Theo quan sát, diễn biến của thị trường vẫn đang duy trì nền giá khá ổn định, tích cực. Dòng tiền đầu cơ đã luân chuyển từ cổ phiếu đầu cơ sang các cổ phiếu lớn, giúp chỉ số tăng dần đều chứ không mang tính đột biến của khối lượng giao dịch. Hiệu ứng tâm lý được xem là khá tốt, cộng với lực mua vào của khối ngoại sẽ giúp thị trường phản ứng tích cực hơn.
Theo quan sát, diễn biến của thị trường vẫn đang duy trì nền giá khá ổn định, tích cực. Nguồn: internet
Trong tuần qua, thanh khoản khá ổn định, tạo cơ hội cho nhà đầu tư. Dự kiến, thanh khoản trong tuần này sẽ còn tiếp tục tăng với hoạt động giao dịch của các ETFs. Dòng vốn ngoại tiếp tục gắn bó với thị trường, họ thường có xu hướng gia tăng mua vào khi giảm điểm. Các chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ tích lũy ở vùng giá mới trước khi tăng tốc, đột phá.
Giao dịch sôi động
Các quỹ ETF sẽ tiến hành cơ cấu danh mục trong tuần này với hoạt động mua bán được dự báo là khá sôi động và nhộn nhịp. Tương tự, những kỳ đảo danh mục trước, các ETFs sẽ tập trung mua và bán vào phiên thứ 6 (20/6) với tỷ trọng lớn và sẽ khiến diễn biến giao dịch của phiên này rất khó lường.
Quỹ ETF VNM sẽ mua ròng 370 tỷ đồng, nhiều khả năng thị trường sẽ có sóng nhưng không quá mạnh. Tính đến cuối tháng 5, các quỹ ETFs vẫn được rót vốn đều đặn. Khối lượng chứng chỉ quỹ của FTSE ETF tăng thêm 1,1 triệu đơn vị, còn Vaneck ETF tăng thêm 800.000 đơn vị.
Các chuyên gia đều cho rằng tác động đảo danh mục của các quỹ ETF là không lớn. Quỹ FTSE ETFs đã công bố thêm vào HVG, nhưng cổ phiếu này đã không tăng mà lại bị xả rất mạnh.
Cổ phiếu PET dù bị loại ra, nhưng lại có xu hướng tăng giá nhẹ dù thanh khoản vẫn thấp. Thị trường giai đoạn này thường tăng giảm bởi dòng tiền đầu cơ, chứ không quá tập trung vào quỹ ngoại.
Hiện vai trò của các quỹ đầu tư (không phải ETFs), các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán (CTCK)… và các nhà đầu tư lớn khác sẽ quyết định xu thế của thị trường. Hơn nữa, hai quỹ này đã bị các chuyên gia trong nước “bắt bài” phán đoán và dự báo khá chính xác, nên giao dịch mua bán theo các quỹ này gần như không còn hiệu quả.
Tuy nhiên, các quỹ ngoại tăng tỷ trọng các cổ phiếu tại Việt Nam lên 70% tương ứng mua vào khoảng 22,8 triệu USD (khoảng 484,4 tỷ đồng), trong đó, tỷ trọng của STB trong danh mục đã tăng tương ứng lên 8%.
Như vậy, VNM ETF sẽ mua thêm 3,53%, tương ứng mua vào khoảng 18,8 triệu USD (khoảng 399,5 tỷ đồng – theo tỷ giá niêm yết là 21.245) với khối lượng cần mua thêm là 19,39 triệu đơn vị. Do đó, khả năng sẽ ảnh hưởng đến giá của STB trong ngắn hạn và sẽ tác động tích cực đến thị trường.
Trong giai đoạn hiện tại, khi thanh khoản chưa thực sự bùng nổ, nhà đầu tư hạn chế bán ra và có dấu hiệu mua gom dần cổ phiếu. Chỉ cần một vài phiên giao dịch khởi sắc, bùng nổ ở những cổ phiếu tốt thì sẽ thu hút thêm dòng tiền tham gia vào thị trường.
Vì vậy, nhiều khả năng sóng tăng có thể chạm vùng 585 – 590 điểm. Hiện dòng vốn nội vẫn chưa thể có kênh đầu tư nào hiệu quả hơn_khi lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, thị trường bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, vàng và ngoại tệ dù có thời điểm tăng giá do đầu cơ nhưng với dự trự ngoại hối dồi dào cùng với quyết tâm bình ổn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì các loại hình này cũng không hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao. Trong khi đó, chứng khoán vẫn kỳ vọng về nới “room” cho nhóm ngành chứng khoán sẽ tạo ra hưng phấn trong một vài phiên khi được công bố chính thức.
Thị trường vẫn tích cực
Chỉ số VN-Index đang đứng trước ngưỡng kháng cự 580 và HNX là 80 trong tuần tới. Chứng khoán SHBS tiếp tục giữ quan điểm lạc quan khi chứng kiến dòng tiền đang chảy vào từ từ nhưng khá vững, có dấu hiệu tăng dần qua các phiên, và luân chuyển qua từng nhóm cổ phiếu.
Tuần tới, rất có thể dòng tiền sẽ tiếp tục tăng dần tập trung vào nhóm các cổ phiếu bất động sản do các thông tin khá tích cực trong thời gian gần đây sẽ kích thích dòng tiền vào nhóm các cổ phiếu vốn rất nhạy cảm này. Ngoài ra, các dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quý II cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư đang muốn gia nhập thị trường.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MayBank KimEng, nhận định: Nếu vượt qua được vùng này, mục tiêu của hai chỉ số lần lượt là 600 và 83-85 điểm. Trường hợp kháng cự không vượt qua được, VN-Index và HNX-Index có khả năng điều chỉnh dần về hỗ trợ lần lượt là 540-550 và 71-73 điểm.
Theo nhận định chung, thị trường tuần trước vẫn còn lưỡng lự cũng như thận trọng nhất định trong giao dịch của nhà đầu tư khiến cả hai chỉ số không thể tăng mạnh được. Hầu hết các lệnh bán ra chỉ chọn giá cao nên vẫn là thách thức với cầu mua vào và chỉ những cổ phiếu nào tăng giá mạnh mới tạo ra mức thanh khoản cao.
Trong tuần này, khả năng tăng có thể tiếp tục được duy trì, nhưng lực tăng yếu dần và có thể có phiên điều chỉnh giảm do gặp các ngưỡng cản mạnh. Hiện thị trường vẫn còn sóng đầu cơ mạnh, cùng với cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu được các quỹ ETFs mua vào mạnh sẽ là tâm điểm của giao dịch tuần tới. Nhiều khả năng, tuần tới cũng sẽ là tuần tăng điểm với nỗ lực leo dốc cuối cùng của VN-Index trước khi điều chỉnh.
Cho dù vẫn nhiều ý kiến tăng giảm trên thị trường về thanh khoản, gặp ngưỡng kháng cự mạnh, rủi ro có thể tăng lên… Tuy nhiên, việc dòng tiền luân chuyển nhanh, giúp chỉ số cũng như giá của cổ phiếu vẫn tiếp tục nhích nhẹ thì vẫn được xem là tích cực cho thị trường.
Nếu như những nhịp giảm nhẹ xuất hiện, lực cầu mua vào sẽ xuất hiện tranh thủ mua được với giá hợp lý giúp cho thị trường trở nên vững hơn. Vì thế, khi các quỹ ETF giao dịch mạnh hơn sẽ giúp cho thanh khoản cải thiện và điều đó cũng sẽ thúc đẩy các giao dịch từ NĐT nội mạnh hơn. Đây sẽ là điểm tích cực của thị trường.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông