Kiến thức Đào tạo Nhân viên mới: Nỗi khổ chẳng giống ai

Nhân viên mới: Nỗi khổ chẳng giống ai

50
Tốt nghiệp ra trường, để tìm được một công việc phù hợp với bản thân là điều không hề dễ. Nhưng với nhiều nhân viên mới, ngày đầu đi làm họ cũng chẳng sung sướng gì.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Tốt nghiệp trường Đại học danh giá với tâm bằng ưu trên tay, Lan nhanh chóng xin vào một tập đoàn nước ngoài lớn ở Việt Nam. Thế nhưng ngày đầu đi làm cô mới biết công việc mà những lí thuyết cô được học ở trường dường như chẳng hề liên quan đến nhau.
Đã thế, cô còn chẳng thể hỏi được gì từ những người trong phòng của mình. Hỏi đến ai, họ cũng lạnh te cái mặt rồi tảng lờ ra vẻ bận công việc không nghe mình hỏi, có chị còn nói thẳng với Lan: “Có thế mà cũng không làm được thì xin nghỉ đi!” làm Lan càng tủi thân, ấm ức. May mà chị trưởng phòng tốt bụng chỉ cho Lan một vài gợi ý giúp cô hoàn thành bản hợp đồng đầu tiên trong ngày đầu đi làm. Giờ mỗi lần nhớ lại, Lan vẫn thấy một tháng đầu đi làm, quay cuồng với đống giấy tờ công sở dài tựa một năm vậy!
Không học giỏi như Lan, Ngọc chỉ tốt nghiệp với tấm bằng loại khá nhưng Ngọc may mắn hơn Lan khi vừa ra trường đã được vào làm đúng chuyên ngành của mình. Chả là nhà Ngọc có ông bác họ quen biết được vị phó giám đốc trong công ty này nên xin được cho Ngọc vào làm. Ai cũng bảo số Ngọc sướng, ra trường không mất đồng nào xin việc lại được vào làm theo đúng chuyên ngành… Nhưng trên đời này đúng là cái gì cũng có cái giá của nó!
Ngoài việc bưng nước, pha trà, dọn dẹp cả phòng hàng ngày, Ngọc còn bị các anh chị trong phòng biến thành chân sai vặt. Lúc thì “nhà chị có việc gấp phải về sớm, em làm nốt hộ chị đống giấy tờ hợp đồng”, lúc thì “ba chị ốm, em làm thay chị mục A, mục B trong bản dự thảo hợp đồng”. Đã thế, Ngọc còn luôn phải nghe những lời nói xấu sau lưng từ các chị đồng nghiệp. Biết thân, biết phận là nhân viên mới nên Ngọc cũng chẳng dám ho he, chẳng dám ý kiến nhưng mấy “ma cũ” thấy vậy lại còn được đà nói xấu Ngọc nhiều hơn. Đã có lần, cô nghe thấy các đồng nghiệp thân thiết đàm tiếu về mình như: “Khiếp đã xấu hình thức lại còn xấu cả nội dung, mồm ăn thì có, mồm nói thì không, vào được công ty này chẳng qua là có ô dù thôi không thì giờ này chắc cũng đi rửa bát ở ngoài chợ rồi…”. Ngọc tâm sự: “Có lúc mình ngồi khóc một mình ở công ty vì tủi thân, cũng đã có lần định bỏ cuộc, nhưng lần nào gọi điện về mẹ mình cũng động viên mình cố gắng chịu đựng, mình không nghĩ là nhân viên mới mà có người thân giúp lại khổ đến thế”.
Khác với Lan, Ngọc, Hoa lại mang nỗi ám ảnh vì bị “ma cũ” công sở bắt nạt. Ngày đầu tiên, anh phụ trách nhân sự dẫn Hoa tới gặp người sẽ quản lý trực tiếp cô. Đó là một chị ngoài 30 tuổi, sành điệu, hiện đại nhưng khuôn mặt lạnh tanh.
Anh phụ trách vừa đi khỏi, vừa mới ổn định được chỗ ngồi, Hoa đã nhận ngay chỉ thị của chị quản lý đi photo tập tài liệu dày cộp. Mà đâu chỉ có tài liệu làm việc của cơ quan, Hoa thấy trong đó còn có tài liệu học cao học của chị và của bạn bè chị. Mỏi chân đứng trước máy photo hơn 1h đồng hồ, Hoa mới photo xong đám tài liệu.
Suốt ngày đầu tiên ấy, không biết Hoa đã phải ra làm bạn với cái máy photo bao nhiêu lần nữa để sao cóp đủ thể loại tài liệu. Lại còn chưa kể đến những phần việc chuyên môn mới được giao thêm mỗi ngày. “Chắc buổi tối phải về nhà đọc lại” – cô tự nhủ. 
Những ngày sau đó, Hoa liên tục bị chị trưởng phòng bắt làm hết việc này đến việc khác như một con thoi. Cố gắng lắm Hoa mới làm xong được đám công việc còn tồn đọng. “Ở đây cũng chẳng có vẻ gì muốn đón nhận người mới vào phòng, dù xét cho cùng, nếu phòng có thêm người san sẻ công việc thì họ cũng đỡ vất vả phần nào”, Hoa chia sẻ. Hoa có cảm giác, mọi người không muốn chia sẻ với cô trong công việc cũng như mọi hoạt động khác của phòng. Hoặc là tìm hiểu về công ty, hoặc là làm mấy việc linh tinh, làm “chân điếu đóm” cho phòng, chấm hết.
Khi Hoa thắc mắc, mọi người lại mắt tròn mắt dẹt nhìn cô cứ như thể cô là người ngoài hành tinh vậy. Rồi công việc cũng được giao cho Hoa nhưng nếu như nhiệm vụ và chuyên môn chính của cô là viết bài PR cho các dự án thì sếp lại yêu cầu cô viết đề án, lên kế hoạch marketing năm mới cho công ty. Chưa bao giờ làm nên đương nhiên, Hoa phải tham khảo và hỏi han thêm kinh nghiệm cũng như ý kiến của mọi người. Thế nhưng, chưa kịp hỏi xong, Hoa đã bị bật lại “Hỏi thế thì còn gì là sếp giao cho cô nữa, thà để chúng tôi làm còn hơn. Với cả, đây là việc dễ nhất, không làm được thì còn làm cái gì ở đây”. Nghe thất vậy, Hoa như “chết lặng”. Chẳng hiểu sao các đồng nghiệp của mình lại đón nhận nhân viên mới theo hướng đó. Hai tháng sau, Hoa đành xin nghỉ việc vì chẳng thể nào có được cái may mắn chiếm được cảm tình và hòa đồng được với đồng nghiệp. Sau này, Hoa mới biết, ai là nhân viên mới ở công ty đó đều phải chịu sự lạnh nhạt của mọi người, và cô cũng không phải là ngoại lệ.
Còn Nam, sau khi tốt nghiệp Nam gửi đi rất nhiều bộ hồ sơ nhưng mãi gần một năm sau Nam mới xin được một công việc trái ngành là làm nhân viên kinh doanh cho một công ty sản xuất đồ gia dụng. Nam chạy xe khắp nơi gặp gỡ khách hàng, học cách kí hợp đồng, xuống xưởng xem sản phẩm… May mắn cho Nam là cậu kí được 2 bản hợp đồng nhỏ. Thế nhưng dù đã có hợp đồng nhưng sếp của Nam vẫn bảo cậu phải mất 1 tháng để thử việc, hợp đồng cậu kí được là những hợp đồng nhỏ nên cậu không hề có lương. Nam nghĩ đến tiền xăng xe đi lại, công sức bỏ ra nhiều mà một đồng lương cũng không có nên cậu đành nghỉ việc. “Đúng là kiếm được đồng tiền vất vả thật đấy, giờ vào công ty nào nhân viên mới cũng phải học việc ít nhất một tháng, khổ lắm!”, Nam chia sẻ.
Thiết nghĩ vì là nhân viên mới nên cái gì cũng lạ. Họ cần rất nhiều những lời khuyên và những lời động viên từ những người đi trước nơi làm việc. Vả lại, suy cho cùng, ai cũng là người phải bắt đầu đi từ con số 0 rồi dần dần mới có kinh nghiệm. Đặt mình vào vị trí của những người mới để cảm thông và chia sẻ những khó khăn họ mới gặp phải thì chắc chắn chốn văn phòng sẽ “dễ thở” và làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không