Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định về địa bàn hoạt động hải quan và tăng cường hơn nữa thẩm quyền chống buôn lậu của lực lượng hải quan… Quy định này đã nhận được ý kiến ủng hộ của các đại biểu Quốc hội.
Mở rộng địa bàn hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu của cơ quan Hải quan. Ảnh: M.HÙNG
Mở rộng địa bàn là cần thiết
Góp ý cho quy định về địa bàn hoạt động hải quan tại dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), đa số các ý kiến đều cho rằng, để tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan Hải quan thì việc mở rộng địa bàn hải quan là cần thiết. Bởi hiện nay, đối với các loại hình kinh doanh XNK đa dạng, như: Kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh hàng hóa…, DN vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu xuất hoặc địa điểm làm thủ tục hải quan theo tuyến đường đã đăng ký với cơ quan Hải quan.
Trong quá trình vận chuyển này, hàng hóa vẫn đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan, và cơ quan Hải quan thực hiện giám sát hải quan gián tiếp bằng các biện pháp nghiệp vụ như niêm phong, kẹp chì, giám sát sự di chuyển bằng định vị vệ tinh. Tuy nhiên. Luật Hải quan hiện hành chưa quy định tuyến đường để vận chuyển hàng hóa này là địa bàn hoạt động hải quan. Do vậy, đã gây khó khăn cho cơ quan Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn cho rằng sẽ “chồng lấn” với địa bàn hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an… Trên thực tế, cơ quan Hải quan cũng chỉ cần giám sát hàng hóa đang vận chuyển và cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm nếu có xảy ra gian lận.
Cho ý kiến về nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam như vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên và các hoạt động khác vì mục đích kinh tế.
Do đó, nếu tại các địa điểm này xuất hiện các yêu cầu về kiểm tra hải quan thì cơ quan Hải quan thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật. Đây cũng là thực tiễn đang diễn ra tại một số địa điểm trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam như địa điểm khai thác dầu khí, một số địa điểm khác trên biển có tiến hành việc xuất khẩu dầu thô…
Phạm vi thẩm quyền này đã được quy định tại Khoản 2 Điều 7 của dự thảo Luật, theo đó, việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan, bao gồm cả các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, quy định thẩm quyền của hải quan trên các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam là bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Biển Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây cũng là quy định kế thừa Luật Hải quan hiện hành, phù hợp với thực tiễn quản lý về hải quan.
Thực tiễn hoạt động cho thấy, phạm vi địa bàn hoạt động hải quan là rất đa dạng, không chỉ ở phạm vi bến cảng, sân bay quốc tế, cửa khẩu biên giới đường bộ mà còn nhiều lối mở khác để phục vụ cho nhân dân qua lại biên giới. Ở những địa bàn biên giới, phạm vi địa bàn hoạt động hải quan được xác định theo tọa độ cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Hơn nữa, việc xác định địa bàn hoạt động hải quan cụ thể còn phụ thuộc vào tình hình an ninh, chính trị, kinh tế – xã hội của từng địa bàn và trong từng thời điểm.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nghị định 107/2002/NĐ-CP ngày 23-12-2002 quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan. Vì vậy, giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan là cần thiết.
Tăng thẩm quyền để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu
Luật Hải quan năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) chưa quy định cơ quan Hải quan thực hiện việc truy đuổi, bắt giữ hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới từ trong địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn nên khi đối tượng chạy ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan phải phối hợp với cơ quan chức năng, có nhiều trường hợp do sự việc diễn biến nhanh chóng, không kịp tổ chức phối hợp nên mất cơ hội bắt giữ và xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Để tăng cường hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan Hải quan, Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã dành hẳn một Chương (Chương V, từ Điều 86 đến Điều 91) quy định về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong đó đã bổ sung quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được thực hiện việc truy đuổi liên tục không bị giới hạn trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu của hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, dự thảo Luật quy định rõ các biện pháp nghiệp vụ cụ thể, thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, một số ý kiến đại biểu tán thành quy định thẩm quyền truy đuổi của lực lượng Hải quan. Ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, một trong những quan điểm sửa đổi Luật Hải quan là nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Vì vậy, việc bổ sung thẩm quyền của hải quan trong việc truy đuổi ra ngoài địa bàn hải quan là cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Để bảo đảm tránh chồng chéo trong hoạt động phối hợp ngoài địa bàn hoạt động hải quan, dự thảo Luật đã bổ sung Khoản 6 Điều 87 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế phối hợp giữa hải quan và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, phạm vi hoạt động của cơ quan Hải quan là khu vực đặc thù liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Đối với các hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ, buôn lậu, gian lận thuế… nếu không quy định lực lượng Hải quan có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát qua biên giới hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh, không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội.
Cho ý kiến về nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về thẩm quyền trinh sát của lực lượng Hải quan là kế thừa Luật hiện hành và đã được quy định chi tiết trong Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của lực lượng Hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì việc quy định cơ quan Hải quan có quyền thực hiện các nghiệp vụ trinh sát là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh hiểu nhầm giữa hoạt động nghiệp vụ của hải quan với hoạt động trinh sát của các lực lượng khác, xin được tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bỏ khoản 3 Điều 89 dự thảo Luật và bổ sung cụm từ “nghiệp vụ kiểm soát hải quan” tại Khoản 1 Điều 89 để bảo đảm phù hợp với các nghiệp vụ hải quan đã và đang thực hiện trên thực tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Ngọc Vinh:
Thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc áp dụng biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã được quy định tại Khoản 2 Điều 88 về một số biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan như tuần tra hải quan, điều tra, xác minh. Tuy nhiên, từ thực tế công tác quản lý hải quan những năm vừa qua, ngoài các biện pháp được nêu trong dự thảo luật còn có các biện pháp kiểm soát hải quan khác theo Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg, ngày 19-4-2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của lực lượng hải quan phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Vì vậy cần được bổ sung vào dự thảo để luật hóa tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động của lực lượng kiểm soát hải quan đạt hiệu quả như biện pháp vận động quần chúng, điều tra, nghiên cứu nắm tình hình các biện pháp trinh sát cần thiết như biện pháp cơ sở bí mật, tổ chức đấu tranh chuyên án trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến, trinh sát kỹ thuật. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã được lực lượng Hải quan áp dụng có hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Đối với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là vận chuyển trái phép chất nổ, vũ khí, cần thiết phải quy định cho phép lực lượng hải quan có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm để bảo đảm tính thống nhất và thẩm quyền của lực lượng hải quan. Ban soạn thảo đã thiết kế Điều 102 về vấn đề này là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 89 dự thảo Luật chưa đề cập đến chức danh Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu. Điểm e, Khoản 1, Điều 123 Luật Xử phạt vi phạm hành chính lại quy định về thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục chính, bao gồm cả Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu. Do đó, để đảm bảo thống nhất giữa Luật Hải quan (sửa đổi) và Luật Xử lý vi phạm hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung chức danh Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu vào Khoản 1, Điều 89 cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Võ Trọng Việt:
Về vấn đề truy đuổi của lực lượng Hải quan, trên thực tế, anh em Biên phòng gắn với Hải quan rất nhiều năm, nếu như không trao quyền truy đuổi cho lực lượng Hải quan ở trên biển, trên biên giới, bỏ lọt tội phạm là không nên. Tôi nghĩ trong việc phòng chống tội phạm ngay tại cửa khẩu nếu không cho phép lực lượng Hải quan được trang bị những công cụ hỗ trợ tương ứng thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Phải mạnh dạn giao quyền cho lực lượng Hải quan còn quy trình xử lý có luật pháp quy định, không sợ người được giao quyền sử dụng quá quyền hạn.
Vấn đề xử lý tội phạm, cũng nên trao quyền tương ứng cho lực lượng Hải quan như quyền bắt, khám xét, tạm giữ và sử dụng các phương tiện… để hoàn thành nhiệm vụ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội- TS. Đinh Xuân Thảo:
Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) lần này đã phù hợp với tình hình hội nhập của Việt Nam với quốc tế, đặc biệt là quy định về lãnh thổ hải quan. Khoản 24 Điều 4 dự thảo Luật đã quy định: Lãnh thổ hải quan gồm những khu vực trong lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nơi Luật Hải quan được áp dụng.
Quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm của Hải quan trong khu vực đặc quyền kinh tế là hoàn toàn phù hợp. Quyền và trách nhiệm của Hải quan trong vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam là đương nhiên. Trong vùng đặc quyền kinh tế là thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia có một số hoạt động mà quyền tài phán hay quyền chủ quyền có phần hạn chế hơn so với vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải. Do đó, khi có những hoạt động liên quan đến XNK trong khu vực này như XK dầu thô ngay tại những lô dầu khí ở ngoài vùng lãnh hải thì Hải quan phải có quyền và trách nhiệm ở đó, không thể yêu cầu bên mua, bên bán đưa dầu vào đất liền làm thủ tục rồi mới cho đi.
Về thủy sản cũng vậy, các nước đã thực hiện rồi, việc đánh bắt thủy sản sau đó có thể XK luôn với tàu nước ngoài ngay trên biển đều phải làm thủ tục hải quan nên việc sửa Luật như dự thảo là hoàn toàn phù hợp.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật (ĐB tỉnh Ninh Thuận):
Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) tăng thẩm quyền điều tra, chống buôn lậu cho lực lượng Hải quan. Tuy nhiên, nếu tăng cường tuần tra, chống buôn lậu trên biển cần thiết phải tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng, và phải đầu tư tương xứng cho ngành Hải quan như trang bị tàu thuyền. Vấn đề này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể về mức độ đầu tư.
ĐB Trần Tiến Dũng, Ủy viên UB Pháp luật (ĐB tỉnh Hà Tĩnh):
Tăng thẩm quyền điều tra, chống buôn lậu cho ngành Hải quan như thẩm quyền truy đuổi ra khỏi địa bàn hải quan, vấn đề trang thiết bị phục vụ cho việc đó… là cần thiết để ngành Hải quan có đủ điều kiện thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ.
Tôi đồng tình với quan điểm thực hiện tuần tra, truy đuổi trên biển của lực lượng Hải quan, tuy nhiên điều này sẽ rất khó khăn, rất nguy hiểm cho lực lượng Hải quan nếu không có những điều kiện kèm theo. Phải có cơ chế luật pháp chặt chẽ, phối hợp nhiều lực lượng trên biển như Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, các lực lượng này phải là chỗ dựa cho lực lượng Hải quan thực thi nhiệm vụ, vì lực lượng Hải quan không phải là lực lượng chiến đấu. Như vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều đó là cần thiết nhưng phải có cơ chế chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho hoạt động chống buôn lậu của lực lượng Hải quan.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):
Thực tế thời gian qua thẩm quyền chống buôn lậu của ngành Hải quan bị hạn chế, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hải quan không cao, công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền, phòng chống buôn lậu chưa triệt để. Lý do cơ bản là thẩm quyền của lực lượng Hải quan chỉ khép kín trong khu vực quản lý nhất định, điều này đã tạo điều kiện cho đối tượng buôn lậu khi gặp lực lượng Hải quan đã tìm cách trốn chạy ra khỏi vùng quản lý của Hải quan và lúc đó CBCC Hải quan cũng không có quyền truy đuổi. Rào cản này đã làm hạn chế thẩm quyền chống buôn lậu, gây thất thoát lớn lượng hàng hóa, cũng như thất thu thuế cho Nhà nước, làm ảnh hưởng đến các DN sản xuất trong nước. Hàng nhái, hàng lậu cũng gây nên những nhức nhối trong xã hội, quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm nghiêm trọng mà không ngăn chặn được.
Trong Luật Hải quan (sửa đổi) lần này đã mở ra một hướng mới, tăng thầm quyền cho lực lượng Hải quan thực hiện nhiệm vụ của mình, việc truy quét được mở rộng hơn sẽ khắc phục được những bất cập nêu trên.
Vì vậy, việc tăng thẩm quyền tuần tra, chống buôn lậu trên biển cho lực lượng Hải quan là rất cần thiết. Đây là việc làm vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia, vừa truy quét các DN, cá nhân trốn thuế, gian lận thương mại là vấn đề nhức nhối của xã hội mà nhiều lần chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, việc tuần tra, chống buôn lậu trên biển của lực lượng Hải quan thì cần thiết nhưng không thực tế và khó có hiệu quả vì nhiều lý do. Biển rộng mênh mông, khả năng phương tiện của lực lượng Hải quan, cũng như trang bị nghiệp vụ thi hành công vụ không đáp ứng, trong khi biên chế còn khiêm tốn. Mặt khác, CBCC Hải quan cũng không được phép bắt giữ, khám xét phương tiện khi không có lực lượng chức năng khác. Vì thế Luật Hải quan (sửa đổi) có mở rộng tăng thẩm quyền cho CBCC Hải quan trong chống buôn lậu, cũng cần nêu rõ vai trò phối hợp của lực lượng Cảnh sát biển cũng như lực lượng Biên phòng trong tuần tra, truy đuổi…
An Tư-Trần Thắng (ghi)
|
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông