Kiến thức Chiến lược Việt Nam vẫn là thị trường đầy sức hút

Việt Nam vẫn là thị trường đầy sức hút

5
Trong dài hạn, Việt Nam vẫn là thị trường tạo ra giá trị hấp dẫn, dù kể từ sau năm 2009, thị trường chứng khoán đã sụt giảm nhưng ít hơn so với thị trường khác.
Nhà đầu tư huyền thoại – Tiến sĩ Marc Faber đã nhìn nhận về tiềm năng của thị trường Việt Nam như vậy trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF 2014) “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 19/6.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Các nhà đầu tư trao đổi tại VIF 2014

Không chỉ Marc Faber mà các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài khác đều có chung đánh giá về mức độ hấp dẫn của thị trường, bất kể tình hình căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Don Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital (đơn vị đang quản lý 4 quỹ đầu tư tại Việt Nam, trong đó có 3 quỹ đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn) dẫn giải, Việt Nam đã đi qua giai đoạn 2010 – 2012 một cách gập ghềnh nhưng đến năm 2013, niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) đã quay trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 22%và mạnh mẽ nhất là vào thời điểm tháng 3/2014.
Đã có không ít câu hỏi được đặt ra tại diễn đàn, rằng với những diễn biến trên Biển Đông hiện nay, liệu NĐT có dám bỏ tiền vào thị trường Việt Nam nữa không? Đại diện VinaCapital cho rằng, vụ giàn khoan Hải Dương 981 đã tác động đến tâm lý của NĐT nhưng chủ yếu là NĐT Việt Nam. Trong tháng 5, NĐT trong nước đã bán ròng, giá cổ phiếu đi xuống và NĐT nước ngoài đã không bỏ lỡ cơ hội này.
Cụ thể, theo thống kê giao dịch trên hai sàn (HOSE và HNX), khối ngoại đã mua ròng 18 phiên liên tiếp, họ đã rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam hơn 120 triệu USD để mua cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn, có tốc độ tăng trưởng ổn định như: Masan (MSN), Đạm Phú Mỹ (DPM), Vietcombank (VCB)…
Điều đó chứng tỏ NĐT ngoại vẫn tin tưởng vào những nền tảng cơ bản của kinh tế Việt Nam. Hiện, chỉ số P/E của toàn thị trường ở mức xấp xỉ 13,2 lần; thấp hơn so với khu vực (ở mức trên 18 lần) và đây vẫn là mức hấp dẫn NĐT.
Ngoài ra, trong khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam là điểm đến được NĐT tin tưởng và đánh giá cao trên phương diện ổn định chính trị, quy mô dân số và giá cả lao động cạnh tranh với nhiều thị trường khác. Việt Nam đã nhận được cam kết đầu tư cao nhất trong khu vực ASEAN và chỉ đứng thứ 3 khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Những diễn biến gần đây cho thấy, các nhà đầu tư châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn tiếp tục dành mối quan tâm cho Việt Nam. Điển hình như nhà sản xuất các thiết bị di động Samsung (Hàn Quốc) đã tăng vốn đầu tư vào thị trường với con số hơn 5 tỷ USD. Đồng thời, NĐT này cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD vào tổ hợp công nghệ Samsung tại Bắc Ninh.
Mặt khác, theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán với NĐT của hơn 10 dự án có quy mô vốn trên 2 tỷ USD, dự kiến sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.
Như vậy, sự ổn định của dòng vốn đầu tư dài hạn này cùng với chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng – một chỉ số dự báo các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam) trong 9 tháng qua luôn trên 50 điểm chứng tỏ khu vực sản xuất tiếp tục tốt và các điều kiện kinh doanh đang được cải thiện. Song song đó, sự hồi phục của thị trường bất động sản từ nửa cuối năm 2013 đến nay là những tích hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, các NĐT cũng khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho thị trường Việt Nam trước những thị trường mới nổi khác như: Indonesia, Myanmar, Malaysia…
Tiến sĩ Marc Faber cho rằng, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn tất các thủ tục đầu tư là một trong những yếu tố tác động đến mức thanh khoản của thị trường và giữ chân được NĐT ngoại.
Ngoài ra, Chính phủ nên tạo điều kiện hơn nữa cho khu vực kinh tế tư nhân, vì cùng với NĐT nước ngoài, đây là đòn bẩy cho kinh tế Việt Nam phát triển.
Trong khi đó, một số NĐT lại bày tỏ lo ngại, nếu các quy định, luật chậm cải tiến sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ; cũng như tình hình nợ xấu nếu không được kiểm soát tốt cũng dẫn đến những tác động tiêu cực cho thị trường.

Theo DNSG

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không