Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (MWG) vừa nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu. Nhiều khả năng cổ phiếu MWG sẽ được chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 7 này. Liệu cổ phiếu của MWG có tạo nên sức nóng?
Ảnh minh họa
Ngày 27/5, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của MWG. Theo hồ sơ này, MWG có vốn điều lệ 627 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là 62,7 triệu đơn vị. Tuy nhiên, thông tin từ đại hội đồng cổ đông của MWG diễn ra ngày 17/5 cho biết, MWG sẽ phát hành thêm hơn 34,9 triệu cổ phiếu để thưởng và tạm ứng cổ tức năm 2014 cho cổ đông hiện hữu.
Vì thế, vốn điều lệ của MWG dự kiến tăng từ 627 tỷ đồng lên 976,5 tỷ đồng. Số cổ phiếu này cũng sẽ được niêm yết bổ sung trên HOSE. Được biết, MWG đang nắm 99,35% vốn ở Thế giới di động (thegioididong.com) và 79,95% vốn ở Thương mại Thế giới Điện tử (dienmay.com).
Hiện tại, MWG vẫn chưa có thông tin chính thức về giá cổ phiếu sẽ chào bán. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MWG, cho biết, dự kiến giá chào bán cổ phiếu MWG sẽ bằng với giá mà Mekong Capital đã thoái vốn khỏi MWG, tức 85.000 đồng/cổ phiếu.
Giá hợp lý
Nếu tính theo mức giá này, vốn hóa thị trường của MWG khi lên sàn sẽ đạt hơn 5.300 tỷ đồng, gấp 17 lần giá trị vốn hóa của Thế giới số Trần Anh (TAG) – doanh nghiệp hoạt động cùng ngành và đã niêm yết từ năm 2010. Với mức giá này, một khi lên sàn, MWG sẽ trở thành một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất, chỉ sau VNM, VCF, MSN, GAS và DHG hiện đang giao dịch trên 90.000 đồng/CP. Câu hỏi đặt ra là mức giá 85.000 đồng cho MWG là đắt, rẻ hay phù hợp?
Căn cứ theo mức giá 85.000 đồng và lãi/CP(EPS) tại thời điểm cuối 2013 là 24.294 đồng/CP, chỉ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) ước tính cho MWG vào khoảng 3,6x, rất thấp so với mức P/E trung bình toàn thị trường là 14x. Ngay cả khi tính P/E cho cả lượng cổ phiếu phát hành thêm, P/E của MWG cũng không vượt quá 10.
Đặc biệt, theo ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital, trong quý I/2014, MWG đã đạt lợi nhuận 169 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của quý 72% và đạt 39% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Dự kiến lợi nhuận cả năm 2014 của MWG sẽ đạt khoảng 530 tỷ đồng, cao hơn mức 435 tỷ đồng đề ra trong kế hoạch. Nếu ước tính trên kết quả này thì chỉ số P/E năm 2014 của MWG sẽ chỉ ở khoảng 10x, tức thấp hơn so với chỉ số P/E bình quân trên thị trường và thấp hơn nhiều so với các công ty bluechip ở Việt Nam.
Nhưng với tỷ lệ tăng trưởng nhanh của MWG, ông Chris Freund đánh giá P/E của MWG sẽ đạt tới 15x hoặc cao hơn sau khi niêm yết do nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu MWG.
MWG là công ty có tốc độ phát triển rất nhanh. Từ một cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), chỉ sau 10 năm, MWG đã xây dựng 232 siêu thị, chiếm 24% thị phần điện thoại di động và 21% thị phần máy tính bảng. Với hệ thống các điểm phân phối dày đặc, MWG không cần kho và không tốn kém chi phí kho vận.
Hệ thống này cũng giúp Công ty có thể giao hàng trong 30 phút. Đặc biệt, với diện tích siêu thị chỉ khoảng 100m2, Công ty có thể mở rộng hay thu hẹp một cách linh hoạt. Ngoài ra, do chỉ tập trung vào mảng điện thoại di động nên MWG hưởng lợi từ khuynh hướng tăng trưởng bùng nổ của thị trường.
Kết quả, trong năm 2013, MWG có doanh thu 9.545 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 259 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần lãi năm 2012. EPS của năm 2013 cũng gấp 2 lần con số 12.403 đồng/CP của năm 2012. Mekong Capital rất tin tưởng kinh doanh của MWG sẽ vượt chỉ tiêu và thị phần của MWG sẽ tăng lên trong năm 2014 do Công ty có kế hoạch mở thêm 40 cửa hàng trong năm 2014 và đã mở được 6 trong quý I/2014.
Trong 2-3 năm tới, mục tiêu của MWG là trở thành tập đoàn bán lẻ điện tử lớn nhất Việt Nam. Dài hơi hơn, công ty này sẽ thử sức ở nhiều mặt hàng kinh doanh như điện máy, laptop chứ không chỉ có điện thoại di động. Tuy nhiên, thách thức cho MWG là từ tháng 1/2015, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ.
Không chỉ với MWG mà các nhà bán lẻ điện máy, viễn thông của Việt Nam sẽ phải đương đầu với những đối thủ nước ngoài mạnh về vốn và rất giàu kinh nghiệm. Khi đó, theo giới phân tích, “miếng bánh” chỉ thuộc về những công ty nào đã xác lập được vị thế tốt trên thị trường.
Ai sẽ chú ý đến MWG?
Căn cứ vào danh sách cổ đông gần nhất mà MWG công bố thì cơ cấu cổ đông của Công ty khá cô đặc. Hiện có 6 cổ đông lớn (sở hữu từ 5% cổ phần trở lên) nắm giữ 88% vốn điều lệ của MWG.
Trong khi đó, để niêm yết, cổ đông nhỏ (nắm dưới 5% vốn) phải sở hữu ít nhất 20% cổ phần. Do đó, để được lên sàn, các cổ đông lớn của Công ty sẽ thoái bớt cổ phần. Năm ngoái, 5 thành viên sáng lập của MWG cùng Mekong Capital đã chuyển nhượng lại gần 20% cổ phần cho CDH Electric Bee.
Hiện tại, CDH Electric Bee nắm giữ 18,8% vốn, Mekong Capital nắm 14,3% vốn, ông Nguyễn Đức Tài nắm 17% vốn còn ông Trần Lê Quân nắm 18,7% vốn MWG. So với cùng kỳ năm ngoái cơ cấu này đã có sự thay đổi theo hướng Mekong Capital và CDH Electric Bee đều giảm bớt sở hữu ở MWG. Đáng chú ý, Mekong Capital đã nhiều lần thoái vốn khỏi MWG rất thành công.
Ở lần thoái một phần vốn khỏi MWG trong năm 2013, Mekong Capital đã bán cổ phiếu MWG với giá cao gấp 11 lần so với lúc bỏ ra (2007). Trong đợt chuyển nhượng 9% vốn ở MWG mới đây, Mekong Capital ghi nhận lãi gấp 21,8 lần. Rõ ràng, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm và sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cổ phiếu MWG.
Được biết, các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phiếu MWG lần này là 6 quỹ đầu tư nước ngoài bên cạnh một số nhà đầu tư lẻ Việt Nam. Đây là các quỹ đầu tư chuyên tập trung vào thị trường Việt Nam cũng như các quỹ toàn cầu có phân bổ một phần vốn vào các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Theo DNSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông