Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu thông tin Chính phủ Trung Quốc cấm các doanh nghiệp tham gia đấu thầu các hợp đồng mới tại Việt Nam là sự thật, nhìn rộng hơn thì lại là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước.
Ảnh minh họa
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Ngày 9/6, một tờ báo của Trung Quốc đã đưa tin Chính phủ Trung Quốc cấm các doanh nghiệp nhà nước tham gia đấu thầu các hợp đồng mới tại Việt Nam. Nếu thông tin này là đúng thì sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của Việt Nam, thưa ông?
Nếu Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm các doanh nghiệp đấu thầu tại Việt Nam thì đây chính là bước thứ hai trong kế hoạch “tấn công” Việt Nam. Bước đầu, Trung Quốc đặt giàn khoan, mang tính chất đối đầu về quân sự và thương mại và bước thứ hai là đánh vào kinh tế.
Chắc chắn việc này sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Một mặt, các doanh nghiệp Trung Quốc không thể đầu tư vào Việt Nam và mặt khác sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền đến các hoạt động kinh tế và thương mại khác.
Sau những hoạt động cấm đầu tư, có thể sẽ là cấm cả những hoạt động liên quan đến việc xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc…
Tuy nhiên nhiều ý kiến lại cho rằng nếu điều này thực sự xảy ra sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước. Ông nghĩ sao về việc này?
Nếu nhìn rộng ra thì đúng là khi Trung Quốc cấm các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam
sẽ có những mặt lợi nhất định. Điều có thể thấy ngay là sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, đồng thời sẽ khuyến khích và định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm Việt Nam nhiều hơn. Đó là những mặt tích cực.
Vậy theo ông, các doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì nếu điều này thực sự xảy ra?
Về phía các doanh nghiệp, tôi cho rằng nên chuẩn bị những kế hoạch, những phương án khác nhau. Với mỗi phương án khác nhau thì cũng cần phải có đối tác thay thế ngay về đầu tư, về thương mại, vấn đề chuyển tiền… Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng cần nỗ lực hơn nữa để phát triển, để có thể đứng vững và có thể tham gia đấu thầu các dự án quan trọng.
Đứng trên phương diện cơ quan quản lý thì nên có những hành động cụ thể gì, thưa ông?
Các cơ quan quản lý nên đề ra những kế hoạch, những kịch bản khác nhau để chuẩn bị cho điều này. Cho đến nay, không biết các cơ quan quản lý đã lên kế hoạch chưa, song cần phải sớm triển khai để phòng ngừa.
Chẳng hạn như vấn đề đấu thầu, nên chuẩn bị một danh mục các quốc gia hoặc các đối tác nước ngoài có thể thay thế đối tác Trung Quốc trong xuất nhập khẩu. Ngoài ra, đối với vấn đề tài chính tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên chuẩn bị kỹ càng các phương án liên quan đến thanh toán quốc tế, chuyển ngân, thanh toán bằng thư bảo lãnh, tín dụng thư… để các hoạt động xuất nhập khẩu không bị gián đoạn.
Ví dụ như tín dụng thư phát hành từ Trung Quốc, nếu như hoạt động thương mại giữa hai nước vẫn bình thường thì khi các doanh nghiệp Việt Nam nhận được tín dụng thư này sẽ giống như một sự bảo lãnh từ ngân hàng Trung Quốc và xuất hàng một cách an tâm. Nhưng nếu quan hệ bất thường thì việc xác nhận tín dụng thư sẽ phải thông qua ngân hàng của nước khác. Cho nên NHNN nên chuẩn bị những phương án như thế để giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các ngân hàng, có thể tiến hành hoạt động một cách bình thường.
Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém là bảo hiểm hàng hải. Trong trường hợp các hàng hóa vận chuyển bằng đường biển bị hư hại, bị đánh cắp thì các công ty bảo hiểm sẽ chi trả. Nhưng hiện nay, do những biến động của tình hình biển Đông mà rất nhiều hãng bảo hiểm đã không chịu nhận bảo hiểm hàng hóa lưu thông qua biển Đông. Đây là vấn đề cần phải cảnh báo vì nhiều nguồn hàng xuất nhập khẩu của chúng được vận chuyển thông qua con đường này.
Dĩ nhiên, đây mới chỉ là giả thiết nếu Trung Quốc không cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu tại Việt Nam nên chúng ta cũng không cần quá bất an mà thực hiện sớm các biện pháp chưa cần thiết. Theo tôi, đây mới chỉ là giai đoạn phải cảnh giác chứ chưa đến mức cảnh báo hay báo động xanh, báo động đỏ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Một Thế giới
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông