Kiến thức Chiến lược Cần phá tan kỳ vọng tiếp tục phá giá tiền đồng

Cần phá tan kỳ vọng tiếp tục phá giá tiền đồng

2
Sau khi tỷ giá USD/VND tăng thêm 1%, “đồng bạc xanh” trên thị trường đã xác lập mặt bằng giá mới. Đại biểu Quốc hội cho rằng, điều chỉnh tỷ giá là cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu và sẽ không làm đồng Việt Nam yếu đi.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Điều chỉnh tỷ giá là cần thiết.

Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, đồng thời là chuyên gia về kinh tế Trần Hoàng Ngân, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá là cần thiết. Ông Ngân nói: “Tỷ giá trên thị trường những ngày gần đây đã liên tục áp sát trần. Một khi trần bị đụng liên tục thì sẽ vỡ trận, vì vậy phải có chính sách điều chỉnh. Theo tôi nghĩ, điều chỉnh liều lượng 1% là cần thiết. Nhưng NHNN phải bám sát thị trường và phải can thiệp bằng mọi giá, không được để sự kỳ vọng rằng NHNN sẽ tiếp tục phá giá nữa. Cơ quan điều hành phải phá tan tâm lý đó và phải can thiệp, giữ tỷ giá ổn định trong cái khung mà chúng ta quy định”.
Ông Ngân cũng cho rằng, đối với hoạt động kinh doanh thì việc tỷ giá tăng thêm 1% là khá quan trọng, và 1% với ngoại tệ là quan trọng. Điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp và của người dân.
Còn theo đại biểu Trần Du Lịch, đồng thời là chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc điều chỉnh tỷ giá “là bình thường, thể hiện sự linh hoạt của NHNN. Về tác động xuất khẩu, nếu mức điều chỉnh 1% thì sẽ không có tác động lớn. Điều này chỉ liên quan đến cung cầu trên thị trường và cũng phù hợp với sự trượt giá trong vài năm gần đây của tiền Việt Nam. Vì vậy điều chỉnh này cũng chỉ nằm trong dự báo và không phải là thay đổi chính sách tỷ giá, không liên quan đến thay đổi chính sách tỷ giá và 1% là nằm trong biên độ”.
Đồng tình với việc trần tỷ giá tăng thêm 1% nhưng theo đề xuất của TS.Trần Hoàng Ngân, NHNN cần có sự điều chỉnh cần phải linh hoạt hơn, không phải chỉ điều chỉnh tăng mà còn có khi phải điều chỉnh giảm. “Có như vậy mới tránh được đầu cơ, ví dụ như giá xăng dầu hiện nay, có khi chúng ta điều chỉnh lên có khi điều chỉnh xuống. Trong cung cầu ngoại tệ, đã gọi là giá cả thì phải theo cung cầu, phải điều hành linh hoạt theo cung cầu”, ông Ngân nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo TS.Trần Hoàng Ngân, “tỷ giá còn phục vụ cho mục tiêu điều hành hoạt động của nền kinh tế. Hiện nay, xuất khẩu đang có những khó khăn nhất định, do vậy việc chúng ta điều chỉnh tỷ giá nhằm mục tiêu này quan trọng hơn. Tuy nhiên, đừng để tỷ giá này tác động ngược lại đến giá cả hàng hóa trong nước, tác động đến giá cả của mặt hàng nhập khẩu, từ đó gây đến bất ổn về giá cả. Vì vậy, NHNN phải giám sát điều này, các Bộ Tài chính, Công Thương … cũng phải có trách nhiệm cùng NHNN để đạt mục tiêu của việc điều chỉnh là hỗ trợ xuất khẩu, để đảm bảo được cân đối ngoại tệ, cân đối được cán cân trong thời gian tới”.
Đề xuất những biện pháp can thiệp thị trường, nếu sức ép về tỷ giá trên thị trường tiếp tục tăng, kỳ vọng phá giá vẫn còn, ông Ngân nhấn mạnh tới việc “phải thực thi nghiêm túc Pháp lệnh quản lý ngoại hối, phải kiểm tra và ko để tồn tại hiện tượng mua bán đầu cơ ngoại tệ trái pháp luật. Đặc biệt, NHNN phải can thiệp vào thị trường, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nguồn cung ngoại tệ để có thể cung cấp theo yêu cầu chính đáng của người dân cũng như các tổ chức kinh tế, không để hiện tượng có người mua mà không có người bán. Hiện nay, cán cân thanh toán quốc tế của chúng ta đang thặng dư tới hơn 10 tỷ USD, do đó, chúng ta có thể can thiệp để điều hành tỷ giá theo ý muốn chủ quan của mình”.
Bày tỏ quan điểm về chính sách điều hành tỷ giá, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh thêm: “NHNN đủ sức can thiệp theo tỷ giá mình muốn và hành động này là chủ động, nằm trong lộ trình. Với tư cách một người nghiên cứu, ngay từ đầu năm, quan điểm của tôi là tỷ giá điều chỉnh biên độ khoảng 2% là phù hợp với mọi quan hệ kinh tế. Tôi nghĩ rằng vẫn còn dư địa để làm việc này. Còn NHNN có làm hay không thì là do họ. Với tình hình thị trường cung cầu ngoại tệ hiện nay và tiềm năng dự trữ của NHNN thì việc kiểm soát giá là nằm trong tầm của NHNN. Tình hình thị trường hiện nay không còn giống như vài năm trước đây”.
Tăng tỷ giá không làm đồng Việt Nam yếu đi
Theo đánh giá của HSBC, tỷ giá USD/VND được NHNN điều chỉnh từ 21.036 đồng lên 21.246 đồng, tương đương mức điều chỉnh 1%, không phải là điều bất ngờ lớn khi cặp tiền tệ này đã được giao dịch ở mức trần trong thời gian qua.
“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng trong năm tới VND vẫn được giữ tương đối ổn định với dòng ngoại hối cân bằng hơn và dự trữ ngoại hối đang ở mức tốt hơn. Tuy nhiên lãi suất thực tế giảm có khả năng gây ra rủi ro cao hơn khi lực cầu và lạm phát bắt đầu tăng trở lại. Dù chúng tôi từng dự đoán rằng VND sẽ được giữ ổn định so với USD trong năm nay nhưng chúng tôi cũng vẫn luôn thận trọng với những rủi ro xuất phát từ chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, sự điều chỉnh nhỏ lần này của VND sẽ không làm VND suy yếu nhiều”, HSBC nhấn mạnh.
Theo HSBC, đồng Việt Nam đã được hỗ trợ tốt hơn bởi ngoại hối vào Việt Nam cân bằng hơn trong năm ngoái. Cán cân xuất nhập khẩu được giữ mức trung lập nhờ vào tình hình xuất khẩu cải thiện cũng như mức tăng trưởng nhập khẩu ít hơn. Thêm vào đó, nguồn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trở lại và đạt mức trung bình một tỷ USD/tháng trong năm nay. Chính những dòng chảy này đã giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Theo ước tính của HSBC, dự trữ ngoại hối đã tăng gần 10 tỉ USD trong năm ngoái.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng, lãi suất thực tế đã bị đẩy gần ngưỡng âm trong mấy tháng gần đây và tính thanh khoản của VND trên thị trường trong nước tương đối dôi khi lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ. Điều này dẫn đến lực cầu USD tăng do khoảng cách lãi suất của hai loại tiền tệ này bị thu hẹp. Dù chúng tôi không nghĩ việc điều chỉnh tỷ giá mới này có ảnh hưởng nhiều tới tương lai của VND, nhưng chắc chắn sẽ có rủi ro nếu chính sách chuyển sang quá nới lỏng và dẫn tới quan ngại về việc tiền đồng sẽ tiếp tục mất giá và lạm phát tăng cao.

Theo dân trí

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không