Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương diễn ra ngày 2/6 vừa qua.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Dùng hàng Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước
Trả lời câu hỏi của báo chí rằng, có hay không hiện nay thị trường Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc? Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam có những thế mạnh cho xuất khẩu, như: nông sản, thủy sản chế biến, điều, cao su, hoa quả…
Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu nhập những mặt, như: nguyên phụ liệu cho may mặc, da giầy, thức ăn cho thủy sản. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 28,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 23,7% chiếm tỷ trọng 10,5%.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng xuất siêu sang nhiều thị trường khác, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Theo chủ trương của Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan, thì không nên quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Và “để làm được điều đó thì cần phải có biện pháp giảm nhập khẩu và tăng cường các thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Hải nhấn mạnh.
Hiện nay, “Việt Nam đang có nhiều hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại, tham gia nhiều các phiên đàm phán như TPP, FTA… để mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, hướng tới đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng Hải nói.
Đồng thời, để tăng cường tiêu thụ hàng hóa trong nước, thì trước tiên, người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hiện nay, hàng hóa ở Việt Nam cũng rất đa dạng và phong phú, từ hoa quả, lương thực, may mặc…
Việt Nam đều đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế, nhưng nhiều người vẫn có thói quen chuộng hàng ngoại. Bộ Công Thương cũng đang đồng hành cùng các sở Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tạo cho người tiêu dùng có thói quen dùng hàng Việt.
“Sự kiện Biển Đông có thể coi là cú hích để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa, kêu gọi lòng yêu nước của mọi người, từ doanh nghiệp đến người dân. Dùng hàng Việt cũng là biểu hiện của lòng yêu nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Giữ nguyên giá bán lẻ điện
Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, biểu giá bán lẻ điện ban hành theo Quyết định số 4887/QĐ-BCT, ngày 30/5/2014 của Bộ Công Thương được cấu trúc theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đây không phải sự điều chỉnh giá điện do mức giá bán lẻ bình quân vẫn giữ ở mức 1.508,85 đồng/kWh. Tuy nhiên, giá bán của từng mức có sự thay đổi.
“Khi điều chỉnh cơ cấu giá thì cũng có mức tăng, mức giảm, nhưng nhìn chung, giá điện sinh hoạt, điện kinh doanh sẽ giảm. Theo cơ cấu biểu giá mới, giá điện sinh hoạt và kinh doanh giảm. Với sản xuất, không phải giờ cao điểm, giá điện cũng không tăng. Do đó, việc thay đổi biểu giá sẽ không có tác động gì đến CPI”, ông Phúc khẳng định.
Trước đó, theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/6/2014, giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ còn 6 bậc, thay vì 7 bậc như trước. Quyết định số 28 nêu rõ, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 6 bậc, với mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, năm 2014 sẽ không thiếu điện. Hiện nay, có ít nhất 10 dự án đang được triển khai, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, điện sản xuất của cả nước tháng 5 ước đạt 12,10 tỷ kWh, tăng 10,5% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, điện sản xuất ước đạt 54,42 tỷ kWh, tăng 11,1% so cùng kỳ. Điện thương phẩm tháng 5 ước đạt 10,63 tỷ kWh, tăng 9,2% so cùng kỳ.
Chỉ có rất ít website thương mại điện tử thông báo đăng ký kinh doanh
Trả lời về quy định xử phạt các website tham gia thương mại điện tử mà không đăng ký, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, trong thời gian vừa qua, thương mại điện tử đã có sự phát triển, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Thông tư số 12/2013/TT-BCT quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử.
Theo đó các thương nhân, tổ chức cá nhân thiết lập website thương mại điện tử phải đăng kí với Bộ Công Thương. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã phối phối hợp với Cục Quản lý thị trường và PC 50 kiểm tra và xử lý hàng loạt các website thương mại điện tử hoạt động kinh doanh nhưng không đăng ký.
Hiện nay ở Việt Nam có hàng chục ngàn website thương mại điện tử hoạt động, nhưng theo thống kê của Bộ Công Thương thì mới chỉ nhận khoảng 6 nghìn website đề nghị thông báo, đăng ký. Vì vậy, trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra và xử lý các website thương mại điện tử mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông