàn giao dịch vận tải là nhằm giảm chi phí cho nhân lực điều hành vận tải; nâng cao hiệu suất vận tải; minh bạch hóa hoạt động vận tải, đơn giản hóa giấy tờ; tạo nền tảng cho các cơ quan chức năng quản lý và giúp đỡ tốt hoạt động kinh doanh vận tải; góp phần nâng cao an toàn giao thông… Đặc biệt, sàn giao dịch này tạo điều kiện kết nối, tăng doanh thu cho các DN tham gia sử dụng. Sàn vận tải sẽ tư vấn cho DN biết nếu cần chở hàng này thì đi theo hướng nào, DN chủ hàng nên đi phương tiện gì, DN nào có thể kết nối nhanh nhất.
Thông tin sàn giao dịch vận tải sắp được đưa vào hoạt động đã nhận được sự quan tâm của các DN vận tải cũng như các DN chủ hàng. Ủng hộ chủ trương này của Bộ GTVT, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc đưa sàn giao dịch vận tải vào hoạt động là rất cần thiết, tuy muộn so với sự phát triển của ngành vận tải hiện nay nhưng nó tạo ra tiền đề đưa đến sự phát triển ngày càng quy mô, hiện đại của ngành vận tải. 
“Có thể ban đầu sàn giao dịch này sẽ tạo được sự kết nối với các DN có thương hiệu, có số lượng đầu xe lớn, có sự quản lý tốt. Khi sàn này tạo ra khối lượng công việc lớn, tạo ra nhiều công ăn việc làm thì các DN nhỏ khác sẽ tham gia. Sàn này sẽ là cơ sở để phát triển ngành logistics, gia tăng kết nối giữa các DV vận tải hàng hóa cũng như DN chủ hàng, tạo ra sự kết nối giữa vận tải đường biển, đường bộ và đường sắt”, ông Liên nhận định.
Cũng theo ông Liên, phát triển kinh tế vận tải của chúng ta còn manh mún, chưa áp dụng được CNTT cho sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, một số DN cũng thành lập sàn giao dịch nhưng không hoạt động được hoặc hoạt động không hiệu quả, do năng lực, trình độ quản lý của các DN còn hạn chế, tổ chức của các DN chưa chính quy…
Nhận xét về mô hình này, ông Triệu Văn Nghệ, Phó phòng khai Hải quan, Công ty tiếp vận Thăng Long cho rằng, sàn giao dịch vận tải sẽ có tác dụng rất tốt đối với các DN. Thông tin về các DN vận tải cũng như các DN chủ hàng có nhu cầu vận tải hàng hóa sẽ được cập nhật lên mạng. Theo đó, các DN có nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ có nhiều cơ hội để tìm hiểu về các nhà vận tải một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn từ đó tìm được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất. Với các DN vận tải, việc tìm kiếm khách hàng cũng trở nên dễ hơn trên sàn giao dịch này.
Cần có cơ chế kiểm soát thông tin
Hầu hết các DN khi được hỏi đều cho rằng, việc đưa sàn giao dịch vận tải vào hoạt động là cần thiết, vì “hoạt động vận tải không thể tù mù mãi được”. Không chỉ giúp giảm thời gian cho các DN khi tìm hiểu thông tin lẫn nhau, mô hình sàn giao dịch này sẽ giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các DN. 
Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ mô hình sàn giao dịch vận tải, có những ý kiến băn khoăn, nghi ngại về việc kiểm soát thông tin đăng tải trên sàn giao dịch cũng như chế tài xử lý nếu các DN vi phạm, tránh gây ra tình trạng lộn xộn. Cho rằng sàn giao dịch này rất tốt cho các DN, nhưng ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Tín Vinh nhấn mạnh để sàn hoạt động có hiệu quả, các DN khi đăng ký trên sàn phải là những DN vận tải có uy tín, giá cả công khai cạnh tranh. “Hạn chế của việc chào giá trên sàn điện tử là giá cả thường không thật, trừ những DN có tiếng, có thương hiệu. Chính vì vậy, để tạo động lực và lấy được niềm tin của khách hàng, thông tin mà các DN đưa lên mạng giao dịch điện tử phải được kiểm soát. Trong trường hợp nếu DN vận tải có sai phạm, khách hàng có quyền phản ánh và phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm DN sai phạm”, ông Thịnh nêu ý kiến.
Thông tin đăng tải không chính xác cũng là lo ngại của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong (VIP) khi ông cho rằng “chỉ sợ một số DN cố tình cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ giá phải là 1 đồng thì ông lại chào giá 9 hào, mặc dù như thế là tự mình giết mình”.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng tính công khai minh bạch của sàn giao dịch rất tốt, nhưng trong xã hội có mặt tiêu cực, chủ hàng, chủ phương tiện móc nối với nhau để có lợi ích, cho nên chưa chắc việc công khai đã phù hợp với mục đích của họ. Hiện nay các DN vận tải vẫn bí mật giá với nhau, họ ít khi công khai giá mà thường tìm đến các chủ hàng để làm giá trực tiếp.
“Nhưng tôi cho rằng hoạt động của sàn giao dịch dần dần sẽ vào quy củ. Tôi hy vọng mô hình này sẽ thành công. Khi hàng hóa vào Việt Nam ngày càng lớn, người ta sẽ tìm đến các tập đoàn vận tải, các công ty logistics chân chính, các DN làm ăn nghiêm túc. Sàn sẽ hạn chế tình trạng áo gấm đi đêm, phá giá lẫn nhau cạnh tranh không lành mạnh, manh mún, “mài lốp để ăn”, tự mình hại mình như thời gian qua”, ông Liên nhận định.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không