Trong thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực của cơ quan Thuế các cấp là triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện người nộp thuế chấp hành chính sách pháp luật thuế. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít hạn chế tạo dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của ngành Thuế.
CBCC Cục Thuế Sơn La hướng dẫn người nộp thuế. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.
Cụ thể, Tổng cục Thuế đã chỉ ra những tồn tại như: Trả lời, xử lý các kiến nghị, vướng mắc của người nộp thuế chưa kịp thời, thống nhất; Công tác thanh, kiểm tra thuế còn chậm ban hành kết luận, thường kéo dài thời gian; công tác hoàn thuế chưa kịp thời dẫn tới ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; Vẫn còn hiện tượng cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người nộp thuế, vi phạm, kỷ cương, kỷ luật của Ngành.
Do vậy, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản lý thuế góp phần cải thiện tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao trách nhiệm công chức thuế trong thực thi công vụ, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh, thành phố thực hiện ngay 7 giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường kỷ cương kỷ luật trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tới tất cả CBCC thuế. Rà soát, phân loại và triển khai xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc mà người nộp thuế có văn bản kiến nghị giải quyết. Từ nay trở đi, khi tiếp nhận văn bản đề nghị giải đáp, hỗ trợ của người nộp thuế, các phòng chức năng có trách nhiệm giải quyết kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định trong Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật về thuế liên quan. Trường hợp nội dung vướng mắc chưa được quy định rõ hoặc chưa có quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì phải báo cáo cơ quan Thuế cấp trên và báo cho người nộp thuế biết để thuận tiện liên hệ. Đơn vị nào có CBCC không chấp hành các quy định này, gây khó khăn, phiền hà, cố tình kéo dài thời gian trả lời, giải đáp gây thiệt hại cho người nộp thuế, thất thu NSNN thì công chức được phân công trực tiếp nhiệm vụ và thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an ninh, trật tự, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ DN, góp phần ổn định đời sống của người lao động trên địa bàn. Đối với Cục Thuế địa phương, nơi có DN bị thiệt hại vừa qua thì phải cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với từng DN bị tổn thất để nắm rõ thông tin về tình hình thiệt hại, kịp thời hướng dẫn DN thực hiện các chế độ, chính sách. Đồng thời, hướng dẫn DN việc khôi phục, xác nhận, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kê khai và nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế và thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để người nộp thuế hiểu biết và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế, giúp người nộp thuế hiểu rõ trình tự xử lý trả lời vướng mắc giải quyết khiếu nại về thuế, hạn chế văn bản đề nghị vượt cấp. Kiện toàn bộ phận “Một cửa”, đường dây nóng thông qua việc bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận và giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế. Thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất về việc thực thi công vụ của cán bộ thuế cũng như việc chấp hành chính sách pháp luật thuế của người nộp thuế.
Thứ tư, thực hiện triệt để quy định của Tổng cục Thuế về phân cấp trách nhiệm cho các Cục Thuế, Chi cục Thuế trong việc hướng dẫn, trả lời các vướng mắc về chính sách thuế và quản lý thuế của người nộp thuế, cơ quan Thuế cấp dưới. Thường xuyên kiểm tra giám sát việc tiếp nhận và xử lý vướng mắc người nộp thuế và cơ quan thuế cấp dưới.
Thứ năm, xây dựng bảng mô tả công việc để đảm bảo trách nhiệm của công chức thuế trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế, miễn, giảm, giãn, gia hạn nộp thuế, hoàn thuế; các quy định về thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý nợ thuế đảm bảo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản quy phạm pháp luật thuế liên quan và đảm bảo đúng các quy trình của Tổng cục Thuế. Tiến tới việc nghiên cứu kết nối mạng với cơ quan Tài nguyên môi trường, Công an trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu quản lý đất đai, phương tiện giao thông trên địa bàn để thực hiện việc thu qua ngân hàng đối với các khoản thu này.
Thứ sáu, thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các sai phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật nội ngành. Coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức, ưu tiên đào tạo cán bộ làm việc tại các chức năng quản lý thuế cơ bản và bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế.
Thứ bảy, tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu của Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp, tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ, nhất là trong việc chấn chỉnh việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công tác. Thực hiện khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc những gương điển hình tiên tiến trong Ngành…
Tổng cục Thuế cam kết bất kỳ thông tin nào do người nộp thuế, báo chí phản ánh về thái độ của CBCC thuế tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ, yêu cầu của người nộp thuế hoặc tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật đều được Tổng cục Thuế xem xét, xác minh làm rõ; kiên quyết không bao che dung túng cho các sai phạm.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông