Tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014.
Từ giữa năm 2013, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu phục hồi, nên việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 có nhiều thuận lợi hơn. Nguồn: internet
Có thể thấy, từ giữa năm 2013, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu phục hồi, nên việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 có nhiều thuận lợi hơn. Đặc biệt là, năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm kinh tế từ năm 2010. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012, đưa quy mô nền kinh tế lên khoảng 170,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.900 USD.
Trong các tháng đầu năm 2014, nền kinh tế nước ta tiếp tục có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, lạm phát được kiềm chế; thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến ở một số lĩnh vực ưu tiên; thanh khoản của các ngân hàng thương mại được cải thiện; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao, đặc biệt là xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhập khẩu nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trở lại.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế cũng nhận định cần quan tâm đến việc xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc. Thực tế, tổng cầu nội địa còn yếu, lượng hàng tồn kho bình quân giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn ngưỡng thông thường các năm khoảng 65%; nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản; nợ công ngắn hạn đến hạn và quy mô trả nợ ngày càng lớn. Trong những tháng đầu năm nay, tổng cầu vẫn chưa được cải thiện; lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn tiếp tục phát sinh những dấu hiệu đáng lo ngại; sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các ngành, sản phẩm, cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới có tăng, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với tỷ lệ số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Nhưng có thể thấy, vấn đề đặt ra là không chỉ tăng tổng cầu, tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, hay tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Đồng thời, diễn biến phức tạp trên Biển Đông có tác động đến nền kinh tế nước ta, nhưng không phải tác động toàn diện, mà chỉ với một số lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp… Thực tế, sau 10 năm sau khi Hiệp định ASEAN+3 có hiệu lực (2000-2010), xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng 25 lần, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 5 lần. Và trong những năm qua, các bộ, ngành đã phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp để xúc tiến tìm những thị trường xuất khẩu mới.
Nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới là phải cải thiện tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bởi để bù đắp việc giảm tổng vốn đầu tư, thì năng suất lao động phải tăng ít nhất 50%. Và tốc độ tăng trưởng phải đạt ít nhất 6,5%, thì mới có thể giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động. Nếu kéo dài tình trạng tăng trưởng dưới 6,5% thì sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu này cũng như giải quyết các công tác xã hội khác. Song, nếu đẩy nhanh tăng trưởng bằng đầu tư thêm vốn thì sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay không có cách nào khác là phải đẩy nhanh tái cơ cấu. Tại phiên họp đầu tuần sau, đại biểu Quốc hội cần tập trung phân tích quá trình tái cơ cấu đang đặt ra những đòi hỏi nào với cơ chế, chính sách hiện nay, từ đó, ra đề bài cụ thể cho những dự án luật có liên quan đang và sắp trình ra Quốc hội.
Mặt khác, tình hình Biển Đông hiện nay không chỉ có tác động tiêu cực, mà đang mở ra một số cơ hội cho nước ta. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, đây là cơ hội cho chúng ta đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, thay cho tình trạng ngay cả những vật dụng trong nước thừa sức đáp ứng cũng phải nhập. Bởi để hạn chế nhập khẩu những vật dụng nhỏ, trong nước có thừa khả năng sản xuất không thể chỉ bằng chính sách của Nhà nước, mà còn là từ ý thức của mỗi người dân. Song có thể thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký khởi sự thấp cũng do lòng tin giảm, sự lo ngại về thất bại khi kinh doanh. Vì vậy, đại biểu Quốc hội cần thảo luận tập trung để tìm giải pháp cho đẩy mạnh sản xuất trong nước, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu này.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông